Nếu chỉ phát triển cảng theo định hướng chung chung “bến nhiều hơn cảng” thì sẽ rơi vào tình trạng "thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu" gây lãng phí nguồn lực.
Trước tình trạng bến nhiều hơn cảng, chưa có hạ tầng chuẩn, nhất là không có hạ tầng kết nối nên không khai thác hết được tiềm năng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Giao thông vận tải (GTVT) nghiên cứu và có ý kiến về việc này.
Theo Văn phòng Chính phủ, thời gian gần đây, báo chí phản ánh về việc cần xác định đúng chức năng của vùng kinh tế trọng điểm để phát triển hệ thống cảng biển tương ứng. Nếu chỉ phát triển cảng theo định hướng chung chung sẽ rơi vào tình trạng "thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu" gây lãng phí nguồn lực. Trước vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ GTVT nghiên cứu và có ý kiến.
Trên thực tế, nhiều chuyên gia đánh giá, mới chỉ có một số ít cảng được đầu tư đúng nghĩa, còn lại mang tính chất bến nhiều hơn cảng, chưa có hạ tầng chuẩn, nhất là không có hạ tầng kết nối nên không khai thác được hết tiềm năng. Nói như TS Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội, Việt Nam có 45 cảng biển, tuy nhiên cảng biển đúng nghĩa của Việt Nam chỉ chiếm số ít, thực tế chúng ta đang có bến nhiều hơn nhiều cảng.
“Đặc biệt, hiện nhiều cảng không có kết nối hạ tầng kỹ thuật phía sau. Ví dụ, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải hiện nay không có đường sắt và một thời gian rất dài không có đường bộ kết nối. Hay như cảng Lạch Huyện vừa được xây dựng, một cảng rất hoành tráng, vay vốn của Nhật Bản với sự tư vấn của Nhật Bản nhưng cuối cùng cũng lại không có đường sắt kết nối”, TS Nguyễn Đức Kiên phân tích.
Cùng quan điểm, PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng nhận định cảng của Việt Nam phần lớn mới chỉ là cảng chở hàng vì hiện tại công nghiệp của chúng ta vẫn còn thô sơ, khiến lợi ích kinh tế vẫn thấp.
Được biết, cả nước hiện có 29/63 tỉnh, thành phố ven biển, nửa dân số ở tỉnh, thành phố ven biển, với vùng đặc quyền kinh tế ở biển Đông trên 1 triệu km2, chiếm khoảng 29% diện tích biển Đông, diện tích này gấp 3 lần diện tích đất liền.
Có thể bạn quan tâm
00:00, 06/06/2019
18:33, 11/04/2019
11:00, 13/03/2019
20:42, 15/08/2018
19:21, 19/06/2018
Con đường vận tải trên biển Đông với mật độ đứng thứ 2 thế giới. Với vị trí như vậy, vai trò của vận tải biển cũng như hệ thống cảng biển là hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung cho biết, hiện chi phí logistic, trong đó tắc nghẽn từ cảng biển lại rất cao, bằng 18% GDP của cả nước, trong khi tại các quốc gia khác con số này cao nhất chỉ khoảng 10%.
“Tắc nghẽn chủ yếu ở các vùng kinh tế trọng điểm như Bà Rịa-Vũng Tàu, Sài Gòn, Hải Phòng… Các vùng này chiếm tới 60% GDP của cả nước. Giả sử như tăng trưởng ở vùng này tăng thêm 1% thì GDP tăng thêm được 0,6 điểm %. Nếu giảm được chi phí ách tắc từ logistic thì hoàn toàn có thể tăng trưởng thêm”, ông Cung nói.
Do đó, các chuyên gia cho rằng, ngoài chức năng của riêng các vùng kinh tế trọng điểm, Việt Nam cần khai thác tối đa các chức năng cảng công nghiệp, cảng hàng hoá, cảng du lịch gắn với đặc điểm của từng vùng kinh tế trọng điểm một cách đồng bộ.
"Chúng ta cần có tầm nhìn chính xác và xây dựng hướng phát triển dựa trên đặc điểm riêng của từng vùng. Nếu chỉ xây dựng chiến lược chung chung thì rất khó phát triển", PGS.TS Trần Đình Thiên nhận định.
Theo vị Chuyên gia này, điều đầu tiên cần làm đó là hạn chế việc làm theo phong trào. Lợi ích quốc gia phải được đặt lên trước tiên. Những vùng kinh tế trọng điểm cần đầu tư một các hợp lý. Hơn nữa chúng ta phải bỏ tư duy “kiếm lợi”, nhằm tăng hiệu quả đầu tư. Tránh đầu tư dàn trải.
Đầu tư phải đứng trên lập trường phát triển theo đúng luật kinh tế thị trường, không thể đầu tư theo kiểu chia đều mà cần hình thành các cực tăng trưởng, “cực lớn” là đầu tàu cho sự phát triển. Trong hệ thống quy hoạch cần có quy chế đầu tư tốt, phân bổ nguồn lực hợp lý, đúng quy luật… Từ đó, giảm sự phức tạp trong việc đầu tư phát triển cho các vùng kinh tế trọng điểm.
Đối với việc đầu tư phát triển hệ thống cảng biển cần một tầm nhìn ổn định, xa sao cho phù hợp với những biến đổi kinh tế một cách hợp lý nhất. Thực tế, những năm qua chúng ta chưa có một sự đầu tư đủ lớn nào để tạo cú hích phát triển kinh tế cảng biển.
Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng đề xuất, cần có vai trò “nhạc trưởng” của Nhà nước trong việc đầu tư nguồn lực cũng như quản lý phát triển quy hoạch. Không chỉ là ngành giao thông, mà phải có bàn tay của Nhà nước trong việc lập quy hoạch, giữ quy hoạch, cương quyết thực hiện quy hoạch. Đặc biệt là vai trò điều tiết chung Nhà nước, của Chính phủ trong việc huy động các nguồn lực cũng như quản lý để thu hút nguồn lực xã hội, phát triển các kết nối cũng như các hệ thống logistic.