Theo Kiểm toán Nhà nước (KTNN), dự án này không nằm trên tuyến QL1 nên việc TP. HCM bổ sung vào dự án BOT An Sương - An Lạc là không đảm bảo nguyên tắc công bằng cho người dân.
Cầu Tân Kỳ - Tân Quý (Q.Bình Tân, TP.HCM) xây dựng trước năm 1975, nằm cách QL1A khoảng 150m. Do thời gian công với lượng phương tiện qua lại quá nhiều, dẫn đấn cây cầu bị xuống cấp, hư hỏng và bị sụt mố cầu vào hồi tháng 8/2016.
Trước tình hình cấp bách cần sớm khắc phục sự cố hư hỏng cầu, rút ngắn thủ tục để đẩy nhanh tiến độ khắc phục và đầu tư xây dựng cầu mới, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP. HCM đã đề xuất UBND TP. HCM chấp thuận phương án đầu tư bổ sung dự án cầu mới Tân Kỳ - Tân Quý vào dự án BOT An Sương - An Lạc.
Theo phụ lục hợp đồng ký kết ngày 4/8/2017, dự án cầu Tân Kỳ - Tân Quý có chiều dài gần 225m, rộng 16m, cùng đường gom hai bên cầu dài hơn 367m, tổng mức đầu tư 312 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng là hơn 132 tỉ đồng.
Tuy nhiên, tổng vốn đầu tư dự án lên tới 668 tỉ đồng do tính luôn cả lãi vay trong thời gian xây dựng và chờ thu phí, chi phí duy tu bảo dưỡng và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu trong thời gian chờ thu phí. Công trình khởi công đầu năm 2018 và dự kiến hoàn thành cuối năm 2018, bắt đầu thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ từ tháng 1/2025 đến hết tháng 3/2034 (111 tháng) để hoàn vốn thông qua Trạm thu phí An Sương - An Lạc hiện hữu.
Trong quá trình kiểm toán một số dự án đầu tư theo hình thức BOT ở TP. HCM, KTNN đã “tuýt còi” UBND TP. HCM vì phê duyệt dự án không thuộc tuyến QL1. Mặt khác, UBND TP.HCM chấp thuận phê duyệt hợp đồng khi chưa xem xét đến tính phù hợp với Nghị quyết số 437/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cụ thể, tại khoản 3 điều 2 Nghị quyết số 437/2017 quy định, dự án đường bộ đầu tư theo hình thức BOT chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân, không đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường độc đạo hiện hữu. Đồng thời, công tác lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu phải tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch theo quy định, hạn chế tối đa chỉ định thầu.
Để đảm bảo nguyên tắc công bằng đối với người tham gia giao thông trả phí đúng với dịch vụ sử dụng, KTNN đề nghị UBND TP. HCM kiểm tra, xử lý việc phê duyệt quyết định đầu tư hạng mục bổ sung xây dựng mới cầu Tân Kỳ - Tân Quý sử dụng nguồn vốn thu phí dự án BOT.
Dự án BOT An Sương - An Lạc được thực hiện theo hợp đồng BOT ký giữa Bộ GTVT và nhà đầu tư là Công ty CP đầu tư phát triển hạ tầng (IDICO) vào năm 2003 với tổng mức đầu tư hơn 831 tỉ đồng. Năm 2010, dự án chuyển giao về cho UBND TP. HCM quản lý theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Kể từ sau thời điểm chuyển giao, UBND TP.HCM quyết định bổ sung các công trình vào dự án BOT An Sương - An Lạc gồm: Nút giao tỉnh lộ 10 - QL1 và tỉnh lộ 10B - QL1 (năm 2011); Nút giao hương lộ 2 - Tây Lân - QL1 (năm 2014); Nút giao Lê Trọng Tấn - Nguyễn Thị Tú - QL1 (năm 2016) và cầu mới Tân Kỳ - Tân Quý (năm 2017).
Hiện tại, dự án cầu Tân Kỳ - Tân Quý đã hoàn thành 70% các hạng mục và phải tạm ngưng thi công từ giữa năm 2018 do vướng mắc việc đền bù giải phóng mặt bằng các hạng mục còn lại như đường dẫn, đường gom, thoát nước.
Có thể bạn quan tâm