Được xem là công ty của các bậc phụ huynh, nếu thâu tóm thành công TikTok tại Mỹ, Microsoft có thể trở thành hãng công nghệ hợp thời hơn.
Khi căng thẳng Mỹ - Trung tăng, số phận của TikTok sẽ là chỉ báo quan trọng với các doanh nghiệp đang nỗ lực dự báo hệ quả của một thế giới ngày càng ít toàn cầu hóa. TikTok gặp rắc rối vì công ty mẹ của ứng dụng này – ByteDance – có trụ sở tại Trung Quốc. Khi TikTok ngày càng phổ biến tại Mỹ, giới chức nước này lo ngại chính phủ Trung Quốc sử dụng ứng dụng này để lấy dữ liệu về công dân Mỹ. TikTok phủ nhận, nhưng dĩ nhiên điều này không thể xoa dịu được Washington.
Cuối tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ cấm ứng dụng này, đồng thời phản đối ý tưởng mua TikTok của Microsoft. Tuy nhiên, sau cuộc nói chuyện với CEO Microsoft Satya Nadella, ông Trump đã thay đổi quan điểm. Tổng thống Mỹ cho biết TikTok có 45 ngày để đạt thỏa thuận bán lại cổ phần cho một công ty Mỹ, nếu không sẽ phải ngừng hoạt động tại nước này.
NYT nhận định, đại gia công nghệ Mỹ có thể sử dụng tiềm lực tài chính để mua sở thích của thanh thiếu niên qua thương vụ này.
"Microsoft được xem là công ty của các bậc phụ huynh. Họ đang cố gắng thay đổi điều này", Dan Ives, giám đốc điều hành, kiêm chuyên gia phân tích tại Wedbush Securities nói. Theo ông, nếu hoàn thành thương vụ trên, từ một hãng công nghệ không mấy hấp dẫn những người dưới 25 tuổi, Microsoft có thể trở thành "hợp thời" như TikTok.
Hiện chưa rõ Microsoft sẽ trả bao nhiêu cho TikTok. Tuần trước, Reuters đưa tin ByteDance định giá ứng dụng này trên 50 tỷ USD. Dù vậy, sức ép của Mỹ có thể khiến mức giá này hạ xuống.
Theo WSJ, ByteDance trước nay vẫn cố tránh việc bán TikTok tại Mỹ, do họ tin rằng ứng dụng này có thể đe dọa người dùng và doanh thu quảng cáo của Facebook. Hãng dự báo doanh thu TikTok năm nay đạt 1 tỷ USD và năm sau đạt 6 tỷ USD. Dù vậy, TikTok toàn cầu vẫn chưa có lợi nhuận.
Theo thỏa thuận, Microsoft sẽ tiếp quản mảng kinh doanh của TikTok tại Mỹ, Canada, Australia và New Zealand. Hãng cho biết sẽ đảm bảo tất cả dữ liệu riêng tư của người dùng Mỹ được chuyển về và lưu trữ tại Mỹ.
Vấn đề cốt lõi trong đàm phán sẽ là tách riêng công nghệ của TikTok ra khỏi cơ sở hạ tầng của ByteDance. ByteDance hiện sở hữu một ứng dụng video ngắn khác hoạt động tại thị trường Trung Quốc là Douyin, dùng chung bộ mã với TikTok.
Giới chức Mỹ đến nay vẫn cáo buộc ứng dụng chia sẻ video TikTok là mối đe dọa với an ninh quốc gia. TikTok luôn phủ nhận điều này.
Còn theo NYT, thanh thiếu niên không nên lo lắng rằng Microsoft sẽ làm giảm sự thú vị của TikTok. Bởi trong những thương vụ gần đây, Microsoft tăng nguồn lực tài chính và công nghệ tại các công ty nhưng phần lớn vẫn để họ vận hành độc lập.
Sau khi thoả thuận với Microsoft được công bố, Christopher Wanstrath - đồng sáng lập GitHub nói với các nhà đầu tư cách đại gia công nghệ này đối xử với Minecraft và LinkedIn cho thấy "họ nghiêm túc thế nào trong việc phát triển các doanh nghiệp non trẻ trong khi vẫn duy trì sự độc lập và bản sắc"
Giới phân tích cho rằng, phương pháp tiếp cận của Microsoft đã thành công. Từ khi thuộc sở hữu của Microsoft, cho đến trước lúc Covid-19 bùng phát, LinkedIn đã phát triển nhanh hơn so với thời điểm chưa về tay đại gia công nghệ Mỹ.
Với hơn 100 triệu người dùng tại Mỹ, TikTok nhiều khả năng phù hợp với mô hình này. Để thành công, chủ nhân của TikTok sẽ cần vận hành công nghệ và duy trì cộng đồng trực tuyến của mình. Thoả thuận đang được thảo luận gồm mua các văn phòng Tiktok tại Mỹ, Canada, Australia và New Zealand. ByteDance – công ty mẹ TikTok sẽ tiếp tục sở hữu các cơ sở của ứng dụng này tại Bắc Kinh.
Microsoft cũng có thể cung cấp một thứ mà các đối thủ trong ngành công nghệ không có. Đó là sự yên bình tại Washington. Amazon, Facebook và Google đã phải bước đi cẩn thận trong bối cảnh đang bị giám sát chống độc quyền. Vì vậy, việc thực hiện một thoả thuận "bom tấn" với những doanh nghiệp không vững chắc về chính trị cũng kém hấp dẫn.
Dù cố gắng thâm nhập thị trường Trung Quốc hơn một thập kỷ, Microsoft cũng chỉ thành công khiêm tốn. Microsoft Windows và Office phổ biến ở Trung Quốc nhưng phần lớn là hàng lậu. Thị trường này chỉ đóng góp chưa tới 2% doanh thu của Microsoft.
Cuộc trò chuyện của Nadella với ông Trump tạm thời xoa dịu những lo lắng của Tổng thống về TikTok với an ninh quốc gia. Mối quan tâm của Chính phủ Mỹ là ứng dụng này giúp Trung Quốc tiếp cận thông tin cá nhân của người dân Mỹ. Tuy nhiên, theo thông báo của Microsoft, doanh nghiệp này sẽ đảm bảo tất cả thông tin cá nhân của người dùng Mỹ trên TikTok sẽ vẫn ở lại Mỹ.
Có thể bạn quan tâm
Điều gì khiến Tổng thống Donald Trump muốn cấm TikTok tại Mỹ?
11:23, 04/08/2020
Ông Trump cho Microsoft 45 ngày để giành được thỏa thuận TikTok
16:25, 03/08/2020
TikTok sẽ có “thẻ xanh” vào Mỹ?
06:30, 03/08/2020
Tổng thống Trump muốn cấm TikTok tại Mỹ
04:00, 02/08/2020
Nguy cơ “xóa sổ” TikTok
13:19, 30/07/2020
Cực chẳng đã, ByteDance lên kế hoạch bán TikTok?
06:00, 30/07/2020