Công trình xanh tại Việt Nam được đánh giá là một thị trường tiềm năng song hiện nay vẫn tồn tại nhiều yếu tố hạn chế việc phát triển loại hình nhà ở này.
Theo một nghiên cứu mới đây của Ủy ban Kiến trúc xanh thế giới, các doanh nghiệp bất động sản đang thay đổi chiến lược kinh doanh theo hướng cung cấp và thỏa mãn nhu cầu về các công trình xanh cho thị trường bất động sản.
Việt Nam vắng bóng công trình xanh
Năm 2015, hơn 60% các doanh nghiệp trên thế giới cho biết tất cả các dự án xây dựng của họ đều hướng đến mục tiêu kiến trúc thân thiện với môi trường.
Nếu so sánh với các nghiên cứu trước đây, năm 2008 chỉ có 13% các doanh nghiệp hướng đến kiến trúc xanh và năm 2013 là 28%, có thể thấy kiến trúc xanh đang nhanh chóng trở thành xu hướng được nhiều doanh nghiệp bất động sản và các quốc gia trên thế giới quan tâm.
Tại Việt Nam, phong trào công trình xanh đã bắt đầu phát triển từ hơn 10 năm qua. Dù mới chỉ ở giai đoạn đầu phát triển nhưng phát triển công trình xanh là xu hướng tất yếu, là thời cơ để các chủ đầu tư, doanh nghiệp tạo nên sự khác biệt cho những công trình trong quá trình định vị và xây dựng thương hiệu.
Với ngành xây dựng, phát triển các công trình xanh còn nhằm cụ thể hóa chiến lược và kế hoạch hành động Quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020; chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn 2012 – 2020.
Theo thống kê của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tính đến tháng 8/2018, Việt Nam có 7.919 căn hộ đạt chứng chỉ hệ thống uy tín EDGE và hơn 2.500 căn hộ hiện đang trong quá trình xét chứng nhận.
Tuy nhiên, theo thống kê của Hội đồng Công trình xanh, Việt Nam chậm hơn các nước khác về số lượng công trình xanh cũng như trong đào tạo, nhận thức. Số lượng công trình đạt chứng chỉ quốc tế năm 2017 chưa đến 3%.
Phát biểu tại Hội thảo chuyên sâu Tuần lễ Kiến trúc Xanh Việt Nam năm 2018 với chủ đề “Giá trị Nhà ở xanh” mới được tổ chức tại Hà Nội, PGS.TSKH Hoàng Mạnh Nguyên nhấn mạnh: “Hiện nay, nhà ở chiếm tỷ trọng lớn trong quỹ đô thị, tuy nhiên đánh giá về giá trị nhà ở được nhìn nhận theo các cách khác nhau. Nhiều ngôi nhà, chung cư được xây lên nhưng không đạt được mong muốn của chủ đầu tư, người dân, xã hội về các tiêu chí giá trị xanh".
Ông Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Hội Môi trường xây dựng Việt Nam thẳng thắn nhìn nhận, tại Việt Nam những yếu tố xanh mới chỉ dừng lại ở phân khúc cho người thu nhập cao còn rất nhiều ngôi nhà cũ, nhà cho người thu nhập thấp, nhà ở xã hội cần những yếu tố xanh.
Ở góc nhìn khác, ông Vũ Hồng Phong - Giám đốc dự án Cộng đồng Công trình xanh Việt Nam cũng bày tỏ: “Giá trị xanh xưa nay được ứng dụng nhiều nhất ở văn phòng, chuỗi khu công nghiệp, không gian công cộng nhưng với nhà ở thì dường như vẫn ít hơn”.
Xu hướng tất yếu
Theo các chuyên gia, có 3 lý do chính khiến công trình xanh còn chưa phổ biến là chi phí cao, chưa có nhu cầu thực sự từ khách hàng và chưa có chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Trong đó, thách thức lớn nhất chính là nhận thức từ lợi ích các bên tham gia mà lý do chiếm tỷ lệ tới 80% đó là đa phần các chủ đầu tư đều lo lắng về chi phí phát sinh khi xây dựng nhà ở xanh sẽ tăng từ 20-30%. Điều này khiến cho các công trình nhà ở xanh hiện nay còn vắng bóng và nhiều công trình nhà ở được xây dựng lên không đạt được những giá trị đáng lẽ ra có được.
Tuy nhiên, trên thực tế theo nghiên cứu của các tổ chức quốc tế thì chi phí gia tăng khi thực hiện nhà ở xanh so với công trình thông thường chỉ dao động từ 0.4 – 12.5% tổng chi phí đầu tư.
Theo ông Trịnh Tùng Bách - Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển Capital House, căn hộ xanh không hề đắt đỏ như nhiều người thường nghĩ, ngược lại giá của căn hộ xanh bán được tốt hơn và hệ số căn hộ xanh bán được tăng lên theo hàng năm.
“Trên thực tế, qua kết quả kiểm toán tại một số công trình của Capital House, cho thấy mức tiết kiệm trung bình đạt khá cao: Năng lượng 29%, nước 27% và năng lượng hàm chứa trong vật liệu 41% - cao hơn mức thiết kế ban đầu tương ứng là 28%, 27%, 38%”, ông Bách nói thêm.
Cũng theo ông Bách, xanh chính là xu hướng tất yếu, là giá trị hướng tới đối với các công trình của Việt Nam. Để phát triển được nhiều dự án bất động sản xanh tại Việt Nam, ông Bách cho rằng rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước. "Chính sách khuyến khích phát triển công trình xanh chỉ mang tính chung chung thì không có kết quả" - ông Bách nhấn mạnh.
Ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng, để phát triển công trình xanh một mình doanh nghiệp không thể làm được mà cần sự phối hợp từ chính quyền.
"Nếu chủ đầu tư cam kết xây công trình xanh, đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn thân thiện môi trường thì cần được cộng thêm diện tích sàn, hưởng các chính sách ưu đãi. Đây sẽ là bài toán để các nhà đầu tư cân nhắc chọn làm công trình xanh, mang lại lợi ích cho cả chủ đầu tư và cộng đồng" - ông Chính đề xuất.