Xử lý dứt điểm 12 dự án yếu kém

Phan Long thực hiện 02/01/2023 03:30

Việc xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công thương sẽ căn cứ vào tình hình thực tế của từng dự án;

Qua đó, có định hướng và giải pháp tái cơ cấu theo hướng ưu tiên các phương án bán, thoái vốn.

>>"Tăng tốc" xử lý 12 dự án thua lỗ ngành Công Thương

Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trò chuyện cùng ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xung quanh vấn đề này.

Theo Quyết định số 650/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) tiếp nhận vai trò Cơ quan Thường trực và Chủ tịch Ủy ban làm Phó Trưởng ban Thường trực của Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công thương.

- Xin ông cho biết kết quả bước đầu trong việc xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp ngành Công Thương?

Ngay sau khi được giao nhiệm vụ, Ủy ban đã tiến hành rà soát, tổng hợp hồ sơ, tài liệu, báo cáo và làm việc trực tiếp tại 11 dự án, doanh nghiệp để nắm bắt, đánh giá đầy đủ thực trạng từng dự án, doanh nghiệp, nhất là những khó khăn, vướng mắc mấu chốt, trong đó có các vướng mắc về tranh chấp hợp đồng EPC và tồn tại, vướng mắc về tài chính, vay nợ.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo và sự vào cuộc của các cơ quan, doanh nghiệp liên quan, đến nay một số dự án, doanh nghiệp đã có nhiều chuyển biến trong sản xuất, kinh doanh.

Đối với 05 dự án, doanh nghiệp đã được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương xử lý trong năm 2021, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã chủ động, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện và triển khai phương án xử lý.

Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP 1 - Hải Phòng của Công ty CP DAP - Vinachem từ năm 2017 đến nay sản xuất ổn định, hàng năm có lãi và đã hết lỗ lũy kế từ tháng 01/2022. Dự án sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ – PVN chuyển biến tích cực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận hành sản xuất khai thác tối đa, hiệu quả 27 dây chuyền sợi DTY, doanh thu bù đắp được chi phí biến đổi và có lợi nhuận trước định phí.

- Đối với các dự án còn lại như thế nào, thưa ông?

07 dự án, doanh nghiệp còn lại, tình hình cũng có nhiều tín hiệu rất tích cực. Trong đó, 03 dự án sản xuất phân bón của Vinachem gồm: Cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất phân đạm Hà Bắc; Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình; Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai đã duy trì được sản xuất, kinh doanh, nỗ lực làm chủ công nghệ, từng bước nâng công suất chạy máy bình quân so với công suất thiết kế.

Theo đó, mặc dù còn rất khó khăn nhưng 03 dự án đã sản xuất, cung cấp một lượng lớn phân đạm urê và DAP đáp ứng đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và một phần cho xuất khẩu; góp phần ổn định thị trường phân bón, tiết kiệm ngoại tệ nhập khẩu, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

p/Thủ tướng Chính phủ kiểm tra thực địa Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc. Ảnh: VGP

Thủ tướng Chính phủ kiểm tra thực địa Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc. Ảnh: VGP

>>1 trong 12 dự án thua lỗ của Bộ Công Thương: Vừa "gượng dậy" lại “gục ngã”?

>>12 dự án thua lỗ ngành Công Thương: Dư nợ chạm ngưỡng 21.000 tỷ đồng

>>12 dự án 'đắp chiếu' của ngành Công Thương giờ ra sao?

Cho dù còn lỗ lũy kế, song từ năm 2021 đến nay, do thị trường thuận lợi (giá phân bón cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây), nên kết quả sản xuất, kinh doanh của 03 dự án, doanh nghiệp có cải thiện hơn: năm 2022, ước lãi 2.632 tỷ đồng, tăng hiệu quả 2.815 tỷ đồng so với năm 2021.

Đến nay, Ủy ban và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã hoàn thành phương án xử lý đối với 03 Dự án sản xuất phân bón. Khi 03 dự án này được cấp có thẩm quyền thông qua phương án xử lý (cùng với 05 dự án đã được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương, định hướng xử lý trong năm 2021) thì sẽ có 8/12 dự án đã có phương án xử lý cụ thể.

Bên cạnh đó, dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty CP Gang Thép Thái Nguyên (Tisco2) - một trong những dự án được coi là khó xử lý nhất đến nay cũng đã có nhiều tiến triển tích cực. Cuối tháng 10/2022, Tổng thầu EPC của Tisco2 (MCC) đã cử Đoàn chuyên gia sang làm việc tại Việt Nam. Đây được coi là chuyến công tác mang tính “phá băng” trong xử lý các tồn tại, vướng mắc của Tisco2.

- Theo ông đâu là giải pháp để xử lý dứt điểm các tồn tại, yếu kém của các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả, trong thời gian tới?

Trong thời gian tới, việc xử lý đối với các dự án sẽ được tiếp tục thực hiện theo quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, tuân thủ các quy định của pháp luật, kết luận thanh tra, kiểm toán và các cơ quan có thẩm quyền.
Căn cứ vào tình hình thực tế xử lý các khó khăn, vướng mắc của từng dự án, Ủy ban sẽ rà soát, tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo và các cơ quan có thẩm quyền để có định hướng và giải pháp tái cơ cấu theo hướng ưu tiên các phương án bán, thoái vốn.

Trường hợp các dự án không có khả năng phục hồi sẽ báo cáo, xem xét thực hiện phương án phá sản, giải thể theo quy định của pháp luật. Mục tiêu là thu hồi tối đa vốn, tài sản của Nhà nước; hạn chế thấp nhất thất thoát và những tác động tiêu cực đối với ngân sách nhà nước cũng như nền kinh tế.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • "Tăng tốc" xử lý 12 dự án thua lỗ ngành Công Thương

    02:12, 14/10/2020

  • 1 trong 12 dự án thua lỗ của Bộ Công Thương: Vừa "gượng dậy" lại “gục ngã”?

    06:00, 07/09/2020

  • 2/12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương ở Hải Phòng ra sao?

    05:00, 08/06/2020

  • 12 dự án thua lỗ ngành Công Thương: Dư nợ chạm ngưỡng 21.000 tỷ đồng

    04:00, 21/05/2020

  • 12 dự án 'đắp chiếu' của ngành Công Thương giờ ra sao?

    05:00, 15/05/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Xử lý dứt điểm 12 dự án yếu kém
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO