Vụ làm xăng giả của đại gia Trịnh Sướng: Gian lận nằm ở khâu nào?

Chi Quang 11/06/2019 11:00

Quy định quản lý xăng dầu luôn yêu cầu phải có hoá đơn, chứng từ trong khi quy định của quản lý xăng dầu thì đại lý, tổng đại lý chỉ được lấy từ 1 nguồn phân phối. Vì sao vẫn có tình trạng xăng giả?

Mẫu xăng giả và các chất pha trộn được trưng bày tại buổi họp báo - Ảnh: TRUNG TÂN

Mẫu xăng giả và các chất pha trộn của đại gia Trịnh Sướng - Ảnh: Trung Tân/Tuổi trẻ.

Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội sáng 11/6, ông Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, nơi từng triệt phá vụ việc tương tự cho biết, để bắt được một vụ xăng dầu giả là rất khó vì phải bắt quả tang, cần sự phối hợp và lập chuyên án đấu tranh.

Theo ông Cầu, thủ đoạn của các đối tượng sản xuất xăng giả rất tinh vi. Muốn bắt và xử lý pháp luật hình sự thì phải bắt được quả tang, còn bắt trên đường vận chuyển thì nếu có kiểm định cũng chỉ xử phạt vi phạm hành chính về kinh doanh mặt hàng không đảm bảo chất lượng.

Theo quy định quản lý mặt hàng xăng dầu đầu vào luôn yêu cầu phải có hoá đơn, chứng từ trong khi quy định của quản lý xăng dầu thì đại lý, tổng đại lý chỉ được lấy từ 1 nguồn phân phối. Nhưng vì sao vẫn có tình trạng xăng giả, xăng lậu tuồn vào hệ thống phân phối?

Ở góc độ cơ quan điều tra, ông Nguyễn Hữu Cầu cho biết, “trong hệ thống của chúng ta, kể cả có lấy xăng dầu đúng nguồn, nhưng lấy phụ phẩm ở nơi khác, sau đó về pha trộn thì gian lận nằm ở khâu này”.

Có thể bạn quan tâm

  • Kinh doanh xăng giả: Truy trách nhiệm từ đâu?

    05:00, 10/06/2019

  • Buôn gian bán lận!

    07:00, 10/06/2019

Ông dẫn chứng từ kinh nghiệm của Nghệ An trong việc triệt phá đường dây buôn xăng giả trước đây đó là phải lập chuyên án hàng năm trời, theo dõi rất sát. “Chưa pha trộn thì không bắt được. Chỉ khi bắt được quả tang họ đang pha trộn thì mới đủ chứng cứ” – Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An nói.

“Để làm được điều này, ngoài lực lượng công an, cần phải có sự phối hợp rất tốt của ngành khoa học công nghệ trong giám định chất lượng xăng và quản lý thị trường. Từ đó mới mở rộng, kiểm tra sổ sách giấy tờ việc mua bán hoá chất, xăng về phối trộn… Các đối tượng này giống như một loại tội phạm, rất khó phát hiện”. – ông Cầu chia sẻ thêm.

Trao đổi thêm về vấn đề này bên lề kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, vụ việc xăng giả của đại gia Trịnh Sướng đã được cơ quan công an điều tra, bắt giữ. Bộ Công Thương cho biết, Bộ đang yêu cầu rà soát lại những vướng mắc trong vấn đề pháp lý, quản lý tại địa phương để xem xét trách nhiệm đến đâu, từ đó siết chặt, đảm bảo hiệu quả quản lý hơn nữa mặt hàng này.

Trong khi đó, đại diện Sở Khoa học & Công nghệ Sóc Trăng đã nhận trách nhiệm về việc không phát hiện cơ sở của ông Trịnh Sướng kinh doanh xăng giả. Cụ thể, từ đầu năm 2017 đến nay, đơn vị này đã phối hợp với Cục Quản lý thị trường, Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Phòng cảnh sát kinh tế... kiểm tra 130 lượt tại các điểm kinh doanh, trong đó có kho xăng của "đại gia" Trịnh Sướng nhưng không phát hiện xăng giả. 

Nhìn nhận về vụ việc này, đại biểu Quốc hội Hà Nội Hoàng Văn Cường - Phó Giám đốc Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng việc cơ quan công an điều tra, phát hiện đường dây sản xuất xăng dầu kém chất lượng quy mô lớn cho thấy việc kiểm tra, kiểm soát và quản lý còn nhiều yếu kém và bất cập.

Theo ông Cường, để làm rõ có lợi ích nhóm hay không cần phải chờ điều tra. Tuy nhiên, ông Cường cũng cho rằng, để xảy ra như vậy cho thấy, sự yếu kém của cơ quan quản lý bởi xăng dầu là mặt hàng có sự kiểm soát của nhà nước, có nhiều khâu quản lý như nhập khẩu, sản xuất, thuế đầu vào đầu ra. Đây cũng là ngành kinh doanh có điều kiện, thường xuyên có quản lý thị trường kiểm tra, kiểm soát việc lưu thông, phân phối, thế nhưng cơ quan quản lý lại không làm đến nơi đến chốn.  

Trước đó, ngày 13/3/2019, Công an tỉnh Đắk Nông ra quyết định khởi tố vụ án và ra quyết định khởi tố 9 bị can về hành vi "sản xuất và mua bán hàng giả" theo điều 192 Bộ luật hình sự. Cơ quan điều tra bắt tạm giam 9 người, áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú 1 người. Các quyết định tố tụng của Công an tỉnh Đắk Nông đã được Viện KSND cùng cấp phê chuẩn.

Bộ Công an đã thành lập chuyên án do thượng tướng Lê Quý Vương - thứ trưởng Bộ Công an - làm trưởng ban chuyên án. Từ 28/5 đến 2/6, các cơ quan chức năng đã tiến hành khám xét kho xăng dầu của ông Trịnh Sướng ở Sóc Trăng.

Công an đã bắt quả tang các đối tượng đang thực hiện hành vi pha trộn dung môi với chất kích RON, bột màu để thành xăng giả. Cơ quan công an cũng khám xét sáu địa điểm là nơi các đối tượng đang tổ chức pha trộn các hợp chất nêu trên để làm xăng giả thuộc địa bàn các tỉnh thành Hậu Giang, Cần Thơ, TP.HCM.

Tính đến thời điểm này, công an đã tạm giữ hơn 3,2 triệu lít dung dịch các loại, trong đó gần 2,2 triệu lít đã trộn thành xăng giả, hơn 420.000 lít dung môi chứa chất pha, 3 tàu thủy, 6 xe bồn, 5 máy bơm, 50kg tạo màu.

Căn cứ các tài liệu đã thu thập được và kết quả giám định, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã khởi tố thêm 14 bị can liên quan đến đường dây này. Đến nay đã có 23 bị can bị khởi tố để điều tra về hành vi sản xuất và buôn bán hàng giả là xăng dầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vụ làm xăng giả của đại gia Trịnh Sướng: Gian lận nằm ở khâu nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO