Chỉ cần thủ tục hợp pháp, hàng kém chất lượng vẫn dễ dàng vượt rào hậu kiểm, hợp thức hóa gian dối và đẩy người tiêu dùng vào vòng nguy hiểm…
LTS: Những tưởng cơ chế hậu kiểm sẽ là “hàng rào” kiểm soát chất lượng sau khi sản phẩm ra thị trường, thế nhưng thực tế cho thấy không ít doanh nghiệp đã biến nó thành “lá chắn” để hợp pháp hóa hàng kém chất lượng, thậm chí nguy hại.
Sau hai kỳ đầu tiên phản ánh thực trạng hàng giả len lỏi từ khâu công bố, loạt bài “Tử huyệt hậu kiểm” tiếp tục đi sâu vào những “kịch bản lách luật” ngày càng tinh vi, nhưng lại được thực hiện rất hợp pháp khiến người tiêu dùng vô tình trở thành nạn nhân trong một cuộc chơi bất đối xứng.
Trong kỳ 3 này, Diễn đàn Doanh nghiệp hé lộ những “màn kịch hợp pháp”, nơi pháp luật đôi khi chỉ còn là một đạo cụ để sản phẩm gian dối ngang nhiên lên kệ.
Ngay cả những sản phẩm chứa chất cấm cũng có thể đường hoàng xuất hiện trên thị trường, chỉ vì hồ sơ… quá đúng quy trình.
Tháng 3/2024, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) xử phạt Công ty TNHH sản xuất - Y dược phẩm Vĩnh Điển hơn 11 tỷ đồng vì 6 hành vi vi phạm trong sản xuất và kinh doanh thực phẩm chức năng. Các sản phẩm như “Giấm táo Slim hỗ trợ giảm béo”, “Bổ hoàn dương Plus” hay “Stony bổ thận tráng dương” bị phát hiện chứa Sibutramine và Sildenafil – hai dược chất đã bị cấm do nguy cơ gây đột quỵ, tăng huyết áp và rối loạn nhịp tim.
Điều đáng nói là tất cả các sản phẩm này đều đã được công bố hợp pháp, với hồ sơ chỉn chu và nhãn mác đúng quy định – nhưng chất lượng thực tế lại đi ngược hoàn toàn.
Một chuyên gia ngành dược chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp: “Nhiều doanh nghiệp thuê làm hồ sơ công bố sản phẩm theo kiểu "trọn gói". Có trường hợp chưa từng kiểm nghiệm mẫu thật. Cái được duyệt là giấy tờ, không phải chất lượng thật.”
Đáng chú ý, khoảng trống lớn nhất chính là thời gian từ khi hồ sơ được nộp đến khi có hậu kiểm thực tế, nếu có. Một số liệu từ cơ quan chức năng cho thấy, hơn 80% vụ xử lý vi phạm trong lĩnh vực thực phẩm chức năng trong năm 2023 là hậu kiểm sau khi có phản ánh từ người tiêu dùng, chứ không phải từ kiểm tra định kỳ.
Thậm chí, một số doanh nghiệp còn tận dụng cơ chế pháp nhân “ngắn hạn”, mở công ty, tung 1–2 lô hàng, rồi nhanh chóng giải thể hoặc đổi tên. Khi hậu kiểm tìm đến thì doanh nghiệp đã “bốc hơi”.
Không chỉ lợi dụng hồ sơ giấy, nhiều sản phẩm kém chất lượng còn được “đẩy nhanh – bán gọn” trên các nền tảng số. Facebook, TikTok, Shopee… trở thành chợ điện tử tự do, nơi các sản phẩm không rõ nguồn gốc được livestream bán công khai, không cần kiểm chứng.
Mới đây, ngành y tế Thái Nguyên phát cảnh báo khẩn cấp về sản phẩm “Cốt bí xanh detox” sau khi một cô gái 27 tuổi (quê Thanh Hóa) phải nhập viện trong tình trạng tổn thương não, suy thận cấp do ngộ độc Sibutramine, chất bị Bộ Y tế cấm sử dụng tại Việt Nam từ năm 2010.
Sau cảnh báo, các fanpage liên quan nhanh chóng biến mất, không thể truy xuất.
Một cán bộ của Cục Quản lý thị trường chia sẻ với phóng viên, đối với những sản phẩm này, không xác định được nơi sản xuất, không có địa chỉ cụ thể, không có hóa đơn chứng từ. Đó là vùng xám nằm ngoài tầm kiểm soát hậu kiểm hiện nay.
Một sản phẩm đã đi qua cửa công bố, nhưng chứa chất cấm, gây hại cho người tiêu dùng, liệu lỗi chỉ ở doanh nghiệp? Hay chính cơ chế hậu kiểm đang bị lợi dụng để biến gian dối thành hợp pháp?
Không phải mọi doanh nghiệp đều sai phạm. Nhưng khi sự trung thực bị trừng phạt bằng chi phí, còn giả dối được thưởng công bằng lỗ hổng thủ tục thì thị trường trở thành nơi mạnh ai nấy sống.
Theo luật sư Tạ Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Luật Emme Law, hiện nay cơ chế hậu kiểm chưa có quy trình thống nhất và minh bạch.
“Việc xác định trách nhiệm trong các vụ việc liên quan đến hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn còn dàn trải, chưa rõ vai trò chủ trì của từng cơ quan. Thậm chí có trường hợp khi phát hiện sai phạm, cơ quan chức năng vẫn phải tranh luận xem thuộc thẩm quyền của ai.”
Ông Tuấn cho rằng điểm mấu chốt là pháp luật hiện hành mới chỉ siết đầu vào (điều kiện công bố), nhưng lại buông lỏng khâu giám sát hậu kiểm và truy cứu trách nhiệm sau cùng.
“Chế tài xử phạt cũng đang ‘dễ thở’. Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng ‘giao nộp’ vài trăm triệu tiền phạt, nhưng đã thu lợi hàng tỷ đồng. Tức là vi phạm có lãi. Điều đó khiến gian dối không chỉ có đất sống, mà còn trở thành một chiến lược kinh doanh.”
Trong khi đó, luật sư Lê Thị Nhung – Giám đốc Công ty Luật TNHH L&A Legal Experts nhấn mạnh: “Luật chưa ràng buộc rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong chuỗi phân phối, đặc biệt là nền tảng số, nơi livestream bán hàng nở rộ.”
Theo bà Nhung, muốn ngăn chặn triệt để cần bổ sung quy định liên đới trách nhiệm của cả nhà bán lẻ, sàn thương mại điện tử và đơn vị cung cấp dịch vụ quảng cáo.
“Việc để các nền tảng số đứng ngoài vòng kiểm soát khiến thị trường bị phân mảnh, hàng giả như cá lội trong ao trống. Nếu không xử lý cả hệ sinh thái tiếp tay cho hàng kém chất lượng, hậu kiểm mãi chỉ là trò đuổi hình bắt bóng.”
Trong kỳ tới, Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục đi sâu vào hệ lụy: Người tiêu dùng, doanh nghiệp tử tế hay cơ quan quản lý, ai đang bị đẩy vào thế yếu trong một hậu kiểm lỏng lẻo?