Việt Nam kết nối thành công vào hệ thống bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới ASEAN

DIỄM NGỌC 15/11/2023 13:41

Chủ xe cơ giới từ các nước ASEAN quá cảnh tại Việt Nam hay Việt Nam là nước đi đến cuối cùng phải tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

>>Áp lực bồi thường mảng bảo hiểm xe cơ giới

Thúc đẩy luân chuyển xe cộ, hàng hoá qua cửa khẩu

Ngày 15/11/2023, Cơ quan Quốc gia Việt Nam thực hiện Nghị định thư số 5 về Chương trình Bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới ASEAN (VINABAI) chính thức thông báo về việc Việt Nam đã kết nối thành công vào hệ thống ACMI (ASEAN compulsory motor insurance system). Theo đó, chủ xe cơ giới từ các nước ASEAN quá cảnh tại Việt Nam hay Việt Nam là nước đi đến cuối cùng phải tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch VINABAI bày tỏ, Việt Nam kết nối thành công vào hệ thống ACMI có ý nghĩa hết sức đặc biệt

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch VINABAI bày tỏ, Việt Nam kết nối thành công vào hệ thống ACMI có ý nghĩa hết sức đặc biệt

ACMI là hệ thống cơ sở dữ liệu bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới ASEAN, được sử dụng làm cơ sở dữ liệu trung tâm để các nước thành viên tham gia hệ thống cấp đơn bảo hiểm. Hệ thống này được sử dụng chính thức tại 10 quốc gia ASEAN và là một hoạt động triển khai thực hiện Nghị định thư số 5 về chương trình bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới của ASEAN, tạo điều kiện thuận lợi cho việc luân chuyển xe cộ, hàng hóa qua lại các cửa khẩu biên giới ASEAN. Đồng thời, ACMI sẽ hướng tới kết nối với hệ thống thông quan điện tử hàng hóa quá cảnh ASEAN (ACTS) nhằm tạo cơ chế một cửa điện tử về thủ tục hàng hóa quá cảnh, thúc đẩy thực hiện Hiệp định khung ASEAN về thuận lợi hóa hàng hóa quá cảnh ASEAN (AFAFGIT).

Với việc kết nối thành công vào hệ thống ACMI, Việt Nam là một trong số các nước đi đầu trong hoạt động này, cùng với Thái Lan là nước quản lý hệ thống ACMI và Singapore là đất nước phát triển trong khu vực ASEAN.

Người sử dụng xe cơ giới có thể vào hệ thống ACMI này để đăng ký thẻ xanh (blue card) - bằng chứng chứng nhận xe cơ giới đã được cấp đơn bảo hiểm đáp ứng yêu cầu bảo hiểm tối thiểu theo quy định pháp luật về bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới tại các nước quá cảnh và nước đi đến cuối cùng trong khối ASEAN.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch VINABAI bày tỏ, Việt Nam kết nối thành công vào hệ thống ACMI có ý nghĩa hết sức đặc biệt. Bên cạnh việc khẳng định rằng xe cơ giới của ASEAN quá cảnh vào Việt Nam cần tham gia bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới, việc kết nối thành công này sẽ giúp thúc đẩy việc luân chuyển xe cộ, hàng hóa qua lại các cửa khẩu biên giới ASEAN, trong đó có Việt Nam, một cách hiệu quả.

“Các chứng từ bảo hiểm sẽ phải được mang theo trên xe (bản cứng hoặc bản điện tử) để cơ quan có thẩm quyền của các nước tham gia kiểm tra tại biên giới. Cơ quan có thẩm quyền được giao nhiệm vụ thực thi các yêu cầu bảo hiểm có thể kiểm tra giấy chứng nhận bảo hiểm dọc theo tuyến đường được chỉ định”, Ông Tuấn nói thêm.

Tại Việt Nam, việc kết nối vào hệ thống ACMI là một tiền đề quan trọng đối với các xe cơ giới quá cảnh trong việc thực hiện Nghị định 67/2023/NĐ-CP quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới được Chính phủ ban hành ngày 06/9/2023 (thay thế Nghị định 03/2021/NĐ-CP).

Cụ thể, chủ xe cơ giới tham gia giao thông, hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Đây cũng là thông lệ chung ở nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới nhằm bảo vệ quyền lợi (cả về người và tài sản) cho nạn nhân trong các vụ tai nạn giao thông do xe cơ giới gây ra, mặt khác giúp giảm thiểu gánh nặng tài chính cho chủ xe cơ giới.

Ông Nguyễn Quang Huyền, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính)

Ông Nguyễn Quang Huyền, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính)

Ông Nguyễn Quang Huyền, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) khẳng định, việc này sẽ tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu qua biên giới vào nước ta.

"Bộ Tài chính đã thành lập Cơ quan Quốc gia Việt Nam thực hiện Nghị định thư số 5 để triển khai các công việc liên quan. Việc Việt Nam kết nối thành công vào hệ thống ACMI được hiểu là chuyển từ quá trình bán bảo hiểm bằng giấy (thông qua các đại lý) lên môi trường trực tuyến. Nhờ đó, các chủ xe cơ giới khi có nhu cầu quá cảnh tại Việt Nam có thể mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới bằng phương thức online”, ông Huyền nhấn mạnh.

>>Nâng cao chất lượng hoạt động đại lý bảo hiểm

Gỡ bỏ dần rào cản kết nối

Chia sẻ về một số khó khăn, Chủ tịch VINABAI cho hay, qua khảo sát với nhiều cơ quan như cán bộ biên phòng, Bảo hiểm Bảo Việt... cho thấy nhận thức của chủ xe chưa cao. Công tác tuyên truyền về bảo hiểm này tại nhiều quốc gia như Lào, Campuchia cũng hạn chế, do đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ, đầy đủ hơn để triển khai hiệu quả.

việc bắt buộc mua bảo hiểm xe cơ giới xuyên biên giới không tránh khỏi tâm lý ái ngại và lo lắng về công tác bồi thường chậm trễ

Việc bắt buộc mua bảo hiểm xe cơ giới xuyên biên giới không tránh khỏi tâm lý ái ngại và lo lắng về công tác bồi thường chậm trễ

Ngoài ra, do bất đồng về ngôn ngữ nên đến đến nay mới chỉ có 3 quốc gia trong ASEAN kết nối thành công vào hệ thống ACMI. Đặc biệt, nhiều ý kiến cho rằng thủ tục bồi thường bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới đang làm khó người thụ hưởng trong nước thời gian qua do thủ tục rườm rà, nhiều công ty bảo hiểm gây khó. Vì vậy, việc bắt buộc mua bảo hiểm xe cơ giới xuyên biên giới không tránh khỏi tâm lý ái ngại và lo lắng về công tác bồi thường chậm trễ.

Về phía doanh nghiệp, Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt là doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam duy nhất được giao để triển khai Nghị định thư số 5, tạo điều kiện thuận lợi cho việc luân chuyển xe cộ, hàng hóa qua lại các cửa khẩu biên giới ASEAN. Đại diện Bảo hiểm Bảo Việt - ông Nguyễn Quang Hưng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty cho biết, trước đó việc bán bảo hiểm tại các cửa khẩu gặp khó khăn do thường cách xa trung tâm và việc ký kết hợp tác bán bảo hiểm giữa các quốc gia cũng vướng phải nhiều rào cản do quy định pháp luật của các nước khác nhau.

“Sáng kiến kết nối cổng bán hàng trực tuyến thông qua website bảo hiểm của ASEAN đã giải quyết được khó khăn, vướng mắc này. Nhờ đó, khách hàng tại mỗi quốc gia có thể mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của Việt Nam ngay tại nước mình trước khi nhập cảnh tại Việt Nam", ông Hưng bày tỏ.

Cách đây 2 năm, lễ ký kết biên bản ghi ghớ về việc đưa hệ thống phần mềm ACMI sử dụng chính thức tại 10 quốc gia Asean đã diễn ra nhằm thực hiện hóa các nội dung về AFAFGIT được các Bộ trưởng Bộ Tài chính ASEAN ký kết ngày 08/4/2001 tại Kuala Lumpur, Malaysia.

AFAFGIT yêu cầu mỗi nước thành viên thành lập Cơ quan quốc gia để thực hiện cấp đơn bảo hiểm, thẻ xanh và hỗ trợ giải quyết tai nạn (điều tra, giám định tổn thất, giải quyết bồi thường, giải quyết tranh chấp theo đúng quy định pháp luật) do xe sở hữu thẻ xanh gây ra trên lãnh thổ nước thành viên đó. Cơ quan này ở Việt Nam có tên là Cơ quan Quốc gia Việt Nam thực hiện Nghị định thư số 5 về Chương trình Bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới ASEAN (gọi tắt là VINABAI).

Có thể bạn quan tâm

  • Nâng cao chất lượng hoạt động đại lý bảo hiểm

    11:10, 14/11/2023

  • Áp lực bồi thường mảng bảo hiểm xe cơ giới

    05:13, 12/12/2022

  • OECD và VCCI mở đối thoại chính sách công tư về đầu tư bền vững ở ASEAN

    16:56, 26/10/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Việt Nam kết nối thành công vào hệ thống bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới ASEAN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO