Vượt qua bất lợi của phái yếu, bà Phạm Thị Nhung - Giám đốc Công ty CP Hồng Gia (Hải Dương) đã thể hiện bản lĩnh, nhạy bén trong sản xuất, kinh doanh.
Hành trình khởi nghiệp
Bà Phạm Thị Nhung thoát ly từ vùng quê nghèo ở huyện Tứ Kỳ. Cuối những năm 1990, bà về “hưu non” từ Công ty Ăn uống và Khách sạn thị xã Hải Dương. Khi đó, để có thu nhập cho kinh tế gia đình, bà mở cửa hàng bán quần áo tại nhà ở số 21 đại lộ Hồ Chí Minh. Bà tích cực tham gia các hoạt động của Hội Phụ nữ phường Nguyễn Trãi, qua đó là một thành viên sáng lập Câu lạc bộ Nữ doanh nghiệp Hải Dương năm 2000, cũng là tiền thân của Hội Nữ doanh nhân tỉnh Hải Dương (thành lập năm 2012).
Với sự hỗ trợ của Hiệp hội Các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ Canada, cùng các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Hải Dương, bà và các thành viên khác trong câu lạc bộ đã tích cực học tập, đúc rút kinh nghiệm kinh doanh thông qua các hội thảo, tham quan mô hình trong nước và quốc tế. Sau đó bà vay mượn anh chị em, bạn bè để lập xưởng may gia công cho các thương hiệu dệt may lớn lúc đó như Dệt Nam Định, Dệt 10/10...
Năm 2005, bà thành lập Doanh nghiệp tư nhân Hồng Gia, nay là Công ty CP Hồng Gia. Từ một xưởng may gia công với 50 máy may ở phố Tam Giang, bà đã nhanh chóng phát triển thêm nhiều xưởng nhỏ ở các huyện Tứ Kỳ, Thanh Hà, Nam Sách… với trên 200 máy may gia công, tạo việc làm với thu nhập ổn định cho khoảng 300 lao động, trong đó đa phần là phụ nữ, một số người bị khuyết tật.
Chia sẻ với PV bà Nhung cho biết: “Lúc đó tôi vui và đam mê lắm vì tôi đã tạo ra nhiều việc làm cho mọi người, hầu hết đều từ các vùng nông thôn như mình trước đây”.
Cũng từ tích cực tham gia hoạt động của hội, bà đã có cơ duyên tiếp cận Tập đoàn VF chuyên may mặc và phụ kiện toàn cầu (Mỹ).
Năm 2006, sau khi để lại các xưởng may gia công cho người khác, bà vay vốn ngân hàng, thuê đất để đầu tư 24 tỷ đồng xây dựng nhà máy chuyên sản xuất vải màn tuyn xuất khẩu tại khu công nghiệp Nam Sách. Hiện nay, doanh nghiệp của bà duy trì ổn định doanh thu hằng năm đạt khoảng 30 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho trên 50 người lao động, với thu nhập bình quân trên 12 triệu đồng/người/tháng.
Tích cực làm việc thiện
Áp lực công việc lớn khi vừa trực tiếp quản lý quy trình sản xuất, vừa đảm đương vai trò tìm kiếm đối tác, khách hàng song nữ doanh nhân này vẫn điều hành mọi hoạt động của công ty suôn sẻ. Bà Nhung cho biết, nhắc tới nữ giới mọi người thường nghĩ tới sự mỏng manh, yếu mềm, nhìn nhận vấn đề thiên về tình cảm. Tuy nhiên, khi nữ giới là lãnh đạo doanh nghiệp đòi hỏi phải có cái đầu “lạnh”, tỉnh táo và quyết đoán.
Chính những va vấp trên thương trường đã rèn luyện cho nữ doanh nhân này bản lĩnh vững vàng để sàng đối mặt với khó khăn, thử thách, tìm ra phương án tối ưu nhất cho doanh nghiệp phát triển.
Ngoài chăm lo phát triển doanh nghiệp, gia đình, bà Nhung luôn tích cực hỗ trợ các hội viên khác và đi đầu tham gia các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội của Hội Nữ doanh nhân Hải Dương như chương trình “Mẹ đỡ đầu kết nối yêu thương”, trao quà Tết cho phụ nữ nghèo, tặng bò cho nông dân nghèo, tặng quà cho học sinh nghèo vượt khó...
Bà Lê Thị Hải Vân - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Thành Công, Phó Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân tỉnh Hải Dương cho biết, bà Nhung là một tiền bối của Hội Nữ doanh nhân chúng tôi. Dù lớn tuổi nhưng cô luôn tích cực, năng nổ đi đầu trong mọi công việc của hội. Là một Phó Chủ tịch hội, bà luôn đi đầu trong mọi hoạt động từ thiện, góp phần an sinh xã hội.
Theo bà Lương Thu Hương – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp, thời gian qua do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, các nữ doanh nhân tỉnh Hải Dương đã nỗ lực vượt qua khó khăn của thị trường, đã sáng tạo, bứt phá thành công.
Theo bà Hương, trong kinh doanh cơ hội luôn chia đều cho mọi người, kể cả nam hay nữ khi điều hành doanh nghiệp. Tuy vậy, nữ doanh nhân có phần thiệt thòi hơn bởi rào cản về sức lực, thời gian. Nhưng một khi đã lăn lộn thương trường thì nữ giới sẽ càng trở nên sắc sảo, linh hoạt và lan tỏa nhiều năng lượng tích cực.