Đầu tư

TPHCM: Nhà máy xử lý nước thải hơn 11.000 tỷ đồng chính thức đi vào hoạt động

Nguyễn Hùng 31/08/2024 00:30

Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng có tổng mức đầu tư gần 11.300 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA của Nhật Bản khoảng 9.830 tỷ đồng, vốn ngân sách góp 1.450 tỷ đồng, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 30/8/2024.

Theo thông tin từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (chủ đầu tư), Dự án mở rộng mạng lưới thu gom nước thải và Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng, huyện Bình Chánh chính thức khánh thành vào ngày 30/8 nhằm chào mừng Quốc khánh 2/9.

Nhà máy nước thải
Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng có tổng mức đầu tư gần 11.300 tỷ đồng, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 30/8/2024.

Đây là Dự án nâng cấp, mở rộng nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng là gói thầu J - một trong 6 gói thầu xây lắp lớn của dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM, lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ (giai đoạn 2).

Dự án còn mở rộng và nâng công suất nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng từ 141.000m3/ngày đêm (giai đoạn 1) lên 469.000m3/ngày đêm (giai đoạn 2) với tổng mức đầu tư hơn 2.800 tỷ đồng. Nhà máy sẽ xử lý nước thải sinh hoạt cho lưu vực hơn 2.100ha, khoảng 2 triệu người.

Sau khi Dự án đi vào hoạt động, toàn bộ nước thải sinh hoạt trước đây thải ra kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ (đoạn từ cầu Khánh Hội đến đoạn giao kênh Tân Hóa - Lò Gốm) sẽ được thu gom đưa về Nhà máy nước thải Bình Hưng để xử lý. Qua đó, góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường tại khu vực.

Theo ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (chủ đầu tư dự án), cho biết dự án đã minh chứng cho sự quyết tâm của cấp lãnh đạo thành phố, sở ban ngành và địa phương trong công tác bảo vệ môi trường nước.

"Từ cù lao sình lầy, dự án đã hoàn thành và không chỉ đóng vai trò xử lý nước thải mà còn được quy hoạch xây dựng thành điểm đến xanh. Đặc biệt, trong dự án này có đến hàng chục hecta cây xanh, phòng thí nghiệm, hệ thống quan trắc hướng đến mục đích học tập, đào tạo và là nơi tham quan của người dân thành phố. Song, để dự án thành công, ông Phúc cho rằng bên cạnh những nỗ lực, quyết tâm thực hiện dự án của lãnh đạo TP, thì những đóng góp rất lớn dẫn đến thành công của dự án chính là sự ủng hộ nhiệt tình từ các hộ dân bị mất trong việc bàn giao mặt bằng.

Phát biểu về quy mô của dự án, ông Đỗ Tấn Long - Phó giám đốc Trung tâm Hạ tầng kỹ thuật - Sở Xây dựng TPHCM, cho biết, nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng giai đoạn 1 đã được đưa vào vận hành từ năm 2009 đến nay, góp phần cải tạo môi trường nước cho TPHCM.

"Đây cũng là dự án máy xử lý nước thải có quy mô lớn đầu tiên của TPHCM. Do đó, là đơn vị tiếp quản, vận hành, chúng tôi cam kết vận hành nhà máy Bình Hưng hiệu quả, mang lại lợi ích lâu dài cho cộng đồng", ông Long nói.

Ông NHật bản
Ông Ono Masuo - Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TPHCM.

Về phía Nhật bản, đại diện cho phần vốn ODA, ông Ono Masuo - Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TPHCM, chia sẻ, dự án mở rộng nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng được xây dựng giai đoạn 1 và nâng năng lực xử lý nước thải lên 300.000m3/ngày, góp phần cải thiện môi trường nước đang bị ô nhiễm nghiêm trọng của sông Đồng Nai, sông Sài Gòn. Từ đó, góp phần cải thiện môi trường sống các khu vực xung quanh. Điều này được kỳ vọng góp phần nâng cao hơn nữa sức hấp dẫn của TPHCM.

Nhấn mạnh và đánh giá về tầm quan trọng của dự án, ông Bùi Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND TPHCM, biểu dương tập thể Sở Xây dựng, Sở Tài Nguyên và Môi trường, Sở GTVT TP và các đơn vị, chủ đầu tư đã nỗ lực trong quá trình thực hiện dự án.

ông Cương 1
Ông Bùi Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND TPHCM

Cũng theo ông Cường, TPHCM luôn xem việc bảo vệ môi trường, thu gom, xử lý nước thải, cải thiện môi trường sống cho người dân trên và ven kênh rạch là nhiệm vụ trọng tâm. Song, để dự án được phát huy hiệu quả và hoàn thành đúng chủ trương, ông Bùi Xuân Cường đề nghị chủ đầu tư sau lễ khánh thành tiếp tục phối hợp JICA, sở ngành liên quan xin ý kiến bộ ngành trung ương xử lý dứt điểm các vấn đề đối với nhà thầu. Bên cạnh đó, các đơn vị có trách nhiệm vận hành tốt công trình, có đánh giá báo cáo kết quả sau thời gian hoạt động gửi UBND TPHCM.

Đáng chú ý, tiếp bước cho tổng thể dự án, hiện TPHCM cũng đang lên kế hoạch đầu tư giai đoạn 3, nhằm nâng công suất xử lý nước thải của nhà máy Bình Hưng lên 512.000m3/ngày đêm để xử lý lượng nước thải của khu vực kênh Tẻ dọc quận 7; Dự án cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ, giai đoạn 2 có lưu vực phục vụ với diện tích 2.530ha trên địa bàn 6 quận, huyện: 4, 5, 6, 8, 11 và huyện Bình Chánh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
TPHCM: Nhà máy xử lý nước thải hơn 11.000 tỷ đồng chính thức đi vào hoạt động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO