Theo ông Lê Mạnh Hùng, Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), kết quả quan trọng của PVTex thời gian qua là giải quyết dứt điểm việc tranh chấp EPC đã kéo dài từ năm 2012 đến nay.
Đánh giá về Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex) giai đoạn hiện nay, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, PVTex đang tiếp tục đàm phán, mở rộng hợp đồng hợp tác gia công với công ty An Sơn và đến nay đã có 10 dây chuyền đưa vào vận hành. Hiện nay PVTex vẫn đang tiếp tục đàm phán hợp đồng, sản xuất kinh doanh với mục tiêu quý II/2019 sẽ nâng quy mô vận hành 15 đến 18 dây chuyền và tiến tới sẽ hoàn thành toàn bộ nhà máy trong năm 2019.
Còn theo ông Lê Mạnh Hùng, Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), kết quả quan trọng của PVTex thời gian qua là giải quyết dứt điểm việc tranh chấp EPC đã kéo dài từ năm 2012 đến nay. Tranh chấp EPC là do hợp đồng khi đàm phán ký kết có nhiều nội dung không rõ ràng, các bên đã đưa nhau ra kiện cáo lẫn nhau tại một tòa án Singapore.
Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực, cùng với sự chỉ đạo sát sao của tập đoàn cùng với PVTex và phía nhà thầu cuối cùng đã đi đến thống nhất phương án hòa giải theo hình thức phía PVTex sẽ không phải thanh toán cho phía nhà thầu với mốc cuối cùng 12 triệu USD và các chi phí khác, kết quả là đem về gần 23 triệu USD, so với phương án trước đây nếu xác định đưa ra kiện cáo thì phía nhà thầu sẽ đòi số tiền gấp vài lần. “Đây là cơ sở quan trọng để dự án có thể quyết toán, sau đó định giá gửi kiểm toán xác định giá trị”, ông Hùng nói.
Ngoài ra, về thực trạng sản xuất kinh doanh, song song với việc giải quyết vấn đề EPC một cách dứt điểm, thì nhà máy cũng đã đi vào ổn định, đến nay đã sản xuất được hơn 4.000 tấn sản phẩm, tổng doanh thu tự sản xuất và và gia công cũng trên 150 tỷ đồng, lợi nhuận chưa tính định phí thì cũng được gần 10 tỷ đồng. “Đây là kết quả của PVTex đã đạt được mặc dù còn rất nhiều khó khăn”, ông Hùng bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm
13:31, 04/04/2019
11:30, 07/08/2018
07:00, 16/07/2018
06:30, 02/06/2018
Vẫn theo ông Hùng, tập đoàn PVN đã chỉ đạo cũng như cùng với PVTex hoàn thành xây dựng kế hoạch 5 năm dựa trên số liệu thực tế từ năm 2015 đến 2018, cộng với số liệu dự báo để làm căn cứ làm việc với các tổ chức tín dụng, nếu thuận lợi thì sẽ dùng kết quả này đàm phán với các ngân hàng để xem xét phương án tái cấu trúc lại tài chính cũng như thu xếp vốn cùng với đối tác để khởi động toàn nhà máy trong năm 2019.
“Ngay sau khi có kết quả hòa giải và quyết toán hợp đồng EPC, PVTex cũng đã ký hợp đồng với công ty kiểm toán để thực hiện ngay công tác kiểm toán. Khi nhận được kết quả kiểm toán thì sẽ tiến hành định giá, đi cùng đó tập đoàn cũng chỉ đạo người đại diện xây dựng phương án tái cấu trúc triệt để vốn của tập đoàn theo quyết định 1182 của Thủ tướng Chính phủ”, ông Hùng cho biết thêm.
Cho ý kiến về phương án xử lý dự án nhà máy PVTex, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, bài toán giải quyết tranh chấp của PVTex là kinh nghiệm rất tốt cho các dự án khác, chúng ta không những giải quyết được tranh chấp mà còn thu về được 23 triệu USD.
“Tôi đã xuống trực tiếp xem xét nhà máy này, thời điểm đó rất bi quan khi cả một khối tài sản chỉ có một vài nhân viên trông coi, bảo quản mà không nghe thấy một tiếng động nào của sự hoạt động. Trong khi máy móc còn mới và hiện đại lại không thể đưa vào hoạt động là vô cùng lãng phí. Nhưng đến thời điểm này đã chạy lại và có hướng phát triển là điều rất tốt”, Phó Thủ tướng chia sẻ.