Hiện, Chi nhánh Agribank Bắc Kạn đã xem xét giảm lãi tiền vay cho 5 khách hàng doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp tiếp tục duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh.
Tại Bắc Kạn, tính đến thời điểm này dù chưa có trường hợp nào ghi nhận nhiễm dịch SARS-CoV-2. Tuy nhiên, những tác động của nó đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Qua khảo sát thị trường tiêu dùng tại Bắc Kạn cho thấy, các cửa hàng kinh doanh dịch vụ - thương mại không có khách vẫn phải duy trì hoạt động và đảm bảo trả lương cho công nhân viên. Nhiều cửa hàng kinh doanh tụt giảm doanh số từ 50-70% so với những tháng trước đó.
Đối với doanh nghiệp trên địa bàn Bắc Kạn, một số lĩnh vực cũng chịu tác động, khó khăn trong kinh doanh, dán đoạn trong sản xuất như du lịch, sản xuất vật liệu xây dựng, thủy điện…
Trước tình hình đó, Ngân hàng Agribank đã chủ động đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này.
Theo Giám đốc Agribank Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn Đỗ Đăng Hùng, thực hiện theo văn bản chỉ đạo triển khai các giải pháp tín dụng hỗ trợ khách hàng khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch SARS-CoV-2 ngày 05/02/2020 của Tổng Giám đốc Agribank, Ngân hàng Agribank Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn đã chủ động gặp gỡ doanh nghiệp, nắm bắt tình hình diễn biến dịch bệnh, rà soát, đánh giá tình hình thiệt hại của các khách hàng bị ảnh hưởng do dịch SARS-CoV-2 để thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn theo quy định của pháp luật, như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay.
“Tuy nhiên, việc xem xét giảm lãi suất chỉ áp dụng đối với các khoản vay trung và dài hạn”, ông Hùng cho biết.
Theo đó, đến nay đã có 05 doanh nghiệp vay vốn tại Chi nhánh Agribank Bắc Kạn (Công ty CP Sài Gòn - Ba Bể, Công ty CP Gạch Ngói Chợ Đồn, Công ty CP Thủy điện Sử Pán 1, Công ty CP Gốm và Khai thác Xây dựng Bắc Kạn và Công ty Gốm Hà Vị) gửi Công văn đến Chi nhánh Agribank Bắc Kạn về việc xem xét áp dụng các chính sách ưu đãi để hỗ trợ giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, giãn thời gian trả nợ nhằm chia sẻ bớt khó khăn.
Có thể bạn quan tâm
10:00, 25/01/2020
00:02, 21/02/2020
14:03, 26/02/2020
05:00, 26/02/2020
11:00, 25/02/2020
Theo Tổng giám đốc Công ty CP Thủy điện Sử Pán 1 Hà Văn Thủy, Công ty đang tiến hành thi công xây dựng Dự án Thủy điện Pác Cáp, đã tiến hành ký kết hợp đồng cung cấp thiết bị chính với đối tác cung cấp Trung Quốc để nhập khẩu thiết bị từ Trung Quốc về lắp đặt tại nhà máy. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh SARS-CoV-2 vẫn đang diễn biến phức tạp, phía Trung Quốc đóng cửa không cho thông quan xuất khẩu và đề nghị giãn tiến độ cung cấp thiết bị cho nhà máy thủy điện Pác Cáp. Do vậy, tiến độ triển khai dự án bị chậm so với kế hoạch, dẫn đến thời gian dự kiến dự án đi vào vận hành tạo ra doanh thu để trả nợ bị kéo dài.
Ông Thủy cho biết, do Công ty vẫn phải chịu các chi phí và trả lãi vay ngân hàng trong thời gian chậm tiến độ này nên gặp rất nhiều khó khăn, bởi vậy khi biết được chủ trương đồng hành cùng doanh nghiệp của Ngân hàng Agribank thời điểm này nên đã làm văn bản gửi đến Chi nhánh Agribank Bắc Kạn để mong được xem xét, tạo điều kiện giảm mức lãi suất vay, giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, đảm bảo kế hoạch trả nợ gốc, lãi vay theo đúng tiến độ.
Ông Nguyễn Trung Hiếu - Tổng giám đốc Công ty CP Sài Gòn - Ba Bể cho rằng, tình hình dịch bệnh viêm phổi cấp SARS-CoV-2 ngày càng phức tạp đang và sẽ tiếp tục tác động không nhỏ đến ngành du lịch nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Được biết, thời gian vừa qua đã có nhiều đoàn khách đặt phòng và dịch vụ tại Khu nghỉ dưỡng của Công ty Sài Gòn - Ba Bể nhưng do diễn biến dịch bệnh nên khách đã báo hủy hàng loạt, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo ông Hiếu, ngay khi nhận được báo cáo của Công ty về những ảnh hưởng do dịch bệnh SARS-CoV-2 gây ra. Ngân hàng Agribank Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn đã nhanh chóng có phản hồi và đưa ra những giải pháp giải quyết kịp thời và có hiệu quả giúp cho đơn vị vượt qua giai đoạn khó khăn.
“Cùng với sự hỗ trợ từ phía Ngân hàng Agribank Bắc Kạn, Công ty đã và đang triển khai một số giải pháp để duy trì và phát triển hoạt động kinh doanh vượt qua giai đoạn khó khăn này như: tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh cho khách hàng; Tiếp tục củng cố, sắp xếp nhân sự hợp lý nhằm đảm bảo hoạt động trong thời gian phòng, chống dịch bệnh và sau khi dịch bệnh chính thức được kiểm soát; Khu nghỉ dưỡng Sài Gòn - Ba Bể đã xây dựng chương trình khuyến mãi kích cầu trong Quý II/2020 theo chỉ đạo của Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn TNHH một thành viên để đưa hoạt động kinh doanh đi vào ổn định sau khi dịch SARS-CoV-2 được kiểm soát…”, ông Hiếu chia sẻ.
Về phía Ngân hàng, Giám đốc Agribank Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Chúng tôi xác định sẽ luôn lắng nghe và đồng hành cùng doanh nghiệp, nhất là những thời điểm doanh nghiệp gặp khó khăn. Hiện, Chi nhánh đã xem xét giảm lãi tiền vay từ 9,5%/năm về 9%/năm cho 5 khách hàng doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp tiếp tục duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh”.
Để đảm bảo công tác phòng dịch SARS-CoV-2, Chi nhánh Agribank Bắc Kạn cũng đã chủ động triển khai các biện pháp chung tay cùng cộng đồng phòng, chống dịch bệnh như: Chia sẻ rộng rãi hướng dẫn của Bộ Y tế về các biện pháp phòng, chống dịch trên các kênh truyền thông của Agribank; cung cấp nước rửa tay sát khuẩn đối với khách hàng đến giao dịch; quán triệt các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế và chỉ đạo liên quan của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Trước đó, được biết Tổng Giám đốc Agribank đã chỉ đạo các chi nhánh tổ chức rà soát, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng vay vốn do ảnh hưởng bởi dịch. Trong đó lưu ý các khách hàng hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn, nông nghiệp, xuất khẩu, đặc biệt các doanh nghiệp sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu và xuất khẩu thị trường Trung Quốc, có nhiều lao động người Trung Quốc…
Còn theo đánh giá của Vụ trưởng Vụ tín dụng ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) Nguyễn Quốc Hùng thì không chỉ lĩnh vực nông nghiệp mà nhiều lĩnh vực khác như du lịch, vận tải... cũng bị "vạ lây" từ dịch SARS-CoV-2, do vậy cũng cần có giải pháp hỗ trợ. Tuy nhiên, không thể chỉ mình ngành ngân hàng với hỗ trợ về vốn mà cần có sự chung tay của các ngành với giải pháp tổng thể tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân vay vốn bị ảnh hưởng do dịch SARS-CoV-2.