Xã hội hoá đầu tư ngành nước: Cơ hội và thách thức

Diendandoanhnghiep.vn Toạ đàm "Xã hội hoá đầu tư ngành nước: Cơ hội và thách thức" do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam tổ chức chiều 22/4.

Nước sạch là vấn đề then chốt của quốc gia, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Những năm qua, nhà nước đã đầu tư thêm nhiều nhà máy nước sạch để phục vụ nhu cầu người dân. Tuy nhiên, theo Hội Cấp thoát nước Việt Nam, hiện có khoảng 60% dân số chưa được tiếp cận với nước sạch.

Những năm gần đây, thực hiện chủ trương xã hội hóa ngành nước của Chính phủ, nhiều doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư xây dựng và vận hành công trình cấp nước tại hầu hết các tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước, bảo vệ sức khỏe người dân và góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Ngay tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hiện có nhiều nhà máy nước sạch do doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng và quản lý.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào lĩnh vực nước sạch còn nhiều hạn chế, thách thức. Đó là công nghệ, năng lực, quy trình xử lý nước sạch của nhiều cơ sở cung cấp nước còn hạn chế; chi phí đầu tư lớn; Việc đấu thầu các dự án xây dựng nhà máy nước sạch ở một số địa phương còn nặng tính “xin cho”; cơ chế quan liêu, độc quyền khiến doanh nghiệp tư nhân có tiềm lực, muốn đầu tư nhưng không thể tiếp cận dự án về nước sạch.

Để lắng nghe ý kiến và hỗ trợ khó khăn đồng hành cùng doanh nghiệp, được sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp cùng phối hợp với Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam tổ chức buổi Toạ đàm trực tuyến với chủ đề:

“XÃ HỘI HOÁ ĐẦU TƯ NGÀNH NƯỚC: CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC”

- Thời gian: 13h30 - 17h30, thứ Năm, ngày 22/4/2021

                       - Địa điểm: Hội trường tầng 7, tòa nhà VCCI, số 9 Đào Duy Anh, Hà Nội.

Toạ đàm

Toạ đàm "Xã hội hoá đầu tư ngành nước: Cơ hội và thách thức” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam tổ chức chiều 22/4.

Tham dự toạ đàm, về phía cơ quan chỉ đạo có: Ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Thương trực Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Về phía đại diện các cơ quan quản lý, Hiệp hội và các chuyên gia, diễn giả có: Ông Nguyễn Linh Ngọc – Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Hội nước sạch và môi trường Việt Nam; Uỷ viện Đoàn Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam; Ông Nguyễn Minh Khuyến – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên Nước - Bộ Tài nguyên & Môi trường; Ông Nguyễn Quang Huân – Phó Chủ tịch Hội Nước sạch - Môi trường Việt Nam;  Ông Nguyễn Ngọc Điệp – Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam; Ông Nguyễn Văn Vy – Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam; PGS. TS Nguyễn Hồng Tiến – Nguyên Cục trưởng Cục Kỹ thuật Hạ tầng – Bộ Xây dựng; PGS.TS Nguyễn Thị Bích Thủy - Giảng viên trường Đại học công nghệ giao thông vận tải, thuộc Bộ giao thông vận tải; Ông Olli Keski-Saari – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Halcom Việt Nam.

Về phía các doanh nghiệp tham dự Chương trình có: Ông Bùi Ngọc Tường – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư nước sạch và môi trường Hùng Thành; Ông Nguyễn Văn Bút – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cấp nước Phú Thọ; Ông Đào Xuân Quý – Giám đốc Công ty TNHH Môi trường và công nghệ Xanh Việt.

Về phía đơn vị tổ chức có: Nhà báo Phạm Ngọc Tuấn - Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp; Nhà báo Nguyễn Tiến Dũng – Phó Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp. 

ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong những năm gần đây, kinh tế - xã hội của Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, đặc biệt, là tại các thành phố lớn. Cùng với đó, nhu cầu sử dụng nước sạch đang ngày càng tăng nhất là tại các đô thị. Trong khi đó, nước là nguồn tài nguyên vô cùng qúy giá nhưng không phải là vô tận.

Tuy nhiên, hiện nay, tài nguyên nước đang chịu sức ép nặng nề do biến đổi khí hậu, tốc độ gia tăng dân số, sự phát triển của các hoạt động kinh tế, đời sống có liên quan đến sử dụng nước và tình trạng ô nhiễm, suy thoái nguồn nước ngày càng trầm trọng.

Theo dự báo, mùa khô năm 2020 - 2021 cả nước có khoảng 82.000 hộ dân (tương đương khoảng 400.000 người dân) thiếu nước sinh hoạt. Trong khi đó, tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch còn cao (23%), chất lượng nước nhiều nơi còn hạn chế.

Hơn nữa, tỷ lệ xử lý nước thải qua các trạm xử lý tập trung còn thấp, mới đạt 12% nước thải chưa được xử lý, thải trực tiếp ra môi trường đang gây ô nhiễm nghiêm trọng, việc úng ngập ở các thành phố lớn cũng đang gây bức xúc cho người dân và cộng đồng.

Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn, nguồn lực đầu tư, năng lực quản lý,… là thách thức rất lớn.

Phó Chủ tịch VCCI đánh giá, nước sạch được coi là sản phẩm thiết yếu trong cuộc sống. Đã từng có thời gian, các công ty cấp nước sản xuất và kinh doanh một sản phẩm độc quyền mặc nhiên, lại ít có sự cạnh tranh và đào thải đã dẫn đến ngành nước chậm thay đổi và thường bị xếp vào nhóm những ngành nghề kém áp dụng công nghệ.

Tuy nhiên, cùng với xu thế mở cửa và chính sách cổ phần hóa,  thời gian qua, ngành nước cũng đã có nhiều thay đổi. Nhiều công ty nước sạch của nhà nước đã được cổ phẩn hóa như Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội (Hawacom); Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông; Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh nước sạch (Viwaco)…

Hơn nữa, đến nay hệ thống pháp luật đã được xây dựng khá toàn diện, đáp ứng yêu cầu quản lý tài nguyên nước. Vấn đề còn lại là phải tập trung triển khai trên thực tế để đưa các chính sách, biện pháp quản lý đó vào cuộc sống, bảo đảm quản lý tài nguyên nước có hiệu quả, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững”, ông Hoàng Quang Phòng nói.

Cũng theo Phó Chủ tịch VCCI, trong quá trình phát đầu tư, phát triển, cổ phần hóa các nhà máy nước cũng như cung cấp nước sạch cho người dân cũng còn phát sinh một số vấn đề.

Do đó, để giảm gánh nặng tài chính cho nhà nước cũng như nâng cao năng lực cung cấp nước sạch cho cộng đồng, thời gian tới cần triển khai một số giải pháp như: Tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật, chính sách về nước sách; hoạt động cung cấp và tiêu thụ nước sạch, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng nước sạch cấp cho mục đích sinh hoạt; khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển tài nguyên nước và các dịch vụ về nước theo phương thức xã hội hóa. Mặt khác, cần quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sở hữu công trình tài nguyên nước hoặc thực hiện các dịch vụ về nước.

Đồng thời, cần phải rà soát lại toàn bộ pháp luật liên quan đến cấp nước sinh hoạt cho người dân để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu bảo đảm an toàn tuyệt đối, bảo đảm an ninh trong việc cấp nước sinh hoạt,… 

“Tại tọa đàm “Xã hội hoá đầu tư ngành nước: Cơ hội và thách thức” hôm nay, những ý kiến đóng góp của các đại biểu, chuyên gia sẽ được chúng tôi tổng hợp chuyển đến cơ quan chức năng, góp phần vào việc ban hành Luật Quản lý cấp nước sạch vào năm 2022 theo chỉ thị Thủ tướng đã giao Bộ Xây dựng nghiên cứu trước đó”, ông Hoàng Quang Phòng nói.

THỰC TRẠNG NGÀNH NƯỚC VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG Ở VIỆT NAM

Phát biểu tại buổi toạ đàm, ông Nguyễn Quang Huân - Phó Chủ tịch Hội Nước sạch & Môi trường Việt Nam đặt vấn đề phải làm sao để thu hút được khối doanh nghiệp tư nhân tham gia vào ngành nước.

Ông Huân đưa ra một số chỉ số về thực trạng chung ngành nước Việt Nam: Tổng công suất cấp nước đô thị 10,9 triệu m3/ngày; Tỷ lệ thất thoát nước sạch khoảng 18,5%; Tỷ lệ cung cấp nước sạch tập trung khu vực đô thị đạt 89-90% còn vùng nông thôn là khoảng 88%; Tổng công suất xử lý nước thải là hơn 1.181.380 m3/ngày, ~ tỷ lệ xử lý 14% trên tổng lượng nước thải 8 tỉ m3/năm; Người dân khu vực nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh là 88,5%...

ông Nguyễn Quang Huân - Phó Chủ tịch Hội Nước sạch & Môi trường Việt Nam

Ông Nguyễn Quang Huân - Phó Chủ tịch Hội Nước sạch & Môi trường Việt Nam

Sự gia tăng dân số và tăng trưởng kinh tế đòi hỏi nhu cầu sử dụng nước ngày một tăng cao, trong khi năng suất nước tại Việt Nam vẫn còn ở mức thấp, chỉ đạt 12% so với chuẩn thể giới.

Theo quy hoạch về phát triển cấp nước cho các khu đô thị và công nghiệp đến năm 2025, Việt Nam hướng đến các mục tiêu tỷ lệ tiếp cận nước sạch được cung cấp tập trung ở khu đô thị là 100% với tiêu chuẩn tiêu thụ 120 lít/người/ngày. Trong khi đó, tỷ lệ tiếp cận nước sạch an toàn ở nông thôn chỉ đạt 75%.

“Đây là cơ hội lớn cũng như dư địa lớn cho việc tăng trưởng của các doanh nghiệp ngành cấp nước. Các chính sách chủ trương của Nhà nước cũng đã được đưa ra để tạo điều kiện cho tư nhân tham gia đầu tư vào ngành nước” – ông Huân nói.

Kể từ 2005, các công ty cấp nước đô thị đã được cổ phần hóa. Hiện chỉ còn 10 trên 111 công ty chưa được cổ phần hóa (9%), bao gồm cả các công ty tại Hà Nội và TP.HCM (theo Hội Cấp thoát nước Việt Nam, 2018). Ngoài ra, có khoảng 100 công ty tư nhân đã được huy động vốn tại khu vực dô thị tại 63 tỉnh/thành, và hàng trăm công ty tư nhân đầu tư vào cung cấp nước sạch khu vực nông thôn.

Về doanh nghiệp tư nhân ngành nước, theo ông Huân vẫn còn một số điềm lưu ý:

Về vốn, ông Huân cho biết đến thời điểm hiện nay có nhiều công ty tư nhân có nguồn vốn lớn.

Về kỹ năng quản lý, các công ty công ích nhà nước quản lý bài bản hơn so với các công ty tư nhân.

Về môi trường cạnh tranh có các cơ sở pháp lý giữa Nhà nước và tư nhân khá bình đăng. Tuy nhiên, giữa các công ty tư nhân với nhau lại chưa có sự cạnh tranh bình đẳng.

Về tầm nhìn, nếu doanh nghiệp tư nhân nào đặt lợi nhuận trước mắt thì sẽ gây ảnh hưởng tới hiệu quả thực hiện và điều này phụ thuộc rất nhiều vào tầm nhìn của người lãnh đạo của doanh nghiệp...

Theo ông Huân, vẫn còn khá nhiều những vướng mắc cần tháo gỡ như: chính sách không đồng bộ, thiếu ổn định; Thực hiện luật và chính sách không triệt để; Không có chế tài xử lý các hành vi sai trái; Không có quy hoạch chi tiết và tuân thủ quy hoạch; Cơ chế kiểm tra giám sát định kỳ; Cơ chế thông tin minh bạch mời gọi đầu tư; Nguồn nước và bảo vệ nguồn nước; các doanh nghiệp tư nhân tự do cạnh tranh không lành mạnh trên một khu vực hẹp; Khó khăn tiếp cận vốn;tiếp cận công nghệ mới

Về định hướng phát triển bền vững theo ông Huân có một số lưu ý về chính sách giá, cơ chế ưu tiên công nghệ mới, tiêu chuẩn nước sạch sau xử lý và cuối nguồn, hướng dẫn công nghệ phù hợp với đặc thù từng địa phương, minh bạch thông tin để xoá cơ chế xin cho….

Về tiến bộ kỹ thuật trong ngành nước Việt Nam, hiện ngành nước Việt Nam chủ yếu dựa vào các công nghệ xử lý nước và phân phối nước truyền thống và đã được chứng minh.

Ông Huân cho biết, lợi thế chính từ công nghệ truyền thống đó là sự đơn giản về kỹ thuật đòi hỏi chi phí đầu tư thấp, dễ dàng thực hiện công tác vận hành và bảo trì (O&M) và có độ tin cậy trong vận hành; Giải pháp cơ bản mang tính tiêu chuẩn có lợi trong việc tối ưu hóa trong triển khai nhân rộng; Tỷ lệ nội địa hóa cao về nguyên vật liệu và trong công tác xây dựng có khả năng ứng dụng mang lại lợi ích cho nền kinh tế quốc dân và tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân Việt Nam; Có thể dễ dàng mua các thiết bị nhập khẩu chuyên dụng như thiết bị điều khiển và máy bơm đặc biệt từ các nhà sản xuất quốc tế có uy tín đã có đại diện và hoạt động kinh doanh tại Việt Nam; Việc cấp nước không quá phức tạp miễn là có đủ nguồn nước thô ổn định với chất lượng phù hợp.

“Chỉ khi hoặc tại địa điểm nhất định, nguồn nước thô có vấn đề, mới cần đến các công nghệ xử lý nước tiên tiến tốn kém hơn” – ông Huân nhấn mạnh.

Trước thực trạng nêu trên, ông Nguyễn Quang Huân đã đưa ra một số kiến nghị:

Thứ nhất, công bố thông tin minh bạch về tình trạng cấp thoát nước ở mỗi địa phương, cần hệ thống cơ sở dữ liệu cởi mở cho mọi nhà đầu tư và người dân có thể truy cập.

Thứ hai, xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư dài hạn vào lĩnh vực nước thải.

Thứ ba, cơ chế tuyển chọn nhà đầu tư công khai, bình đẳng và minh bạch để tìm đúng nhà đầu tư có năng lực về tài chính, kỹ thuật và quản lý, tránh tình trạng mua bán dự án lòng vòng.

Thứ tư, tiếp tục thực hiện chính sách cổ phần hóa các công ty cấp thoát nước mà Nhà nước không cần nắm chi phối cổ phần.

Thứ năm, cơ chế kiểm tra kiểm soát độc lập, thường xuyên để đảm bảo tất cả các doanh nghiệp cấp thoát nước hoạt động bình đẳng, tuân thủ pháp luật, thực hiện cam kết với người dân và xã hội, đồng thời nêu cao đạo đức kinh doanh để hệ thống phát triển bền vững và người dân được sử dụng nước an toàn.

Để tư nhân yên tâm tham gia đầu tư vào lĩnh vực nước sạch đô thị, các địa phương phải duy trì tính ổn định quy hoạch để không phá vỡ thị trường nước, nhà đầu tư đã trúng thầu, đầu tư nhà máy nước thì phải bảo đảm quyền kinh doanh nước của họ” – ông Huân nói.

ông Nguyễn Minh Khuyến, Phó cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên Nước – Bộ Tài Nguyên và Môi trường

Ông Nguyễn Minh Khuyến, Phó cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên Nước – Bộ Tài Nguyên và Môi trường

Phát biểu về cơ chế chính sách khuyến khích thu hút đầu tư nguồn lực xã hôi trong đầu tư công trình  cấp nước và kinh doanh nước sạch, ông Nguyễn Minh Khuyến, Phó cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên Nước – Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho biết, đến thời điểm hiện tại, đã có các quy định liên quan đến cơ chế chính sách thu hút đầu tư trong việc kinh doanh nước sạch.

Ngay từ năm 2013, đã có Nghị định 11/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc sản xuất kinh doanh nước sạch. Bên cạnh đó, Luật đầu tư theo phương pháp đối tác công tư (PPP) có nói đến lĩnh vực nước sạch là lĩnh vực được ưu tiên. 

“Đặc biệt, vừa rồi Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 34/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý sản xuất kinh doanh nước sạch, trong đó có giao Bộ Xây dựng là đơn vị chủ trì soạn thảo luật quản lý sản xuất kinh doanh nước sạch và dự kiến sẽ trinh Quốc hội vào năm 2022”, ông Khuyến cho biết.

Theo ông Khuyến, về góc đô quản lý nhà nước, thực tế nhu cầu cần thiết của người dân và doanh nghiệp, việc sản xuất kinh doanh nước sạch là cần thiết, và nhận được sự quan tâm của Đảng và nhà nước.

Trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, Luật Quản lý tài nguyên nước quy định, nước phục vụ mục đích sinh hoạt được ưu tiên hàng đầu và được ưu đãi về vốn để đầu tư những công trình cấp nước sinh hoạt và sử dụng nước tiết kiệm hiệu quả.

Năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 54, trong đó quy định cụ thể các trường hợp được ưu đãi về nguồn vốn vay đầu tư, sử dụng đất với các hoạt động xây dựng công trình trữ nước quy mô từ 500 m khối trở lên, hoặc với quy mô hộ gia đình từ 10 m khối trở lên, sẽ được ưu đãi về nguồn vốn đầu tư và sử dụng đất.

Với thực trạng thách thức hiện nay, ông Khuyến cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao Cục Quản lý Tài nguyên nước nghiên cứu sửa đổi Luật tài nguyên nước, dự kiến trong nhiệm kì Chính phủ này sẽ trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội.

Theo đó, nội dung về xã hội hóa trong cấp nước nói riêng và các nội dung về điều tra cơ bản tài nguyên nước để có số liệu minh bạch phục vụ công tác quản lý cũng như phục vụ nhu cầu nghiên cứu sản xuất nước sạch được đầy đủ nhất.

Ông Khuyến đánh giá, việc minh bạch về thông tin số liệu là rất cần thiết, đồng thời nguồn tài liệu xóa đi việc cạnh tranh không lành mạnh trong sản xuất kinh doanh nước sạch nói chung cũng như sử dụng nước cho các mục đích khác.

"Luật Tài nguyên nước sửa đổi lần này tập trung vào các quy định mới, đặc biệt là để phù hợp với Chính phủ số, các thông tin số liệu điều tra cơ bản về nguồn nước, chất lượng nước hoặc các công trình, quản lý công trình theo hướng công khai minh bạch nhằm phục vụ công tác quản lý.

Bên cạnh đó, Luật Tài nguyên nước sửa đổi cũng tập trung vào cụ thể hóa hơn nữa ưu đãi sử dụng nước tiết kiệm hiệu quả cho các mục đích sinh hoạt sản xuất, đặc biệt là sinh hoạt sản xuất có kinh tế cao. Cùng như cụ thể về những ưu đãi về sử dụng vốn, đất và hạ tầng của nhà nước khác để phục vụ sản xuất cấp nước.

Đây là những định hướng lớn của Luật tài nguyên nước dự kiến sửa đổi lần này, Bộ Tài nguyên & Môi trường sẽ tập trung hoàn thiện đáp ứng nhu cầu quản lý và giải quyết thách thức trong việc sản xuất kinh doanh nước sạch hiện nay", ông Khuyến nói.

T

Ông Hoàng Cường Quốc – Chủ tịch Hội nước sạch và Môi trường tỉnh Thái Nguyên

Tại tọa đàm, ông Hoàng Cường Quốc – Chủ tịch Hội nước sạch và Môi trường tỉnh Thái Nguyên đã đặt vấn đề về thực trạng các dự án nước sạch tại các tỉnh thành, địa phương cũng như việc làm sao để hạn chế độc quyền ngành nước tại Việt Nam.

Lấy ví dụ từ Thái Nguyên, ông Quốc cho biết, theo tài liệu đánh giá của các cơ quan chức năng lượng nước ở địa phương tương đối dồi dào phục vụ cho nhu cầu sản xuất sinh hoạt của người dân.

Tại tỉnh Thái Nguyên khu vực đô thị đã có nhà máy cấp nước đủ, có nhà máy thừa công suất. Hiện nay trên địa bàn tỉnh, Công ty Yên Bình đã đầu tư dự án nước cung cấp nước cho khu công nghiệp. Tuy nhiên, dù được đầu tư nhiều nhưng do cơ chế quản lý của nhà nước nên không được bán lẻ cho dân, chỉ cấp cho khu công nghiệp nên xảy ra tình trạng hệ thống nước chạy qua khu dân cư nhưng không được cấp nước và hiện đang dư 50% công suất”, ông Quốc nói.

Ông Quốc cũng thông tin, hiện nay, các công ty tư nhân mới đầu tư ở mức huyện, còn nhỏ, dự án JICA của Nhật đang phát huy hiệu quả vùng nông thôn, cấp nước được 95%. Tuy nhiên, vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa xảy ra tình trạng thiếu nước mà lý do chính là nhiều khu vực khó khăn do vốn đầu tư cao, kém hấp dẫn nhà đầu tư. Bên cạnh đó, các hộ dân sống xa nhau, tiền kéo ống nước cao nên hộ dân và doanh nghiệp không mặn mà.

“Bên cạnh đó, hệ thống ống cấp nước nhanh chóng xuống cấp không bảo vệ được do thiên tai, người dân không mặn sử dụng, đầu tư phát triển kinh tế. Khi vừa xây dựng đường ống xong, lại có doanh nghiệp vào phát triển kinh tế làm đường nên hệ thống đường ống thường xuyên hỏng hóc. Các dự án nhỏ ở Thái Nguyên ở vùng sâu còn nhiều khó khăn”, ông Quốc nói.

Các vị chủ toạ tại Toạ đàm

Các vị chủ toạ tại Toạ đàm "Xã hội hoá đầu tư ngành nước: Cơ hội và thách thức"

Từ thực trạng trên, ông Quốc đưa ra đề xuất:

Thứ nhất, cấp nước an toàn: Ông Quốc đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước đề xuất Chính phủ khuyến khích xã hội hóa, có chính sách minh bạch kêu gọi xã hội hóa. Theo phản ánh của doanh nghiệp hiện nay có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, DNNN được đầu tư còn doanh nghiệp tư nhân chưa được tạo điều kiện cả về thuế, giá, giải phóng mặt bằng,…

Thứ hai, thống nhất quản lý nhà nước: Ông Quốc cho biết, hiện nay có nhiều đơn vị trên địa bàn quản lý, Sở Quản lý tài nguyên, Sở Xây dựng, quản lý chồng chèo, nên cần giao cho một mối, cơ quan chủ quản quản lý lý thống nhất.

Ông Nguyễn Ngọc Điệp – Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam

Ông Nguyễn Ngọc Điệp – Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam

Ông Nguyễn Ngọc Điệp – Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho biết, vai trò quản lý Nhà nước đã được quy định rất rõ trong Nghị định 117 ban hành năm 2017. Vấn đề xã hội hoá đầu tư ngành nước đang nhận được sự quan tâm rất lớn. Xã hội hoá nói nôm na là làm sao huy động được các nguồn lực ngoài nguồn lực của nhà nước để đầu tư phát triển; trong ngành nước này có cả ngành cấp nước và thoát nước. Và để phát triển bền vững thì cả cấp nước và thoát nước phát trở thành cặp phạm trù.

Về mặt cấp nước chúng ta đã huy động lượng vốn lớn để thực hiện cấp nước. Nhưng lượng xử lý nước thải mới chỉ chiếm 10%. Do đó, theo ông Điệp, việc xã hội hoá làm sao để thu hút vốn để xử lý nguồn nước thải này cũng là bài toán rất lớn.

Thực tế cho thấy, sau khi cổ phần hoá doanh nghiệp nước sạch thì năng suất lao động cao lên, hiệu quả đầu tư cao hơn, lương tăng hơn, doanh nghiệp có nhiều cơ hội thực hiện các dự án cấp thoát nước.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng không ít thách thức như nguồn vốn, mô hình thực hiện. Song theo ông Điệp, thách thức lớn nhất vẫn là thể chế và cần phải đưa ra được cơ chế để thu hút nguồn vốn từ doanh nghiệp. Ví dụ chính sách về giá nước hiện nay sau khi nguồn nước đã xử lý mà chi phí bán ra chỉ bằng 1/10 so với chi phí bỏ ra thì rất khó thu hút đầu tư.

Do đó, vị Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho rằng, cần có sự tổng hợp đánh giá mô hình nào được và chưa được trong thực tế hiện nay của ngành nước, để từ đó lựa chọn được mô hình thích hợp cho môi trường cấp thoát nước ở Việt Nam.

Ông Olli Keski Saari – Phó Tổng Giám đốc CTCP Halcom Vietnam

Ông Olli Keski Saari – Phó Tổng Giám đốc CTCP Halcom Vietnam 

Phát biểu tại tọa đàm, ông Olli Keski Saari – Phó Tổng Giám đốc CTCP Halcom Vietnam cho biết, chúng ta muốn thu hút nguồn lực tư nhân vào đầu tư sẽ cần 2 yếu tố chính: cần cơ chế chính sách rõ ràng, cơ chế thu hồi vốn hợp lý cho các doanh nghiệp.

Bởi theo ông Olli Keski Saari, nếu các công ty tư nhân họ cảm thấy không đảm bảo được về quyền lợi sở hữu, không tin tưởng được sẽ thu lại được nguồn vốn đầu tư hợp lý bù vốn, thì khó có thể thu hút nguồn lực đầu tư từ tư nhân.

Theo Phó Tổng Giám đốc CTCP Halcom Vietnam, việc sử dụng công nghệ nào và chi phí dành cho nhà máy gần như không hoàn toàn liên quan đến nhau.

Ông Olli Keski Saari lấy dẫn chứng, hiện nay các nhà máy ở Việt Nam sử dụng công nghệ cao hơn, với chi phí từ 250-400 USD/người, dân số Việt Nam hiện gần 40 triệu người. Như vậy để có được chi phí xử lý phù hợp với dân số sẽ cần từ 4-8 tỷ đồng, chi phí này là rất lớn.

Trong vòng 5 năm qua con số đầu tư vào VN lên tới 20 triệu USD, để thu hồi vốn được 70% cần 20-40 năm nữa, đây là thời gian rất dài.

Các chi phí này có nhiều loại tùy thuộc vào công nghệ áp dụng. Dữ liệu từ 8 nhà máy nước thải ở Việt Nam sẽ đưa ra một ý tưởng chung về các loại chi phí bao gồm (nguồn: WB, 2013).

“Tuy nhiên, những con số kia lại cho thấy vấn đề đáng quan tâm về hiệu suất triển khai. VD: Nhà máy xử lý sinh học-hóa học hiệu suất cao 10.000 m3 / ngày đang vận hành ở Lapua / Phần Lan mà tôi biết rõ (vận hành) có chi phí ~ 200 USD / đơn vị người “tương đương””, ông Olli Keski Saari cho biết.

Ông Olli Keski Saari nhìn nhận, chi phí vốn không phải là tất cả mà chúng ta cần quan tâm đến chi phí vận hành nữa. 

Chi phí vận hành của các nhà máy xử lý nước thải khác nhau do yêu cầu xử lý và công nghệ áp dụng. Tuy nhiên, giá nước hiện nay từ 500-1.000đ/m3 rõ ràng là không đủ để trang trải toàn bộ chi phí vận hành và bảo dưỡng của bất kỳ hệ thống xử lý nước thải nào.

Theo dữ liệu thống kê của WB về nhà máy XLNT Đà Lạt, phí thu từ nước thải chỉ đủ trang trải 18% chi phí vận hành nhà máy XLNT. Với nhà máy XLNT Buôn Mê Thuột, con số là 28%.

Để so sánh, chi phí vận hành của Nhà máy xử lý nước thải Lapua ở Phần Lan là 8.000đ/m3, chi phí xử lý bùn cặn (thuê ngoài) là 8.000đ/m3 nữa. Tổng cộng chi phí vận hành là 16.000đ/m3. Nước thải ở Lapua “nặng” hơn Việt Nam nhiều. Yêu cầu làm sạch đối với các thông số chính là 95-99%, phục hồi chi phí vận hành và chi phí vốn là 100%.

Con số doanh thu hiện nay rất thấp, trước khi muốn thu nguồn đầu tư chúng ta phải giải quyết được làm thế nào có được doanh thu, và làm thế nào giải quyết chi phí vận hành tốt hơn, để thu hút doanh nghiệp đầu tư

“Từ số liệu trên, có thể thấy theo tôi, công nghệ tốt nhất chưa hẳn là giải pháp tốt nhất, mà công nghệ phù hợp nhất mới là giải pháp tốt nhất”, Olli Keski Saari cho biết.

Từ thực trạng trên, Olli Keski Saari khuyến nghị: “Chúng ta cần phân tích tình hình khả năng của địa phương, họ phù hợp với công nghệ nào có thể chi trả bao nhiêu, sau đó chúng ta sẽ đưa ra được một lộ trình đầy đủ  để đảm bảo sử dụng các cơ sở xây dựng trước đó cho bất kỳ bước phát triển nào.

Chúng ta phải phân tích biết tình hình nước thải hiện tại và dự báo số lượng và chất lượng nước thải, quyết định loại bỏ các chất gây ô nhiễm chính và đặt mục tiêu để đáp ứng tất cả các yêu cầu pháp lý”.

Để làm được điều này, theo ông Olli Keski Saari có hai bước chính:

Bước thứ nhất là hóa chất: Thiết kế chi phí thấp bước đầu tiên. Nhu cầu sử dụng đất ít, chi phí xây dựng thấp, chi phí vận hành và bảo dưỡng thấp. Với các chất ô nhiễm chính, hiệu suất đạt được thường nằm trong khoảng 60-90%.

Bước hai: Hóa sinh. Bước thứ hai có thể được tăng cường bằng việc loại bỏ nito và đạt hiệu quả tổng thể hơn 90%. Thể tích bể lớn hơn nhiều và tiêu thụ năng lượng cần thiết, do đó chi phí xây dựng cao hơn và chi phí vận hành, bảo dưỡng cũng cao hơn. Khó vận hành hơn về mặt kỹ thuật và xử lý bùn khó hơn.

PGS. TS Nguyễn Hồng Tiến – Nguyên Cục trưởng Cục Kỹ thuât Hạ tầng – Bộ xây dựng

PGS. TS Nguyễn Hồng Tiến – Nguyên Cục trưởng Cục Kỹ thuât Hạ tầng – Bộ xây dựng

PGS. TS Nguyễn Hồng Tiến – Nguyên Cục trưởng Cục Kỹ thuât Hạ tầng – Bộ xây dựng cho biết, chủ trương về xã hội hóa ngành nước, trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật và nhiều quy định hiện hành đã tđược thể hiện rõ. Đặc biệt trong những chính sách phát triển nước sạch và vệ sinh nông thôn, từ năm 2000 Thủ Tướng đã có quyết định phê duyệt chương trình này, trong đó nói rất rõ về việc khuyến khích đầu tư xã hội hóa trong đầu tư nước sạch tại nông thôn.

Ông Tiến cũng cho biết, với nước đô thị Nghị định 117 cũng nói rõ khuyến khích đầu tư xã hội hóa. Mặt khác, cũng có cả một hệ thống các luật, Nghị định, thông tư, Quyết định có nội dung liên quan đến khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nước sạch.

“Một số ưu đãi hỗ trợ cần phải hoàn thiện cơ chế chính sách hoặc tiếp tục kiến nghị thêm, theo ông Tiến, trong thời gian vừa qua, các ưu đãi hỗ trợ, đứng về phía văn bản quy phạm pháp luật đã tương đối đầy đủ như về vốn đầu tư, ưu đãi về quỹ đất, về tiền sử dụng đất, thuê đất, miễn tiền sử dụng đất, thuê đất đối với các công trình cấp nước; hay về giá nước … đều có cả”, ông Tiến nói đồng thời đặt câu hỏi: “Vậy các ưu đãi hỗ trợ đã được quy định thì tổ chức thực hiện như thế nào?”

Về cơ hội cho các doanh nghiệp, ông Tiến cho biết, thành tựu của ngành cấp nước trong suốt 30,40 năm, cả cấp nước đô thị và cấp nước nông thôn. Đặc biệt là trong thời gian qua, ngành cấp nước đô thị có 95% doanh nghiệp đã hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và tiến hành cổ phần hóa. Khu vực nông thôn chưa có dữ liệu cụ thể.

Cũng theo Nguyên Cục trưởng Cục Kỹ thuât Hạ tầng – Bộ xây dựng, trong quá trình cổ phần hóa có ưu điểm và hạn chết nhất định.

Các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến ngành nước như Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã bổ sung, điều chỉnh, sửa đổi những điều liên quan đến bảo vệ nguồn nước. Đây là điều rất quan trọng trong việc sản xuất và cung cấp nước sạch. Hay Luật Tài Nguyên nước, Luật Đầu tư có điều khoản quan trọng là những đơn vị, cá nhân tham gia kinh doanh nước sạch phải tuân thủ những điều kiện kinh doanh nhất định.

Luật PPP lĩnh vực về cấp nước là lĩnh vực được ưu tiên áp dụng. Trong phần quản lý hoạt động cấp nước, Nghị định 117/2007/NĐ-CP đã được 14 năm. Trong quá trình chỉnh sửa năm 2011,đã có chỉnh sưả bằng Nghị định 124. Trong đó sửa đổi 1,2 Điều có lợi cho các doanh nghiệp, đó là các doanh nghiệp ngành nước được miễn tiền thuê đất, sử dụng đất cho việc xây dựng các công trình cấp nước hiện nay.

Trong Nghị định 117 có nội dung cơ bản để quản lý từ quy hoạch đến đầu tư xây dựng, từ giá dịch vụ đến phân công phân cấp trách nhiệm… Cùng với đó, chúng ta có định hướng phát triển cấp nước, có chương trình cấp nước an toàn, chương trình chống thất thoát thất thu nước sạch. Ngoài ra còn có chương trình liên quan đến chương trình nước sạch vệ sinh nông thôn.

“Về cơ bản, các văn bản đã tương đối đầy đủ nhưng trong 14 năm qua, hoạt động trong lĩnh vực cấp nước có nhiều thay đổi, đặc biệt là các luật đã được ban hành, nhiều nội dung luật đã được ban hành đã phủ nhận, hoặc làm suy giảm hiệu lực Nghị định 117. Ví dụ như một số điều kiện mới như cổ phần hóa doanh nghiệp ngành nước đã được 95% nhưng cho đến nay chưa có một quy định nào liên quan quản lý các doanh nghiệp đã cổ phần hóa này”, ông Tiến nói.

Ông Tiến cũng thông tin, trong Chỉ thị 34, cũng như điều chỉnh định hướng theo Quyết định 2502, Thủ tướng đã giao cho Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng Luật về quản lý nước sạch. Trong dự kiến luật Quản lý nước sạch, có một vài điểm cơ bản:

Một là, cần xem lại quy hoạch cấp nước, đầu tư xây dựng, quản lý vận hành, đưa những nội dung mới vào như quản lý rủi ro trong hoạt động cấp nước, trong đó làm rõ kiểm soát ô nhiễm nguồn nước, giám sát kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp nước.

Hai là, bảo đảm an ninh an toàn trong sản xuất và tiêu dùng nước sạch. Một yếu tố quan trọng nữa là các nguồn lực trong việc cấp nước, bao gồm từ đầu tư, tài chính, giá nước, ưu đãi kinh doanh có điều kiện… thống nhất cơ quan quản lý cấp nước, trách nhiệm các Bộ, ngành, trách nhiệm của cộng đồng, của doanh nghiệp…

Ba là, trong nội dung sắp tới, khi Luật được ban hành, các doanh nghiệp ngành nước được quản lý thống nhất từ luật. Có điều kiện cạnh tranh lành mạnh hơn, xác định được vùng cấp nước rõ ràng, không chồng chéo.

Bốn là, thay thế thỏa thuận dịch vụ cấp nước trong Nghị định 117, các doanh nghiệp kí thỏa thuận với các cơ quan quản lý được thay bằng các hợp đồng sản xuất. Trong đó, quy định về tính rảng buộc và trách nhiệm của các chủ thể.

Năm là, các doanh nghiệp được cạnh tranh giá dịch vụ lành mạnh hơn, khẳng định sự cam kết của chính quyền, sự phối hợp giữa doanh nghiệp người dân và nhà nước. Từ đó, các doanh nghiệp cũng được hưởng lợi từ các cơ chế chính sách cụ thể rõ ràng hơn.

Ông Nguyễn Văn Bút - Công ty cổ phần cấp nước Phú Thọ

Ông Nguyễn Văn Bút - Công ty cổ phần cấp nước Phú Thọ

Ông Nguyễn Văn Bút - Công ty cổ phần cấp nước Phú Thọ cho rằng, xã hội hoá ngành nước là chính sách ưu việt của Nhà nước và thực sự cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay. 

Hiện Phú Thọ có hơn 1,4 triệu dân thì trong đó công ty cổ phần cấp nước Phú Thọ cấp nước hơn 60%. Mục tiêu của doanh nghiệp đặt ra và đang tiến hành là sẽ tiếp tục cấp nước sạch cho vùng sâu vùng xa.

Ông Bút cho biết, liên kết các nguồn vốn của nhân dân vào xã hội hoá ngành nước là rất tốt. "Có những nơi chúng tôi chỉ bỏ tiền ra lắp đồng hồ nhưng có những nơi chúng tôi phải bỏ tiền ra từ lắp đường ống. Điều này phụ thuộc vào xã hội hoá ở từng khu vực và chính vì vậy mà việc xã hội hoá cũng đa dạng hơn", ông Bút nói.

THẢO LUẬN - GIẢI PHÁP

Sau khi nghe diễn giả trình bày, ông Phạm Ngọc Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đã tổng quát lại vấn đề: Nhu cầu cung cấp nước và xử lý nước hiện nay; và thực trạng đầu tư trong lĩnh vực này trong giai đoạn vừa qua.

ông Phạm Ngọc Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp

Hiện nay, theo báo cáo hiệp hội tài nguyên nước quốc tế chúng ta có trữ lượng nước lớn bình quân đầu người 3.840 m3 nước/năm. Như vậy so với mức trung bình của thế giới chúng ta thấp hơn họ 400 m3. Theo báo cáo của Bộ tài nguyên & Môi trường, đến năm 2025, con số trên chỉ còn lại bằng 1/2.

Trong đó, việc sử dụng nước trong báo cáo năm 2019 có 17,2 triệu người, 21,5% lượng dân cư sử dụng nước giếng khoan không đảm bảo vệ sinh. Theo Bộ Y tế, hệ quả nguồn nước không đảm bảo vệ sinh, hàng năm chúng ta có khoảng 9.000 trường hợp chết vì nước không đạt tiêu chuẩn, 25.000 trường hợp ung thư liên quan đến nguồn nước.

“Đó là vấn đề chất lượng nước”, ông Tuấn đánh giá.

Về cấp nước, theo ông Tuấn, hiện nay chúng ta đạt chưa đến 20% lượng nước thải được xử lý. Đầu tư xã hội cho xử lý nước do không đảm bảo các chi phí đầu vào nên còn nhiều hạn chế, chủ yếu dựa vào đầu tư của Nhà nước.

Về mặt đầu tư, ông Tuấn dẫn chứng, theo WB từ năm 2020 trở đi mỗi năm chúng ta cần 1 tỷ USD cho vấn đề cung cấp nước tương đương 25.000 tỷ đồng. Và con số đó trên thực tế thì trong 5 năm qua (2011-2015) cả nước mới tổng đầu tư xã hội mới được hơn 42.000 tỷ đồng, ngân sách Trung ương chiếm 15%, ngân sách tài trợ hơn 6%, ngân sách từ địa phương khoảng 8,6%, ngân sách viện trợ quốc tế 8,8%, và nguồn xã hội hóa 7,3%, nguồn tín dụng ưu đãi 53,8%.

Như vậy, nguồn xã hội hóa mới được 7,3%, nhưng điều đáng lo ngại nữa là trong 5 năm tiếp theo tổng đầu tư xã hội cho lĩnh vực này chỉ có 19.000 tỷ đồng, chưa đến 20.000 tỷ đồng so với 42.000 tỷ đồng của 5 năm trước đó, chưa được 1 nửa. Điều này có nghĩa rằng đầu tư xã hội đã sụt giảm hơn một nửa trong 5 năm qua.

“Đây là thách thức với xã hội đồng thời là cơ hội lớn khi chúng ta có rất nhiều nhu cầu đặt ra nhưng đồng thời cũng cần khơi thông các cơ chế chính sách, luật, nhà nước đã và đang sửa đổi, ban hành”, ông Tuấn nói.

Từ trái qua phải:

Từ trái qua phải: Ông Phạm Ngọc Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp; Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI; Ông Nguyễn Linh Ngọc - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam.

Ông Tuấn đánh giá: “Đây cũng là cơ hội chúng ta có thể trao đổi ngay tại diễn đàn lần này để thảo luận góp ý để chúng tôi tổng hợp báo cáo Chính phủ và các cơ quan liên quan để thực thi góp ý vào việc xây dựng luật, văn bản hiện hành. Làm sao thu hút hơn nữa nguồn lực vào cung cấp nước nhưng đồng thời cần một cơ chế để làm sao không chỉ cấp nước mà thu hút hơn nữa nguồn lực xã hội trong lĩnh vực xử lý nước thải”.

ông Nguyễn Văn Vy – Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam

Ông Nguyễn Văn Vy – Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam

Có mặt tại phiên thảo luận, ông Nguyễn Văn Vy – Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, an ninh năng lượng rất quan trọng và an ninh nguồn nước cũng có vai trò như vậy. Hiện tại, tổng lượng nước được khai thác, sử dụng hàng năm của Việt Nam là 80,6 tỷ m3/ 830 tỉ m3 tổng lượng nước mặt của Việt Nam. Tuy nhiên, khá nhiều sông ngòi được bắt nguồn từ nước ngoài, và ở Việt Nam chỉ chiếm 40%. Bình quân sử dụng nguồn nước ở các hộ dân rất thấp nếu tính với con số như trên. Bên cạnh đó việc sử dụng nước chưa hiệu quả.

Với kinh nghiệm từ việc xã hội ngành điện, ông Vy cũng đã chia sẻ một số kinh nghiệm về mặt nguyên tắc trong đầu tư xã hội hoá. "Chúng ta thấy ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, mặc dù mênh mông nước nhưng do nguồn nước bị ngập mặn nên nhiều nơi không có nước sạch để ăn và phải đi mua nước với giá cao", ông Vy nói và cho rằng: "Vấn đề này nằm ở việc quy hoạch và công nghệ xử lý nước chưa tốt. Công tác quản lý nước ngọt cho người dân là có vấn đề. Số người được sử dụng nước hợp vệ sinh (nông thôn dùng nước sạch chiếm tỷ lệ chưa cao)".

Ông Vy cũng thông tin, ngành điện đầu tư tốn kém hơn rất nhiều so với ngành nước. Ví dụ nguồn điện cho nông thôn có những vùng 30-40 triệu cho hộ dân trong khi tạm tính tương đối thì mỗi hộ dân chỉ trên dưới 1 triệu. Tuy nhiên, việc hỗ trợ cho người lại chưa được thực hiện tốt. Do đó, ông Vy cho rằng, ngoài hỗ trợ cho chủ đầu tư như đất đai, nguồn nước thì cần có sự hỗ trợ các hộ nghèo dùng nước sạch.

Bà Hà Thanh Hằng – Trưởng ban chính sách/ hợp tác Quốc tế - Hội cấp thoát nước Việt Nam

Bà Hà Thanh Hằng – Trưởng ban chính sách/ hợp tác Quốc tế - Hội cấp thoát nước Việt Nam

Phát biểu thảo luận tại Tọa đàm, bà Hà Thanh Hằng – Trưởng ban chính sách/ hợp tác Quốc tế - Hội cấp thoát nước Việt Nam đã trao đổi về vấn đề xã hội hóa ngành nước.

Theo bà Hằng, nước sạch là nhu cầu thiết yếu của người dân, và trong tất cả các chương trình Nghị sự của Đảng, nhà nước.. mục tiêu nước sạch là mục tiêu rất quan trọng.

Hiện nay, cấp nước đô thị đạt 89%, nước nông thôn đạt 88,5% nước hợp vệ sinh, trong đó có 51% nước đạt tiêu chuẩn.

Không phải tất cả dùng nước bằng nước máy mới là nước đạt tiêu chuẩn. Nước giếng tại các hộ nhỏ lẻ nhiều nơi vẫn đạt chất lượng. Và không phải khu vực nông thôn nào cũng đạt được cấp nước tập trung, có những vùng sâu vùng xa người dân phân tán phải được cấp nước theo công nghệ phù hợp, miễn là đạt vệ sinh và tiêu chuẩn.

Hiện tại, chúng ta không còn tiêu chuẩn nước riêng cho nông thôn và đô thị. Bộ Y tế chỉ đề ra một tiêu chuẩn chất lượng nước. Do đó, khi thực hiện các đánh giá về kết quả chất lượng nước thì áp dụng một tiêu chuẩn chung”, bà Hằng nói.

Đánh giá về cơ hội tham gia ngành nước cho các doanh nghiệp, bà Hằng cho biết, cấp nước đạt tỷ lệ tương đối khả quan, tuy nhiên khu vực nông thôn vẫn còn một số vùng chất lượng nước chưa đạt tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, thoát nước và xử lý nước thải mới chỉ đạt 15%. Điều này cho thấy đây cũng là vấn đề cần được quan tâm trong thời gian tới.

Về chủ trương chính sách của Đảng trong xã hội hóa ngành nước đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật được đưa ra. Đặc biệt Chính phủ vừa ký xong Nghị định hướng dẫn của Luật PPP cho thấy quyết tâm cao của Chính phủ.

Về thách thức, bà Hằng cho biết, muốn tiến hành xã hội hóa cần cơ chế chính sách rõ ràng minh bạch. Trên thực tiễn, các rào cản nhất với các doanh nghiệp là, chính sách đã có nhưng để tiếp cận được chính sách và lấy được ra vốn có rất nhiều thủ tục.

Bên cạnh đó việc lựa chọn nhà đầu tư mang lại chất lượng nước tốt cho người dân cũng là một thách thức. Do nước sạch là hàng hóa đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến con người và luôn phải cung cấp 24/7, ngay cả khi có thiên tai.

Một trong những thách thức khác nữa là tác động của biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng lớn đến chất lượng nước”, bà Hằng đánh giá.

Từ thực trạng nêu trên, bà Hằng kiến nghị, trong thời gian tới, các cơ quan sẽ tiến hành từng bước thực hiện phá rào cản để các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, lựa chọn được nhà đầu tư hợp lý. Các cơ quan quản lý đưa ra hướng dẫn quy trình thực hiện các thủ tục một cách công khai minh bạch dễ hiểu trên các kênh thông tin đại chúng.

Đồng thời, VCCI mở các lớp đào tạo, hướng dẫn và các hội nghị hướng dẫn các kĩ năng cũng như nâng cao hiểu biết để cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tham gia thị trường này”, bà Hằng nói.

TS. Nguyễn Nhật Hải – Phó hiệu trưởng kiêm trưởng khoa Sau đại học trường Đại học Đại Nam

TS. Nguyễn Nhật Hải – Phó hiệu trưởng kiêm trưởng khoa Sau đại học trường Đại học Đại Nam

Từ chia sẻ của ông Nguyễn Văn Bút - Công ty cổ phần cấp nước Phú Thọ và ông Hoàng Cường Quốc – Chủ tịch Hội nước sạch và Môi trường tỉnh Thái Nguyên, TS. Nguyễn Nhật Hải – Phó hiệu trưởng kiêm trưởng khoa Sau đại học trường Đại học Đại Nam đặt câu hỏi vì sao ở Thái Nguyên, 1 nhà máy nước đầu tư thừa công suất nhưng không bán được cho dân cư mặc dù ống nước chạy qua, mà chỉ bán được cho khu công nghiệp. Trong khi đó tại Phú Thọ lại được bán thoải mái, bà con ở vùng sâu vùng xa vẫn thấy mức giá bán ra hợp lý.

“Vậy ai không cho bán?”, TS Nguyễn Nhật Hải đặt câu hỏi và đánh giá: “Câu chuyện ở đây là cơ chế chính sách của từng địa phương, và thực hiện tốt thông tư 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT về Hướng dẫn nguyên tắc, phương pháp xác định và thẩm quyền quyết định giá tiêu thụ nước sách tại các đô thị, khu công nghiệp và khu vực nông thôn”.

Ông Nguyễn Văn Vẻ - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Uỷ ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Ông Nguyễn Văn Vẻ - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Uỷ ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Ông Nguyễn Văn Vẻ - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Uỷ ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, toạ đàm hôm nay rất thiết thực. Mục đích xét tới cùng là sử dụng an toàn nguồn nước vì sự phát triển nhanh của đất nước. Tài nguyên nước có vai trò rất quan trọng nhất là trong bối cảnh hiện nay. Nguồn nước mặt thì 63% là nguồn nước ngoại sinh và còn lại là nội sinh và khả năng là nguồn nước ngoại sinh sẽ suy giảm trong thời gian tới.

Với mức tăng sinh hoạt sản xuất hiện nay thì rất dễ sẽ suy giảm nguồn nước, do đó, việc sử dụng và đầu tư phát triển nguồn nước là rất quan trọng.

Việc cấp nước đô thị về cơ bản đã được quan tâm nhưng riêng cấp nước nông thôn thì 56% người dân được cấp nước từ những công trình nhỏ lẻ như cụm gia đình, giếng khoan… Hơn 72% thực hiện nước sạch ở nông thôn chưa tốt.

“Đây là một trong những lý do không đảm bảo quyền của người dân tiếp cận với nguồn nước sạch”, ông Vẻ đánh giá.

Từ thực tế trên, ông Vẻ nêu một số vấn đề cần quan tâm trong việc cấp nước sạch cho nông thôn: Thứ nhất, là cơ chế chính sách đã được ban hành sớm nhưng điều kiện để thực hiện chưa đồng bộ. Thứ hai, là nhận thức của xã hội chưa coi nước sạch là hàng hoá. Thứ ba, một số văn bản liên quan tới hàng hoá này chưa bài bản.

Vấn đề xử lý nước thải của các thành phố, có nơi xử lý được một phần (khoảng 30%), nước thải nông thôn thì cơ bản chưa được xử lý nên các kênh, rạch, ngòi hầu hết bị ô nhiễm. “Nước thải ở các khu công nghiệp về cơ bản đã được xử lý nhưng nước thải sinh hoạt chưa được quan tâm đúng mức gây ra hệ luỵ ô nhiễm môi trường” – ông Vẻ nói. Do đó, ông đề xuất cần thiết phải rà soát lại các chính sách này. Những gì chưa thực hiện khó khăn phải tháo gỡ và bổ sung thêm chính sách để đồng bộ.

PGS. TS Nguyễn Hồng Tiến – Nguyên Cục trưởng Cục kỹ thuật hạ tầng – Bộ Xây dựng

PGS. TS Nguyễn Hồng Tiến – Nguyên Cục trưởng Cục kỹ thuật hạ tầng – Bộ Xây dựng

Từ các thảo luận của các đại biểu, PGS. TS Nguyễn Hồng Tiến – Nguyên Cục trưởng Cục kỹ thuật hạ tầng – Bộ Xây dựng đặt câu hỏi, nước sạch có phải 1 loại hàng hóa không? Trong các văn bản hiện thời, chỉ còn Luật bảo vệ người tiêu dùng chưa đưa vào luật. Các văn bản hiện thời như chương trình cấp nước an toàn 15066 của Thủ tướng chính phủ đã khẳng định nước sạch là một sản phẩm hàng hóa đặc biệt, phục vụ nhu cầu thiết yếu của con người, và phát triển KTXH.

Về mặt tiêu chuẩn, quy chuẩn, từ 1/7/2021, sẽ không còn quy chuẩn nước sạch, nước hợp vệ sinh, mà chỉ còn gọi quy chuẩn nước sạch phục vụ mục đích sinh hoạt, do Bộ y tế ban hành từ năm 2018, hiệu lực 1/7/2021.

Liên quan câu hỏi TS. Nguyễn Nhật Hải – Phó hiệu trưởng kiêm trưởng khoa Sau đại học trường Đại học Đại Nam có nêu (khi người ta xây dựng nhà máy nước công suất rất lớn trên Thái Nguyên nhưng đường ống nước đi qua không được sử dụng), ông Tiến cho rằng: “Chúng ta phải nghe mục tiêu nhà máy là phục vụ nước cho khu công nghiệp, nên chỉ phục vụ nước của khu công nghiệp thì anh phải tính toán hiệu quả đầu tư, nhu cầu sử dụng bao nhiêu, chi phí như thế nào. Bởi trong quy hoạch cấp nước của một đô thị, một khu vực người ta phân vùng cấp nước để kêu gọi đầu tư trên cơ sở vùng cấp nước đấy đầu tư có hiệu quả chứ không để cho chồng lấn, không hiệu quả về mặt đầu tư”.

Về xã hội hóa với thoát nước, ông Tiến đánh giá, cấp nước xã hội hóa đã đang làm rất tốt, nhưng xã hội hóa thoát nước nó có đặc thù riêng, đầu tư vào lĩnh vực này yêu cầu vốn lớn, thu về rất nhỏ. Trong khi đó cơ chế chính sách, giá dịch vụ thoát nước. Hiện nay chúng ta có nghị định 53/2020/NĐ-CP về quy định phí bảo vệ môi trường đối với nước thải và giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải theo nghị định 80/2014/NĐ-CP.

Trong các quy định hiện hành, đối với các khu vực đô thị và khu vực đã xây dựng hệ thống thoát nước thì thu theo giá dịch vụ thoát nước, còn phí bảo vệ môi trường đối với nước thải xả trực tiếp chưa xử lý ra môi trường thì thu phí.

“Nhiều địa phương đang thu phí nước thải chỉ bằng 10% so với giá nước sạch, như vậy phí này rất thấp”, ông Tiến đánh giá.

Trong khi bộ xây dựng có thông tư hướng dẫn số 13 về giá dịch vụ xử lý nước thải, nhiều địa phương đã ban hành giá dịch vụ nhưng việc thu còn khó khăn trong khâu tuyên truyền, sự đồng thuận với chính quyền địa phương với người dân.

Ông Tiến cho rằng, chúng ta quan tâm nhiều đến đầu tư nhà máy nhưng chưa quan tâm đến mạng lưới đặc biệt mạng lưới thu gom nước thải kết nối hộ gia đình với nhà máy. Cho nên hiện nay có 58 nhà máy có trên 1 triệu m3 ngày đêm thì việc kết nối hộ gia đình với mạng lưới đấy còn nhiều vấn đề. Cho nên có hiện trạng nhiều nhà máy xử lý lớn nhưng không có nước thải để xử lý. Đầu tư vào đây rất rủi ro, mà thu lại của nhà đầu tư về giá dịch vụ lại rất khó khăn. Đầu tư vào cấp nước thông qua giá nước người ta có thể đặt vấn đề, điều kiện, đặt hợp đồng với cơ quan quản lý nhưng với thoát nước lại rất khó.

"Thế nên, nếu có một hội thảo nữa trao đổi về thu hút đầu tư xã hội hóa cho vấn đề thoát nước thải thì tôi cho rằng sẽ có nhiều nội dung nữa để bàn hơn", ông Tiến nói.

Ông Nguyễn Linh Ngọc –Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Ông Nguyễn Linh Ngọc –Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Ông Nguyễn Linh Ngọc –Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng mục đích của cuộc toạ đàm chính là làm sao cho công cuộc cung cấp nước sạch trở thành mục tiêu rõ ràng thời gian tới. Khi nói tới vấn đề nước là vấn đề lớn kể cả nguồn nước sạch, nước thải… với một buổi diễn đàn hôm nay thì chúng ta chưa thể đi được hết các vấn đề.

“Song trong buổi toạ đàm hôm nay đã trao đổi với nhau về vấn đề xã hoá nước sạch cho người dân và chúng ta sẽ giải quyết dần dần các vấn đề có liên quan”, ông Ngọc nói.

Ông Ngọc cũng tổng kết một số vấn đề nổi lên tại buổi toạ đàm:

Thứ nhất, muốn được xã hội hoá thì doanh nghiệp cũng phải vào cuộc. Doanh nghiệp không thiếu tiền chỉ thiếu cơ chế và khi tháo bỏ được cơ chế khó khăn thì doanh nghiệp sẽ chung tay làm xã hội rất là tốt. Các văn bản, nghị định, thông tư đã có nhưng làm thế nào để vận hành chính sách đó là một vấn đề.

Thứ hai, chúng ta cũng cần phải có thông điệp rõ ràng rằng nguồn nước được dự báo thời gian tới sẽ rất là thiếu. Việt Nam phụ thuộc vào nguồn nước mặt nhưng một số nơi đã bị ô nhiễm. Do vậy, việc sử dụng nguồn nước là rất quan trọng.

Thứ ba là vấn đề công nghệ. Việt Nam đã có những doanh nghiệp ở TP HCM đã có công nghệ lọc nước biển thành nước sinh hoạt. Như vậy chúng ta hoàn toàn sẽ có những công nghệ và làm chủ được công nghệ. Vấn đề phải có cơ chế để thực hiện được những điều này.

Chúng tôi sẽ tổng hợp lại và sẽ có báo cáo riêng về vấn đề này trong thời gian tới” – vị này nói.

Ông Phạm Anh Tuấn – Trưởng phòng quản lý dự án – Trung tâm nước sạch vệ sinh môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Ông Phạm Anh Tuấn – Trưởng phòng quản lý dự án – Trung tâm nước sạch vệ sinh môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Ông Phạm Anh Tuấn – Trưởng phòng quản lý dự án – Trung tâm nước sạch vệ sinh môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: “Hiện nay, liên quan đến việc xã hội hóa ngành nước, trong quá trình rà soát, chúng tôi nhận thấy có một số vấn đề cần được tháo gỡ trong thời gian tới như sau:

Thứ nhất, đề xuất quy định lại thế nào là hệ thống cấp nước tập trung. Điều này có liên quan đến các vấn đề khác như đầu tư, kêu gọi đầu tư…

Thứ hai, hệ thống văn bản pháp luật có nhiều và khá bao trùm đầy đủ. Nhưng trong quá trình thực thi có nhiều vướng mắc. Ví dụ như Thông tư 54 và Thông tư 56, với mô hình cấp nước nông thôn, đặc biệt là vùng miền núi, dân tộc thiểu số, việc kêu gọi xã hội hóa là rất khó khăn. Chính vì vậy cơ chế làm thế nào để thúc đẩy khu vực tư nhân tham gia vào vấn đề này?

“Với những vùng xâu vùng xa, dân tộc không có các nhà đầu tư tư nhân. Do đó, vai trò đấy chuyển sang cho các trung tâm cung cấp nước sạch của các tỉnh. Với mô hình xã hội hóa, các trung tâm này sẽ chuyển đổi thành trạm cổ phần, sẽ xuất hiện vướng mắc ở chỗ, khi chuyển đổi, các tài sản có giao cho họ quản lý hay không? Chúng tôi đang tham mưu với Bộ để điều chỉnh. Nếu không được giao tài sản không thể mang đến ngân hàng để tiến hành thế chấp. Và nếu không có tài sản thế chấp, ngân hàng sẽ không cho vay, trong khi nguồn vốn đầu tư cho hệ thống nước sạch thường rất lớn. Đây là những vướng mắc chúng tôi đang tiến hành rà soát và sẽ lập báo cáo trong thời gian tới”, ông Anh Tuấn nói.

Ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI

Ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI

Phát biểu kết luận tọa đàm, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI cho biết, làm thế nào để doanh nghiệp tham gia vào quá trình xã hội hóa cấp nước và xử lý nước thải? Nói đến nước, chúng ta hay nói nhiều đến cấp nước nhưng nước là hàng hóa chúng ta xác định được có bên cung cấp và có bên tiêu dùng.

Chúng ta thống nhất 1 điểm trong việc bảo vệ, duy tu ngành nước nguồn nước cung cấp cho người tiêu dùng cách đây 10 năm chúng ta không nghĩ rằng đồng bằng sông Hồng sẽ thiếu nước ngọt.

Trong hội nghị tiểu vùng sông Mekong tổ chức tại Myanmar, chúng tôi đã bàn về vấn đề bảo vệ an ninh nguồn nước, bên cạnh bảo vệ an ninh lương thực. Dòng sông Mekong chảy từ Trung Quốc xuống các nước chúng ta cũng thấy các vấn đề đáng bàn, đó là các yếu tố ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước: nước cho nông nghiệp, sinh hoạt, thải lưu… Đây là vấn đề đặt ra cho các nước liên quan, còn nhiều thách thức mà cần có sự hợp tác để xử lý được”, ông Phòng nói.

“Tôi rất cảm ơn các diễn giả, nhà khoa học, đại biểu đã chia sẻ những hiểu biết của mình về đặc thù sản xuất nước sạch phục vụ đời sống người dân. Chúng tôi sẽ lĩnh hội đầy đủ và báo cáo với các cơ quan chức năng. Cũng như các thông tin gợi mở về cơ chế chính sách, việc này là việc rất nghiêm trọng cần được quan tâm đúng mức”. - Phó Chủ tịch VCCI kết luận. 

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Xã hội hoá đầu tư ngành nước: Cơ hội và thách thức tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714101067 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714101067 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10