Đưa cảng Lạch Huyện phát triển thành cảng hiện đại, là cảng cửa ngõ quốc tế kết hợp phục vụ trung chuyển quốc tế, có thể tiếp nhận tàu trọng tải lớn là mục tiêu quan trọng của ngành hàng hải Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công vừa chủ trì cuộc họp Báo cáo cuối kỳ điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Khu bến cảng Lạch Huyện đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Theo quy hoạch, khu bến cảng Lạch Huyện dự tính giai đoạn từ năm 2020 đến 2025 có thể tiếp nhận tàu tổng hợp trọng tải 50.000 DWT (tàu 100.000 DWT giảm tải), tàu container đến 6.000 TEU (tàu 8.000 TEU giảm tải), năng lực thông qua từ 35 đến 41 triệu tấn/năm. Giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2030 và sau 2030 tiếp nhận được tàu tổng hợp trọng tải 100.000 DWT, tàu container tới 8.000 TEU hoặc hơn, năng suất thông qua từ 118 đến 136 triệu tấn/năm.
Đồng thời, dự án sẽ hình thành khu bến cảng tiếp nhận hàng lỏng tại bờ trái của sông Chanh để từng bước phục vụ việc di dời bến xăng dầu B12 ra khỏi vịnh Cái Lân. Tiếp tục phát triển các bến tiếp theo để trở thành đầu mối tiếp nhận và phân phối xăng dầu của toàn miền Bắc. Có thể tiếp nhận tàu chở hàng lỏng trọng tải đến 40.000 DWT hoặc hơn. Năng lực thông qua đạt 5 triệu tấn/năm vào năm 2020 và 10 triệu tấn/năm vào năm 2030.
Các dự án ưu tiên đầu tư gồm: Các hạng mục cơ sở hạ tầng dùng chung cho toàn khu bến cảng Lạch Huyện (luồng tàu vào cảng, công trình bảo vệ đê chắn sóng, đê chắn cát, tuyến đường sau cảng), xây dựng hai bến container giai đoạn khởi động…
Nghiên cứu báo cáo kết quả nghiên cứu cuối kỳ điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Khu bến cảng Lạch Huyện đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của các đơn vị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công khẳng định: Điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu bến cảng Lạch Huyện giai đoạn 2020-2030 với mục tiêu nhằm nâng cao hơn nữa công năng, hiệu quả khai thác các bến cảng hiện hữu, tận dụng phát huy tối đa hiệu quả kết cấu hạ tầng cảng biển Hải Phòng.
Để đảm bảo mục tiêu, chất lượng điều chỉnh Quy hoạch, Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam, Tư vấn Tediport khẩn trương thực hiện một số nội dung cụ thể. Theo đó, cần rà soát, cập nhật số liệu thống kê lượng hàng hóa thông qua khu vực cảng biển Hải Phòng (không bao gồm lượng hàng tại Khu bến cảng Hoàng Diệu); cập nhật lượng hàng của các Khu kinh tế, Khu công nghiệp của thành phố Hải Phòng và lân cận như Tổ hợp Nhà máy ô tô Vinfast…, tình hình phân bổ hàng hóa, cơ cấu dịch chuyển… làm cơ sở đánh giá năng lực thông qua, tính toán dự báo hàng hóa trong thời gian tới tại khu vực để đưa ra các giải pháp phù hợp trong điều chỉnh Quy hoạch, đảm bảo tính kinh tế – xã hội, kinh tế – kỹ thuật.
Có thể bạn quan tâm
20:50, 04/06/2019
00:17, 03/06/2019
15:30, 30/05/2019
Phương án quy hoạch bến hàng lỏng được lựa chọn tại đảo Cái Tráp là phù hợp, tư vấn cần rà soát các điều kiện bố trí cảng đảm bảo tuân thủ căn cứ các quy định về phòng chống cháy nổ, đảm bảo an toàn hàng hải.
Cần nghiên cứu khả năng mở rộng luồng phía thượng lưu để phục vụ các tàu trọng tải lớn vào làm hàng mà không cần điều tiết, thay đổi lịch điều động, thời gian hành hải các tàu nhỏ. Khu bến cảng phía hạ lưu cần quy hoạch mở trên cơ sở tính đến khả năng mở rộng luồng phía hạ lưu, sự phát triển kinh tế – xã hội của thành phố Hải Phòng và khu vực trong thời gian tới, đồng thời phù hợp xu hướng phát triển của đội tàu trên thế giới.
Về kênh Hà Nam, cần cập nhật quy hoạch tuyến luồng đáp ứng tàu hành hải hai làn để giảm thời gian tàu chờ vào cảng khu vực Đình Vũ, Sông Cấm.
Cục Hàng hải Việt Nam tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng của các bộ, ngành liên quan để cập nhật nhu cầu và đề xuất quy mô, diện tích khu vực tác nghiệp chuyên ngành phù hợp, đảm bảo bố trí Khu hành chính khoa học hợp lý để thuận lợi trong công tác tác nghiệp chuyên ngành, nâng cao thời gian thông qua hàng hóa, đảm bảo hoạt động của cảng.