Chuyện tưởng đùa nhưng lại là thật! Hiện nay, muốn giành chỗ đứng trong thị trường AI, các công ty đang không ngừng xây dựng các trung tâm dữ liệu. Kết quả là bất động sản theo đó cũng tăng nhiệt.
>>Châu Á đối mặt bài toán năng lượng khi phát triển trung tâm dữ liệu
Trong thời đại mà mô hình làm việc từ xa đang phổ biến, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thương mại gặp phải khá nhiều khó khăn. Thế nhưng giờ đây họ đang đứng trước cơ hội mới, khi nhu cầu xây dựng và phát triển các trung tâm dữ liệu, hay nói đơn giản hơn là những căn nhà khổng lồ chứa máy chủ internet, đã và đang bùng nổ.
Jones Lang LaSalle, một ông lớn trong lĩnh vực bất động sản, cho biết nhu cầu này đến từ các công ty đang muốn theo đuổi công nghệ AI. Bởi vì đây là một công nghệ cần mặt bằng rất lớn để đào tạo và vận hành.
Các thống kê cho thấy diện tích mặt bằng dành cho trung tâm dữ liệu tại Mỹ đã tăng 26% trong năm 2023, với số lượng xây dựng mới kỷ lục trên toàn quốc. Trong khi đó, giá cho các mặt bằng sẵn có vẫn đang tiếp tục tăng cao.
Trên thực tế, không chỉ ở Mỹ, tại Việt Nam, các dự án về trung tâm dữ liệu cũng đang phát triển rất nhiều với tổng diện tích mặt bằng siêu khủng. Tính đến đầu năm 2024, Việt Nam có đến 44 nhà cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu với 28 dự án.
Dự án được hoàn công gần đây nhất là Trung tâm Dữ liệu Viettel Hòa Lạc của Tập đoàn Viettel, ra mắt ngày 10/4/2024. Đây là trung tâm dữ liệu có quy mô lớn nhất Việt Nam tính đến hiện tại, với tổng diện tích sàn 21.000m².
Trước đó, Tập đoàn CMC cũng khai trương CMC Data Center Tân Thuận nằm trong khu chế xuất Tân Thuận với tổng diện tích 13.000m², vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng.
Ngoài các dự án trong nước, các tập đoàn nước ngoài cũng rục rịch thông báo những dự án xây dựng trung tâm dữ liệu tại Việt Nam. Chẳng hạn đầu tháng 5, Alibaba (Trung Quốc) bày tỏ dự định xây dựng trung tâm dữ liệu tại Việt Nam. Hoặc trước đó vào năm 2022, cả Amazon (Mỹ) lẫn NTT (Nhật Bản) đều tuyên bố sẽ chọn Việt Nam là điểm đặt các trung tâm dữ liệu địa phương của họ. Tất cả đều là những dự án tầm cỡ và chắc chắn sẽ cần mặt bằng rất lớn.
Quay lại câu chuyện ở Mỹ, nhu cầu tăng trưởng về trung tâm dữ liệu dẫn đến một vấn đề phát sinh, đó là năng lượng. Mặc dù các công ty cố gắng sử dụng năng lượng có thể tái tạo, thế nhưng rất nhiều trung tâm dữ liệu đang phụ thuộc vào các nguồn năng lượng không tái tạo như khí đốt tự nhiên, than đá, hoặc năng lượng hạt nhân. Các trung tâm dữ liệu “siêu cấp lớn” thậm chí có thể dùng lượng điện tương đương với cả Seattle.
Không chỉ vậy, mặc dù mảng bất động sản dành cho trung tâm dữ liệu đang rất hot, thế nhưng các phân khúc bất động sản thương mại khác, ví dụ tòa nhà văn phòng, kho bãi, trung tâm thương mại, v.v. lại không được như vậy. Năm 2023, gần 20% các mặt bằng văn phòng của Mỹ không được thuê. Một số thành phố như Houston hoặc Cincinnati, tỷ lệ trống lên đến 25%. Tỷ lệ kho bãi không được thuê cũng tăng lên trong bối cảnh thương mại điện tử không còn duy trì phong độ.
Tuy nhiên, bất chấp những điều này, ít nhất ngành bất động sản vẫn đang thấy ánh sáng từ các trung tâm dữ liệu. Điều này là minh chứng rõ nét cho việc thời đại AI bùng nổ không chỉ đem đến lợi ích cho các công ty công nghệ, mà còn là thời cơ cho những ngành khác, ví dụ bất động sản.
Tương tự vậy, hàng tỷ đô mà các ông lớn như Microsoft, Amazon hay Alphabet đổ vào AI cũng đồng thời tạo nên lợi ích cho ngành năng lượng. Trong đó, ngành khí đốt tự nhiên nhiều cơ hội thắng lớn, vì Goldman Sachs ước tính rằng đây chính là nguồn cung cấp đến 60% nhu cầu năng lượng cho các trung tâm dữ liệu và phát triển công nghệ AI.
Có thể bạn quan tâm