Du lịch

Trụ cột quan trọng đưa du lịch Việt bứt phá

[ PGS,TS Phạm Hồng Long, Trưởng Khoa Du lịch học (Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội) ] 04/04/2025 02:25

Đổi mới tư duy, ứng dụng công nghệ và hành động có trách nhiệm là ba trụ cột quan trọng đưa du lịch Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên VUCA.

ha long 2
Việt Nam có tiềm năng trở thành điểm đến cao cấp mang giá trị chiều sâu.

Chúng ta đang sống trong một thời kỳ đầy bất ổn, biến động, phức tạp và mơ hồ – kỷ nguyên VUCA (Volatility, Uncertainty, Complexity and Ambiguity)”. Trong bối cảnh ấy, sự cạnh tranh giữa các điểm đến ngày càng khốc liệt. Không phải điểm đến lớn nhất hay mạnh nhất sẽ dẫn đầu, mà là những nơi biết thích ứng nhanh, đổi mới liên tục và kết nối hiệu quả.

Du lịch bền vững là yếu tố tiên quyết

Năm 2025 dự báo là một năm bứt phá. Theo đó, 60% chuyên gia toàn cầu tin rằng ngành du lịch sẽ phục hồi hoàn toàn trong năm tới. Tuy nhiên, mức độ lạc quan khác nhau giữa các khu vực: châu Phi tin tưởng nhất, còn châu Á thận trọng hơn. 58% dự đoán du lịch toàn cầu sẽ phục hồi hoàn toàn vào năm 2025, trong khi 19% cho rằng phải đến năm 2026.

Ba thách thức lớn nhất ngành du lịch sẽ đối mặt bao gồm: chi phí đi lại tăng cao, thiếu nguồn cung lưu trú chất lượng, và tác động từ bất ổn kinh tế toàn cầu. Những yếu tố này ảnh hưởng rõ rệt tới hành vi và quyết định của du khách trong giai đoạn tới.

Du lịch bền vững và có trách nhiệm không còn là khẩu hiệu. Nó đã trở thành một trong những tiêu chí quan trọng trong lựa chọn điểm đến. Theo khảo sát, 70% du khách toàn cầu sẵn sàng chi trả cao hơn cho sản phẩm thân thiện môi trường, đặc biệt những sản phẩm gắn với Net Zero hoặc giảm phát thải carbon.

Xu hướng thứ hai là du lịch cá nhân hóa và tự túc. Du khách ngày càng thích hành trình riêng tư, linh hoạt, được hỗ trợ bởi công nghệ như AI, chatbot, và các ứng dụng số. Gen Z là lực lượng dẫn dắt xu hướng này khi họ chủ động tìm kiếm thông tin, tự thiết kế hành trình qua nền tảng số.

Xu hướng thứ ba là du lịch chăm sóc sức khỏe và tinh thần. Sau đại dịch, các sản phẩm như thiền, yoga, nghỉ dưỡng chữa lành,... được ưa chuộng hơn bao giờ hết. Ví dụ điển hình là mô hình “tắm rừng” (Forest Bathing) tại Nhật Bản, nơi du khách hòa mình vào thiên nhiên để hồi phục tinh thần, được đánh giá cao cả về sức khỏe lẫn giá trị nhân văn.

Xu hướng tiếp theo là du lịch khám phá những điểm đến ít người biết đến, tránh mùa cao điểm, tăng tính riêng tư và độc đáo. Những điểm đến từng bị “lãng quên” đang dần trở thành lựa chọn hấp dẫn, đồng thời mang lại lợi ích trực tiếp cho cộng đồng địa phương.

Cũng nổi bật là xu hướng du lịch cao cấp, phục vụ giới thượng lưu sẵn sàng chi trả lớn. Ví dụ, một số tỷ phú người Mỹ đã chọn Vịnh Hạ Long làm nơi nghỉ dưỡng, và năm 2024, tỷ phú Bill Gates đến thăm Đà Nẵng. Đây là minh chứng cho thấy Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng trở thành điểm đến cao cấp mang giá trị chiều sâu.

Cuối cùng, xu hướng du lịch kết hợp làm việc (workation) đang nở rộ. Khi mô hình làm việc linh hoạt ngày càng phổ biến, du khách vừa nghỉ dưỡng vừa làm việc từ xa tại các điểm đến trong lành, tiện nghi. Xu hướng này tăng trưởng tới 35% và được đánh giá là “mỏ vàng mới” của ngành du lịch toàn cầu.

Việt Nam cần hành động nhanh để nắm bắt cơ hội và giải quyết những vấn đề như tính mùa vụ, kết nối hạ tầng, hay bảo tồn giá trị văn hóa.

du lich
Làng Thái Hải - được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) trao công nhận Làng du lịch tốt nhất thế giới đầu tiên của Việt Nam.

Cần sự phối hợp thực chất

Do đó, tôi đề xuất việc quản lý nới lỏng visa, đơn giản hóa thủ tục cần được tạo điều kiện để tăng tính cạnh tranh với các nước trong khu vực; đầu tư hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là giao thông kết nối, lưu trú và công nghệ số tại điểm đến; triển khai chiến lược quốc gia “Việt Nam Xanh”, hướng đến phát triển du lịch sạch, bền vững, hài hòa với môi trường và trách nhiệm với cộng đồng.

Về phía doanh nghiệp, cần đổi mới tư duy, phát triển sản phẩm du lịch gắn với văn hóa – thiên nhiên; chuyển đổi số mạnh mẽ trong vận hành và tiếp thị; tăng cường liên kết, không chỉ giữa các doanh nghiệp trong nước mà cả với các đối tác quốc tế.

Tôi cũng mong muốn giới học giả và chuyên gia chủ động nghiên cứu xu hướng, tham gia tư vấn chính sách và truyền cảm hứng cho cộng đồng làm du lịch. Và làm cầu nối giữa học thuật và thực tiễn, để những phân tích chuyên sâu có thể được ứng dụng vào chiến lược phát triển điểm đến cụ thể.

Sự phát triển bền vững của du lịch Việt Nam không thể chỉ là khẩu hiệu, mà cần sự phối hợp thực chất giữa Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng và các tổ chức quốc tế. Trong đó, đổi mới tư duy, ứng dụng công nghệ và hành động có trách nhiệm là ba trụ cột quan trọng đưa du lịch Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên VUCA.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Trụ cột quan trọng đưa du lịch Việt bứt phá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO