Kinh tế địa phương

Bắc Kạn: Doanh nghiệp nỗ lực “tìm cơ trong nguy”

Lê Nam - Nguyệt Hà 19/12/2024 17:06

Bắc Kạn là tỉnh có số lượng Doanh nghiệp ít nhất trong cả nước. Tỉnh không có doanh nghiệp lớn, 100% là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ.

Một năm nhiều “sóng gió”

Năm 2024 trong bối cảnh kinh tế toàn cấu chưa hoàn toàn hồi phục, giao tranh giữa các quốc gia còn diễn biến phức tạp, cộng đồng doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, sức mua trên thị trường giảm sút do tình hình hình kinh tế suy giảm, lạm phát và bất ổn chính trị toàn cầu.

Tại tỉnh Bắc Kạn, doanh nghiệp gặp khó khăn càng khó khăn hơn bởi ảnh hưởng của cơn bão số 3 (YAGI) đã làm đình trệ nghiêm trọng nhiều hoạt động kinh tế, cản trở quá trình sản xuất và phân phối hàng hóa tại nhiều địa phương, kéo giảm đà phát triển của nền kinh tế.

Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay, giá nguyên vật liệu tăng cao ảnh hưởng tới chi phí sản xuất; không ít doanh nghiệp phải gánh áp lực cao về chi phí thuê mặt bằng khi thị trường bất động sản không ổn định và có xu hướng tăng giá cao trong thời gian qua.

Trong khi đó, cơ chế, chính sách, pháp luật về đầu tư, thuế, đất đai còn vướng mắc, các thủ tục hành chính còn phức tạp. Tình trạng chất lượng các quy chuẩn kỹ thuật không mang tính thực tiễn, gây khó cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động vẫn xảy ra. Một số cơ chế, chính sách, quy định, thủ tục hành chính vẫn chậm được sửa đổi, còn phiền hà, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

z6144958888960_0dcfed8e095b5f727fcd06b2986736b4.jpg
Chiều 18/12, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Kạn dự Hội nghị tổng kết công tác Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh năm 2024.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, chính sách hỗ trợ của tỉnh tuy nhiều nhưng vẫn còn ở tầm vĩ mô, doanh nghiệp khó tiếp cận. Nguồn nhân lực chuyên môn kỹ thuật và quản lý sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh; quy trình sản xuất chưa được hiện đại hóa do thiếu nguồn vốn, đơn giá xây dựng cơ bản của một số hạng mục còn thấp không sát với thực tế gây khó khăn cho doanh nghiệp xây dựng…

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bắc Kạn ông Lê Thanh Hải cho biết, một trong những rào cản lớn nhất đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ là khả năng tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng và tổ chức tài chính. Chỉ có khoảng 30 - 40% doanh nghiệp nhỏ có thể tiếp cận các nguồn tài chính từ ngân hàng, phần còn lại phải dựa vào vốn tự có hoặc vay mượn từ nguồn không chính thức.

“Mặc dù Chính phủ và tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều cải cách để đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhưng thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn với hệ thống pháp lý và các quy định rườm rà. Thủ tục xin đăng ký đầu tư còn phức tạp, các quy trình xin giấy phép, kiểm tra chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường vẫn còn mất nhiều thời gian và chi phí”, ông Lê Thanh Hải thông tin.

Được biết, Bắc Kạn là tỉnh có số lượng Doanh nghiệp ít nhất trong cả nước, không có doanh nghiệp lớn. 100% là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Trong những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều giải pháp đòng hành cùng doanh nghiệp như: đơn giản hoá thủ tục hành chính, đẩy mạnh thu hút đầu tư; tập trung phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại; thường xuyên tổ chức Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp nhằm tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, kinh doanh trên địa bàn; tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp…

Ông Đinh Quang Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Kạn đánh giá, năm 2024 doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nhưng đã nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Qua đó, đóng góp to lớn đối với sự phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn. Điều này thể hiện qua tăng trưởng kinh tế của tỉnh, về thu ngân sách và công tác an sinh xã hội của cộng đồng doanh nghiệp. Nhấn mạnh, lãnh đạo tỉnh luôn cầu thị, mong muốn được nghe những đề xuất, kiến nghị để có những giải pháp cụ thể trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh. Phó Chủ tịch Thường trực Đinh Quang Tuyên đề nghị, trong năm 2025 Hiệp hội Doanh nghiệp cố gắng phát huy vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và tỉnh để chúng ta cùng nhau đoàn kết, cùng nhau phản ánh chính sách tốt hơn. Mong muốn Hiệp hội và các doanh nghiệp có nhiều ý kiến để tỉnh có những điều chỉnh, đặc biệt là điều chỉnh bộ phận hỗ trợ doanh nghiệp, dần dần rút ngắn thủ tục tiến tới một trong những tỉnh khá trong lĩnh vực cấp phép đầu tư.

Phát huy vai trò cầu nối, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp

Được biết, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bắc Kạn hiện mới chỉ có 97 hội viên song những năm qua đã phát huy có hiệu quả, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho hội viên; tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp, là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh thực sự trở thành ngôi nhà chung để kết nối, chia sẻ, thúc đẩy sự phát triển cho các doanh nghiệp. Những hoạt động của Hiệp hội đã mang lại hiệu quả thiết thực cho các doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bắc Kạn phát biểu khai mạc Hội nghị tổng kết công tác Hội năm 2024
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bắc Kạn phát biểu khai mạc Hội nghị tổng kết công tác Hội năm 2024.

Trong năm 2024, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bắc Kạn phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn tổ chức hội nghị kết nối Ngân hàng với doanh nghiệp; tham dự “Ngày hội việc làm tỉnh Bắc Kạn”; ký thỏa thuận hợp tác chung giữa Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam - VACOD và các Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, thành phố tại Thành phố Điện Biên Phủ…

Song song với đó, công tác tuyên truyền pháp luật, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp được chú trọng. Hiệp hội đã tuyên truyền, vận động hội viên chấp hành tốt mọi chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước và các quy định của địa phương; tuyên truyền Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Tuyên truyền trong hội viên Kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) Bắc Kạn giai đoạn 2021-2025.

Với vai trò là cầu nối, Hiệp hội thường xuyên lắng nghe, tiếp nhận các thông tin phản ánh của doanh nghiệp, tổng hợp thành báo cáo kiến nghị, những khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp duy trì ổn định sản xuất.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lê Thanh Hải cho biết, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn phía trước nhưng với tinh thần vươn lên, khả năng thích ứng “tìm cơ trong nguy” và sự hỗ trợ kịp thời từ chính phủ, tỉnh Bắc Kạn, tin tưởng cộng đồng doanh nghiệp sẽ dần hồi phục, bứt phá tiếp tục đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội.

Năm 2025 là 1 năm sẽ diễn ra rất nhiều sự kiện trọng đại của đất nước và của địa phương, chính vì thế Hiệp hội Doanh nghiệp sẽ tiếp tục nâng cao năng lực hoạt động cả về tổ chức và công tác hội, tăng cường vận động phát triển hội viên. Phát huy vai trò là cầu nối phản biện với các cơ chế chính sách Nhà nước tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tiếp tục thực hiện Chương trình hành động của VCCI triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP; Chỉ thị số 26/CT-TTg và chỉ thị số 07/CT-TTg của Chính phủ, tập trung nhiệm vụ chính là tập hợp các kiến nghị, khó khăn và vướng mắc của doanh nghiệp đề nghị UBND tỉnh có biện pháp giúp đỡ doanh nghiệp phát triển; Tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ Khảo sát, đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Sở, ban, ngành và huyện, thành phố tỉnh Bắc Kạn (DDCI) năm 2024…

Cùng với đó, tập trung xây dựng văn hóa doanh nghiệp gắn liền với trách nhiệm xã hội vào chiến lược kinh doanh. Tiếp tục phát huy trách nhiệm xã hội, tổ chức các chương trình thiện nguyện định kỳ, tạo ra các quỹ từ thiện của doanh nghiệp và thúc đẩy chương trình thiện nguyện hàng năm, chẳng hạn như: “Ngày từ thiện doanh nghiệp” hoặc “Tuần lễ thiện nguyện”.

Tại Hội nghị tổng kết công tác Hội năm 2024 chiều 18/12, các doanh nghiệp hội viên được đối thoại với các lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các Sở, ban, ngành của tỉnh và đưa ra những tâm tư nguyện vọng cũng như những vướng mắc mà doanh nghiệp mình đang mắc phải liên quan đến đất đai, thủ tục hành chính, tiếp cận vốn…

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bắc Kạn cũng kiến nghị, trong thời gian tới tỉnh cần kiến nghị với Chính phủ thực hiện đồng bộ một số giải pháp để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Đầu tiên là hỗ trợ về tài chính, cần triển khai các gói hỗ trợ tài chính linh hoạt, dễ tiếp cận, giảm thuế, lãi xuất ưu đãi, có các chương trình tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào chuyển đổi số và phát triển bền vững. Ngoài ra cần tiếp tục cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục về đầu tư, cần đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin.

Các cơ quan chuyên môn của tỉnh cần tăng cường hướng dẫn, tổ chức các chương trình tập huấn nhằm giúp doanh nghiệp cải thiện kỹ năng quản lý tài chính, nắm vững các phương pháp quản lý hiện đại, chiến lược phát triển và tối ưu hóa nguồn lực. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp.

Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh Bắc Kạn quyết liệt đẩy mạnh cải cách hành chính; quyết liệt xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, giải phóng mặt bằng; tăng cường gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp các cấp từ tỉnh đến cơ sở để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp. Tăng cường tính minh bạch và nhất quán trong các quy định pháp lý: tỉnh cần xây dựng một khung pháp lý rõ ràng, minh bạch và nhất quán để tạo sự an tâm cho doanh nghiệp, đặc biệt là trong các lĩnh vực như thuế, bảo hiểm, và sở hữu trí tuệ.

“Doanh nghiệp sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách và luôn mong muốn rằng, các cấp lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành sẵn lòng ủng hộ, quan tâm, chia sẻ và quyết liệt đồng hành với doanh nghiệp, bằng mọi cách tìm giải pháp để tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp. Những việc nào trong thẩm quyền địa phương thì địa phương giải quyết cho doanh nghiệp, những việc nào vượt thẩm quyền thì địa phương thì sẵn sàng cùng doanh nghiệp kiến nghị Trung ương làm rõ. Từng bước chuyển hướng hỗ trợ doanh nghiệp từ chiều rộng, dàn trải sang chiều sâu, nhằm giúp doanh nghiệp cơ cấu lại năng lực sản xuất, phát triển ổn định, lâu dài”, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bắc Kạn nhấn mạnh.

Doanh nghiệp Bắc Kạn tuy còn nhiều khó khăn song luôn phát huy tinh thần chia sẻ vì cộng đồng. Trong năm 2024, các doanh nghiệp đã có nhiều hoạt động như tặng quà cho các gia đình chính sách, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh; Ủng hộ chương trình tặng điện thoại thông minh cho các xã vùng sâu, vùng xa… Trong đó, các doanh nghiệp ủng hộ thiệt hại do bão số 3 (YAGI) gây ra 1.813.790.000 đồng. Đây không chỉ là hành động mang tính nhân đạo mà còn giúp xây dựng hình ảnh doanh nghiệp bền vững, tăng cường niềm tin và sự gắn kết với xã hội. Điều này khẳng định vai trò quan trọng của doanh nhân trong công cuộc phát triển kinh tế bền vững và xây dựng một cộng đồng nhân văn hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bắc Kạn: Doanh nghiệp nỗ lực “tìm cơ trong nguy”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO