64 chiến sĩ – những người con quả cảm trong giây phút cuối cùng vẫn giữ chặt lá cờ Tổ quốc trên tay để đánh dấu mốc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng.
>>>Tháng 3 trên đảo Gạc Ma - Tượng đài bất tử trong trái tim người Việt
>>>Gạc Ma: “Những người nằm lại phía chân trời” để biển Tổ quốc thêm xanh
Ngày 14/3/1988, tàu nước ngoài đã bất ngờ tấn công cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trên cụm đảo Gạc Ma - Len Đao - Cô Lin (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa). Chúng ngang nhiên dùng vũ khí tấn công quân sự, bắn chìm, bắn cháy 3 tàu vận tải của ta. Để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, các cán bộ, chiến sĩ ta đã chiến đấu kiên cường, bất khuất và 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh.
Trước lúc hy sinh, các anh đã đứng thành vòng tròn bất tử trước mũi lưỡi lê, làn đạn của kẻ thù, quyết tâm bảo vệ lá cờ Tổ quốc, giữa xung quanh là sóng nước Trường Sa mênh mông. Sự hy sinh kiên cường của 64 chiến sĩ ấy mãi mãi là bản hùng ca bất tử, truyền ngọn lửa yêu nước, tình yêu biển, đảo thiêng liêng cho các thế hệ hôm nay. Các anh vĩnh viễn nằm lại giữa biển khơi, ở lứa tuổi thanh xuân đẹp nhất của cuộc đời.
Đảo Gạc Ma bị chiếm và xây dựng trái phép cho đến hôm nay nhưng dũng khí anh hùng, bất khuất vẫn còn đó, hình bóng Việt Nam vẫn còn đó. Không người con dân Việt nào có thể cầm được nước mắt mỗi lần xem thước phim với hình ảnh những người lính Hải quân Nhân dân Việt Nam dầm mình trong nước biển đến thắt lưng, tay nắm tay nhau, kiên cường chiến đấu và anh dũng hy sinh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Để tưởng nhớ các cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã chiến đấu kiên cường và anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma, tháng 3/2015, Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma đã được xây dựng tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Đến tháng 7/2017, Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma với tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” đã chính thức đi vào hoạt động. Khu tưởng niệm không chỉ có ý nghĩa đặc biệt với thân nhân 64 gia đình liệt sĩ đã anh dũng hy sinh tại đảo Gạc Ma, mà nơi đây còn trở thành "địa chỉ đỏ" để giáo dục về truyền thống yêu nước, chủ quyền biển, đảo thiêng liêng.
Có thể bạn quan tâm