Khởi nghiệp

TP HCM thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp

Đình Đại 30/04/2025 1:32

Đến năm 2030, TP HCM đặt chỉ tiêu nằm trong nhóm 100 thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST năng động nhất toàn cầu.

Trong những năm qua, nhờ những chính sách hỗ trợ kịp thời và hiệu quả, hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo không ngừng được hoàn thiện, đưa TP HCM tiến gần đến nhóm 100 thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động nhất thế giới.

hub hcm
hub hcm

Theo Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM, năm 2024, các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại TP HCM đã thu hút 2.813 dự án đăng ký qua các cuộc thi, chương trình ươm tạo, bao gồm: Cuộc thi Startup Wheel (1.021 dự án); Cuộc thi Vietnam Youtuh Startup (1.324 dự án); Cuộc thi khởi nghiệp xanh – Đổi mới sáng tạo năm 2024 (199 dự án); Cuộc thi sinh viên Công Thương với ý tưởng khởi nghiệp lần 5 năm 2024 “Đổi mới sáng tạo hướng tới tương lai xanh" (123 dự án).

Giá trị hệ sinh thái khởi nghiệp xếp thứ 3 Đông Nam Á
TP HCM dự kiến hỗ trợ ươm tạo 202 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) bao gồm: Cuộc thi tìm kiếm giải pháp đổi mới sáng tạo trong khu vực công năm 2024 (20 dự án); Tuyển chọn và ươm tạo dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chuyển đổi số cho phát triển bền vững (10 dự án); Cuộc thi khởi nghiệp Startup Wheel (10 dự án); Cuộc thi khởi nghiệp xanh – Đổi mới sáng tạo năm 2024 (10 dự án).

Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM cho biết, theo xếp hạng của Startupblink năm 2024, ТР HCM xếp hạng 111, có mặt trong top 100 thành phố toàn cầu về bốn lĩnh vực: Fintech xếp hạng 54; Edtech xếp hạng 62; Thương mại điện tử và Bán lẻ xếp hạng 71; và Giao thông vận tải xếp hạng 87.

TP HCM đang đứng thứ ba tại Đông Nam Á về giá trị hệ sinh thái khởi nghiệp, với tác động kinh tế lên đến 5,22 tỷ USD, sau Singapore và Jakarta. TP HCM cùng với Hà Nội đứng đầu trong top 10 địa phương đạt chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương cao nhất cả nước.

Đến năm 2030, TP HCM đặt chỉ tiêu nằm trong nhóm 100 thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST năng động nhất toàn cầu. Thành phố cũng đặt chỉ tiêu nằm trong nhóm 3 tỉnh, thành đứng đầu về ĐMST, chuyển đổi số. Đồng thời, hình thành 5.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Ngoài ra, Thành phố cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động ĐMST đạt trên 40% trong tổng số doanh nghiệp; Tỷ lệ khai thác thương mại hóa từ kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ĐMST đạt từ 8-10%; Số đơn đăng ký sáng chế, văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình từ 16-18%/năm.

Tập trung vào 3 trụ cột chính

Ông Lâm Đình Thắng – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM cho biết, mục tiêu của TP HCM không chỉ là thứ hạng, mà còn là cải thiện toàn diện môi trường đầu tư. Để làm được điều này, TP HCM sẽ tập trung vào 3 trụ cột chính là “Chính sách, Hạ tầng và Nguồn nhân lực".

Về chính sách, TP HCM cần có những cơ chế thực sự mang tính "hấp dẫn", chứ không chỉ dừng lại ở việc đơn giản hóa thủ tục hành chính. Một trong những ý tưởng đang được Thành phố nghiên cứu là mô hình "một cửa" chuyên biệt cho doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST.

Về hạ tầng, TP HCM xác định cần đầu tư không chỉ vào không gian làm việc, mà còn xây dựng mạng lưới các trung tâm nghiên cứu, quỹ đầu tư và đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp nhằm tạo liên kết chặt chẽ trong toàn hệ sinh thái.

Về nguồn nhân lực, TP HCM đang phối hợp với các trường đại học triển khai chương trình lớn mang tên "Đại học Khởi nghiệp", nhằm trang bị cho sinh viên tinh thần, kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

“Thành phố cũng có kế hoạch bồi dưỡng và nâng cao năng lực khởi nghiệp cho người lao động và cộng đồng doanh nhân hiện hữu, thông qua việc kết nối với các cơ sở đào tạo, chương trình chuyên sâu và cơ chế hỗ trợ linh hoạt, thực chất”, ông Thắng nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Hương Quỳnh - CEO BambuUp đánh giá, TP HCM đặt mục tiêu đến năm 2030 có 5.000 startup mới, tương đương khoảng 300-400 startup/năm, là một thách thức không nhỏ. Theo thống kê của BambuUp, số lượng các startup của Việt Nam trong thời gian qua hầu như không thay đổi.

Do đó, bà Nguyễn Hương Quỳnh cho rằng, Thành phố cần đánh giá lại nguồn lực tạo ra startup. Trên thế giới, nguồn lực tạo ra startup đến từ cá nhân, viện, trường và doanh nghiệp, tuy nhiên startup có chất lượng đa số đến từ các viện, trường, doanh nghiệp.

Để đạt được mục tiêu đã đề ra, theo bà Nguyễn Hương Quỳnh, TP HCM cần thiết lập lại định vị, chiến lược ĐMST rõ nét cho Thành phố (là nơi thử nghiệm công nghệ hay là Innovation lab cho một lĩnh vực cụ thể). Bên cạnh đó, cần tạo dựng bệ phóng, bao gồm chính sách, nguồn vốn đủ mạnh, đủ đa dạng cho các startup.

Ngoài ra, cần thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ của các tập đoàn, doanh nghiệp ĐMST. Đây chính là đơn vị tham gia hỗ trợ và sử dụng các giải pháp, tạo ra thị trường cho startup. Cùng với đó là tối đa hóa kết nối quốc tế, nhằm thu hút nhân tài từ nước ngoài về Việt Nam.n

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
TP HCM thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO