Trong bài phát biểu nhân kỷ niệm 100 năm ngày kết thúc Thế chiến thứ nhất được tổ chức vừa qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ chủ nghĩa dân tộc.
“Lòng yêu nước đối nghịch hoàn toàn với chủ nghĩa dân tộc. Chủ nghĩa dân tộc là sự phản bội lòng yêu nước”, Tổng thống Macron phát biểu và nhấn mạnh, bằng cách theo đuổi lợi ích riêng của mình mà không quan tâm đến người khác, những người theo chủ nghĩa dân tộc đã xóa bỏ chính điều mà một quốc gia coi là quý giá nhất: giá trị đạo đức của quốc gia đó.
Có thể bạn quan tâm
20:40, 28/01/2017
07:44, 24/10/2017
18:14, 19/05/2017
Những lời phát biểu này được cho là nhắm đến Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã theo đuổi chính sách “nước Mỹ là trên hết” kể từ khi ông bước chân vào Nhà Trắng. Trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ mới đây, ông tái khẳng định mình là một người theo chủ nghĩa dân tộc.
Ông Macron đã so sánh môi trường chính trị hiện nay với những năm 1930 khi cảnh báo rằng, nếu không kiềm chế được chủ nghĩa dân tộc sẽ mở đường cho sự nổi lên của những người như Hitler.
Cảnh báo này của ông Macron dường như cũng nhằm vào các đảng cực hữu đã giành được vị thế trên khắp châu Âu trong các cuộc bầu cử gần đây, bao gồm cả ở Pháp, nơi đảng Mặt trận Quốc gia được đổi tên thành Rally National, đã vượt qua phong trào En Marche của ông Macron trong cuộc khảo sát gần đây trước thềm bầu cử Quốc hội châu Âu vào tháng 5/2019.
Bên cạnh Pháp, các đảng dân tộc chủ nghĩa cánh hữu đã vươn lên hoặc hiện đang nắm giữ quyền lực ở Italy, Hungary, Ba Lan, Áo, Slovenia..
Ngoài ra đã có một sự hồi sinh tương tự của chủ nghĩa dân tộc từ Brazil đến Thổ Nhĩ Kỳ và Philippines, giống như xu hướng ở Nga và Hoa Kỳ. Điều này đã và đang thách thức chủ nghĩa đa phương mà các nhà lãnh đạo như Macron muốn giữ gìn.