Livestream đang là “chợ trời” khổng lồ không biển số, nơi hàng giả lộng hành, thuế bị thất thoát, đã đến lúc cần siết chặt để thay đổi cuộc chơi…
Không cần giấy phép, không cần địa điểm, không bị kiểm soát… chỉ với một tài khoản mạng xã hội và chiếc điện thoại thông minh, bất kỳ ai cũng có thể trở thành một “tiểu thương livestream”.
Thị trường này đang phát triển bùng nổ với doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm, nhưng phần lớn nằm ngoài radar kiểm soát của cơ quan chức năng, đặc biệt là về đăng ký kinh doanh, kiểm soát chất lượng hàng hóa và nghĩa vụ thuế.
Một sản phẩm mỹ phẩm làm trắng da không rõ nguồn gốc có thể được giới thiệu là “nhập khẩu Nhật, cam kết an toàn”, một loại thực phẩm chức năng trôi nổi có thể trở thành “thần dược” sau vài phút livestream. Trong khi đó, danh tính người bán mờ mịt, địa chỉ không xác định, và mọi truy vết gần như bất khả thi.
Mới đây, Bộ Công Thương đã chính thức đề xuất yêu cầu xác thực danh tính người livestream, đưa vào dự thảo Luật Thương mại điện tử sửa đổi. Theo đó, người livestream bán hàng sẽ phải xác minh bằng VNeID (với cá nhân trong nước) hoặc giấy tờ pháp lý có giá trị tương đương (với cá nhân/tổ chức nước ngoài). Đây được xem là bước đi đầu tiên nhằm xóa bỏ “vùng trắng pháp lý” của hoạt động thương mại đang diễn ra ồ ạt trên nền tảng số.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, xác thực danh tính chỉ là phần nổi của tảng băng. Câu hỏi đặt ra: liệu yêu cầu này có đủ sức chặn đứng tình trạng bán hàng giả, trốn thuế, lừa đảo người tiêu dùng vốn đang len lỏi trong từng phiên livestream?
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Nguyễn Thị Thu Hoài – Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Chống hàng giả, nhận định, việc xác thực danh tính người livestream là cần thiết, nhưng chưa đủ. “Thị trường livestream đang tồn tại tình trạng lẫn lộn giữa cá nhân chia sẻ – kinh doanh – lừa đảo. Nếu không có cơ chế hậu kiểm, trách nhiệm liên đới và liên thông dữ liệu, thì xác thực chỉ mang tính hình thức”, luật sư Thu Hoài nhận định.
Theo bà Hoài, cần thiết lập một chuỗi quản lý khép kín, người livestream phải được định danh rõ ràng, nhưng song song đó, nền tảng phát sóng (như TikTok, Facebook, Shopee Live…) cũng phải có nghĩa vụ kiểm tra, lưu trữ thông tin giao dịch, báo cáo định kỳ với cơ quan chức năng. Trường hợp phát hiện vi phạm nhưng không phối hợp xử lý, nền tảng có thể bị xử phạt hành chính hoặc đình chỉ hoạt động.
“Luật phải tạo ra trách nhiệm ràng buộc đa chiều. Không thể chỉ siết người livestream cá nhân mà bỏ ngỏ vai trò của nền tảng và đơn vị vận chuyển, thanh toán. Bởi toàn bộ hệ sinh thái thương mại điện tử đều tham gia, nếu chỉ kiểm soát một khâu sẽ không mang lại hiệu quả bền vững”, luật sư Thu Hoài nói.
Đồng quan điểm, Luật sư Lê Thị Nhung – Giám đốc Công ty Luật L&A Legal Experts, nhấn mạnh thêm vào tính bắt buộc của cơ chế liên thông dữ liệu giữa nền tảng thương mại điện tử, cơ quan thuế và cơ quan quản lý thị trường. Luật sư Nhung cho rằng, chỉ khi dữ liệu định danh, dữ liệu giao dịch và dòng tiền được kết nối, cơ quan quản lý mới có thể kiểm soát được doanh thu và truy vết các vi phạm.
“Hiện nay nhiều người livestream có thể bán hàng với doanh thu nhiều tỷ đồng mỗi tháng nhưng không hề kê khai thuế. Điều này làm méo mó thị trường và gây thất thu ngân sách nghiêm trọng”, bà Nhung nói.
Luật sư Nhung cũng cho rằng, cần luật hóa nghĩa vụ lưu trữ nội dung livestream và lịch sử giao dịch trong thời gian tối thiểu (ví dụ: 1 năm), nhằm phục vụ điều tra và xử lý khi có dấu hiệu vi phạm. Ngoài ra, với người vi phạm nhiều lần, nên thiết lập cơ chế “danh sách hạn chế định danh số”, tạm thời hoặc vĩnh viễn cấm tham gia hoạt động livestream thương mại.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, một số chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng, yêu cầu xác thực danh tính là một bước tiến mang tính nguyên tắc, nhưng để thực sự tạo đột phá, cần thiết kế một hệ thống pháp lý đồng bộ: định danh người livestream – quản lý nền tảng – liên thông dữ liệu – kiểm soát dòng tiền – xử lý vi phạm.
Nếu không, livestream sẽ tiếp tục là “kênh bán hàng không biển số”, nơi người tiêu dùng trở thành nạn nhân bất lực, doanh nghiệp chân chính bị chèn ép, và Nhà nước liên tục thất thu.
Trong bối cảnh thương mại điện tử đang trở thành động lực phát triển kinh tế số, một khuôn khổ pháp lý rõ ràng, hiện đại và đủ sức răn đe là điều kiện bắt buộc. Không ai ngăn cản sự phát triển, nhưng không thể chấp nhận một thị trường phát triển trên nền tảng vô pháp, vô trách nhiệm.