Nhìn thẳng - Nói thật

“Tử huyệt” hậu kiểm - Kỳ 4: “Trung thực” mất lối - “gian dối” mở đường

Nguyễn Giang 17/04/2025 04:30

Người tiêu dùng bị lừa. Doanh nghiệp tử tế bị gạt ra rìa. Tất cả đều đang trả giá cho một cuộc chơi mà gian dối được hợp pháp hóa bằng thủ tục…

LTS: Sau ba kỳ đầu tiên vạch rõ những lỗ hổng trong cơ chế công bố và hậu kiểm sản phẩm, kỳ 4 của loạt bài "Tử huyệt hậu kiểm" chuyển trọng tâm sang góc nhìn con người, những người đang trực tiếp gánh chịu hậu quả từ một thị trường lỏng lẻo. Người tiêu dùng và doanh nghiệp tử tế, hai chủ thể lẽ ra phải được bảo vệ – lại đang trở thành nạn nhân trong một cuộc chơi không cân xứng, nơi kẻ gian được hợp thức hóa bằng giấy tờ, còn sự trung thực bị đẩy lùi vào thế yếu.

Ở kỳ này, Diễn đàn Doanh nghiệp phản ánh rõ hơn bức tranh “nạn nhân kép”, nơi niềm tin bị bào mòn, đạo đức kinh doanh bị đảo ngược và thị trường đứng trước nguy cơ bị thao túng nếu hậu kiểm tiếp tục chỉ mang tính hình thức.

tu-huyet-hau-kiem-ky-4-trung-thuc-mat-loi-gian-doi-mo-duong-1.png
Thực phẩm chức năng giảm cân bệnh nhân sử dụng có tên là " Cốt bí xanh Detox vip X7", dạng bột, hòa tan trong nước, uống như trà, và được quảng cáo là hỗ trợ giảm béo tiêu mỡ. Xét nghiệm loại trà này, phát hiện một loại chất gây chán ăn đã bị cấm sử dụng. Ảnh: VTV

“Giấy tờ hợp pháp” – tấm bình phong cho rủi ro thật

Tháng 3/2025, một cô gái 27 tuổi ở Thanh Hóa phải nhập viện khẩn cấp trong tình trạng tổn thương não nặng, suy thận cấp và giảm thị lực nghiêm trọng sau khi sử dụng sản phẩm "Cốt bí xanh Detox vip X7", một loại thực phẩm chức năng giảm cân được quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội với công dụng "giảm cân, thải độc an toàn". Kết quả xét nghiệm cho thấy sản phẩm chứa Sibutramine, hoạt chất đã bị Bộ Y tế cấm từ năm 2010 do nguy cơ gây đột quỵ và loạn nhịp tim.

Đáng nói là, sản phẩm này từng được giới thiệu có "giấy công bố chất lượng", thậm chí có mã QR truy xuất nguồn gốc, những yếu tố đủ để đánh lừa niềm tin của người tiêu dùng.

Thực tế cho thấy, nhiều sản phẩm có giấy tờ hợp pháp trên danh nghĩa nhưng lại tiềm ẩn rủi ro về chất lượng. Phải đến khi người dân gặp nạn, cơ quan chức năng mới vào cuộc.

tu-huyet-hau-kiem-ky-4-trung-thuc-mat-loi-gian-doi-mo-duong-3.png
Cơ sở sản xuất của Lâm Văn Đạo bị phát hiện sử dụng chất cấm để ngâm giá đỗ. Ảnh: CACC

Không chỉ thực phẩm chức năng, một số loại thực phẩm tươi sống cũng từng lọt lưới hậu kiểm. Điển hình như cuối năm 2024, vụ việc tại Đắk Lắk khiến dư luận bàng hoàng: 6 cơ sở bị phát hiện sử dụng chất cấm để ngâm giá đỗ, trong đó có đơn vị cung cấp mỗi ngày hàng trăm ký vào hệ thống siêu thị. Dù không thuộc diện công bố sản phẩm, nhưng với nhãn “an toàn – không hóa chất” được dán sẵn, các sản phẩm này vẫn dễ dàng vượt qua các đợt kiểm tra hình thức. Vụ việc cho thấy: hậu kiểm không đi đến tận cùng thì mọi hệ thống giấy tờ đều có thể bị lợi dụng.

Doanh nghiệp tử tế chịu thiệt là nghịch lý

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Duy Phương – Giám đốc Công ty New Eea (Hà Nội) cho biết: "Chúng tôi mất hàng trăm triệu đồng để xét nghiệm, hoàn thiện hồ sơ công bố. Nguyên liệu nhập khẩu đạt chuẩn, quy trình khắt khe, nhưng ra thị trường thì không thể cạnh tranh về giá với các loại sản phẩm 'đóng vai hợp pháp' nhưng không được kiểm soát chất lượng thật".

Theo ông Phương, những vụ việc liên tiếp gần đây liên quan đến thực phẩm không đủ tiêu chuẩn không chỉ làm dấy lên lo ngại về an toàn sức khỏe cộng đồng, mà còn khiến người tiêu dùng hoang mang, mất phương hướng khi lựa chọn sản phẩm.

“Với các doanh nghiệp sản xuất chân chính như chúng tôi, đó là một đòn giáng mạnh vào niềm tin và uy tín thương hiệu. Người tiêu dùng càng cảnh giác thì hàng tử tế càng khó bán. Hệ quả là doanh nghiệp làm thật, làm đúng lại bị đẩy vào thế yếu”, ông Phương bày tỏ.

Trong thực tế, không ít doanh nghiệp nhỏ và vừa đã phải rút khỏi thị trường vì không chịu được sức ép từ cạnh tranh giá rẻ, trong khi không đủ nguồn lực truy vết hàng nhái hoặc kiện tụng khi bị xâm phạm thương hiệu.

tu-huyet-hau-kiem-ky-4-trung-thuc-mat-loi-gian-doi-mo-duong-4.jpg
Ông Nguyễn Duy Phương – Giám đốc Công ty New Eea. Ảnh: NVCC

Ông Đào Văn Thuận – đại diện một công ty phân phối bánh kẹo và thực phẩm bảo vệ sức khoẻ tại Hà Nội, cũng bày tỏ lo ngại với Diễn đàn Doanh nghiệp: "Thị trường giờ không thiếu những sản phẩm được livestream bán tràn lan, nhìn đâu cũng thấy tem nhãn, QR truy xuất. Nhưng kiểm tra thì thành phần không đúng, nguồn gốc không rõ. Chúng tôi đi theo quy chuẩn, bán hàng tử tế nhưng lại bị khách nghi ngờ là đắt, là giả. Đó là cái giá mà sự trung thực đang phải trả".

Thị trường bị nhiễu loạn không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, mà đang đảo ngược chuẩn giá trị. Doanh nghiệp gian lận có lãi, còn doanh nghiệp tử tế bị thiệt hại. Nghiêm trọng hơn, rất nhiều doanh nghiệp chính thống còn bị người tiêu dùng nghi ngờ vì họ đã từng bị lừa.

Theo ông Thuận, đây chính là hiệu ứng domino nguy hiểm: người dân hoang mang → do dự tiêu dùng → doanh nghiệp thật lao đao → hồi sinh môi trường cho hàng giả.

Hậu kiểm thất bại, niềm tin xã hội suy sụp

Trao đổi với phóng viên, luật sư Nguyễn Thành Luân – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Việt – nhìn nhận: “Thực tế cho thấy, hệ thống hậu kiểm hiện nay đang vận hành như một thủ tục hành chính mang tính hình thức, thay vì là một công cụ giám sát thực chất. Khi doanh nghiệp có thể tự công bố sản phẩm mà không chịu sự thẩm định chặt chẽ, thì bản chất của quy trình này chỉ là hợp thức hóa quyền lưu hành. Hệ quả là người tiêu dùng đang trở thành vật thí nghiệm cho những sản phẩm chưa đủ an toàn”.

tu-huyet-hau-kiem-ky-4-trung-thuc-mat-loi-gian-doi-mo-duong-5.jpg
Luật sư Nguyễn Thành Luân – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Việt. Ảnh: NVCC

Theo ông Luân, niềm tin của người tiêu dùng không chỉ là yếu tố đạo đức, mà là nền tảng vận hành của cả nền kinh tế thị trường. Một khi niềm tin ấy bị phá vỡ – bởi hàng giả, hàng kém chất lượng nhưng vẫn được dán tem hợp pháp – thì thị trường không còn dựa trên chất lượng hay sự minh bạch, mà chuyển sang cơ chế phòng vệ và nghi ngờ.

“Khi người tiêu dùng buộc phải tự bảo vệ mình bằng cách nghi ngờ mọi sản phẩm, kể cả thương hiệu thật thì thị trường sẽ không còn tính cạnh tranh lành mạnh. Doanh nghiệp tử tế sẽ dần bị gạt ra lề vì không đủ sức thuyết phục người mua giữa một rừng sản phẩm mang vỏ bọc ‘hợp pháp’ như nhau”, ông Luân phân tích.

Ông nhấn mạnh: “Chúng ta không thể trông chờ vào việc người dân phải trở thành chuyên gia phân tích rủi ro. Chính nhà nước phải làm đúng vai trò bảo vệ niềm tin thị trường và điều đó chỉ có thể đạt được nếu hậu kiểm được siết lại bằng cơ chế pháp lý đủ mạnh, đủ thực chất”.

Cũng ở góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN – cho rằng đã đến lúc cần sửa đổi quy định liên quan đến điều kiện công bố và hậu kiểm sản phẩm. “Phải xem lại trách nhiệm pháp lý nếu doanh nghiệp cố tình công bố sai lệch hoặc gian dối về thành phần. Ngoài xử phạt hành chính, cần thiết phải bổ sung cơ chế xử lý hình sự trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng”, ông Hiệp đề xuất.

tu-huyet-hau-kiem-ky-4-trung-thuc-mat-loi-gian-doi-mo-duong-2.png
Phim chụp não của bệnh nhân với rất nhiều tổn thương. Nguyên nhân do bệnh nhân sử dụng trà giảm cân không rõ nguồn trong thời gian dài dẫn đến ngộ độc. Ảnh: VTV

Theo ông, việc thiếu cơ chế răn đe đủ mạnh đang tạo ra một “vùng xám” pháp lý, nơi các doanh nghiệp gian lận có thể lợi dụng khoảng trống để lưu hành sản phẩm một cách hợp pháp nhưng không an toàn. “Chúng ta đang quá chú trọng vào thủ tục giấy tờ, mà quên mất rằng thứ người dân cần là chất lượng thật và sự an toàn thật”, ông Hiệp nói.

Người tiêu dùng đang mất niềm tin. Doanh nghiệp tử tế đang mất chỗ đứng. Và hệ thống hậu kiểm, nếu không được cải tổ một cách thực chất, sẽ tiếp tục bị lợi dụng như một tấm bình phong.

Trong kỳ tới – kỳ cuối cùng của loạt bài – Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ đi sâu vào kiến nghị: Làm gì để bịt “tử huyệt hậu kiểm”? Làm sao để khôi phục niềm tin thị trường và bảo vệ người tiêu dùng?

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Tử huyệt” hậu kiểm - Kỳ 4: “Trung thực” mất lối - “gian dối” mở đường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO