Bảo vệ doanh nghiệp như bảo vệ đồng đội trong cuộc chiến chống COVID-19

Thanh Tâm 20/03/2020 09:31

Thủ tướng Chính phủ khẳng định “chống dịch như chống giặc” và hơn ai hết chúng ta hiểu sâu sắc rằng “bảo vệ doanh nghiệp chính là bảo vệ đồng đội của mình trong cuộc chiến này”.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp đã, đang và sẽ luôn có nhiều hoạt động để đồng hành cùng doanh nghiệp.

br class=

Theo khảo sát của Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, điện tử, ôtô hay dệt may... chỉ còn đủ nguyên liệu sản xuất trong tháng 3 hoặc sang đầu tháng 4.

“Đi nhanh” cùng doanh nghiệp vượt khó

Trước những diễn biến phức tạp và những ảnh hưởng tiêu cực của dịch cúm Covid-19 đến nền kinh tế, VCCI đã có nhiều hoạt động để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp.

Trên cơ sở trao đổi với các hiệp hội doanh nghiệp và lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, ngày 25/02/2020, Chủ tịch VCCI đã báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ một bản kiến nghị các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp để duy trì sản xuất kinh doanh bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động trước tác động của dịch cúm Covid-19.

Bản kiến nghị đưa ra 12 giải pháp cấp bách để hỗ trợ doanh nghiệp liên quan đến các vấn đề như: giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; đẩy nhanh giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, kinh doanh; khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay; giãn, hoãn nộp thuế, tiền thuê đất, các khoản đóng góp liên quan đến BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; giảm các chi phí đầu vào cho doanh nghiệp; đề xuất miễn, giảm có thời hạn các khoản thuế và phí…

Không chỉ ở cấp trung ương mà ở cấp địa phương, các chi nhánh VCCI tại các tỉnh cũng tiến hành tập hợp tình hình ảnh hưởng của doanh nghiệp bởi dịch cúm Covid-19 để báo cáo cho chủ tịch VCCI và kiến nghị lên các lãnh đạo các địa phương. Đây chính là những đề xuất kịp thời của VCCI nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, các tổ cấp C/O của VCCI tại các tỉnh thành đều hoạt động liên tục để chứng nhận kịp thời cho các doanh nghiệp xuất khẩu, không để gián đoạn bởi dịch cúm Covid-19.

Có thể bạn quan tâm

  • Chủ tịch VCCI trao Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp phát triển doanh nghiệp Việt Nam" cho Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam

    18:42, 23/03/2020

  • Đại hội Chi bộ Ban Kế hoạch Tổng hợp - VCCI diễn ra thành công

    13:06, 19/03/2020

  • VCCI đề xuất nhiều giải pháp cấp bách hỗ trợ doanh nghiệp "vượt bão" COVID-19

    04:00, 19/03/2020

  • VCCI tiếp tục phản ánh những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để báo cáo Chính phủ

    11:14, 18/03/2020

Để “đi xa” phải thúc đẩy hơn nữa cải cách thể chế

Hiểu được điều doanh nghiệp cần nhất, ngay từ đầu năm 2020, VCCI đã kiến nghị rất mạnh mẽ thực hiện “Chương trình 25-20” nhằm tập trung xử lý dứt điểm 25 điểm chồng chéo trong pháp luật kinh doanh và đầu tư, tiếp tục cắt giảm đơn giản hóa ít nhất 20% điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành.

VCCI đã gửi các kiến nghị về việc xử lý 25 điểm chồng chéo trong pháp luật kinh doanh đến Quốc hội, Chính phủ. Từ kiến nghị của VCCI, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật. Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm Tổ trưởng Tổ công tác và Chủ tịch VCCI là một trong các tổ phó. Bên cạnh đó, VCCI cũng đã và đang tích cực chủ động phối hợp với các bộ/ngành để xem xét, rà soát lấy ý kiến doanh nghiệp về các quy định, thông tư liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Những hoạt động này của VCCI đã góp phần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tạo niềm tin, động lực cho các doanh nghiệp, nhất là trong những giai đoạn khó khăn như hiện nay.

Nhận thức được những khó khăn của doanh nghiệp, trên cơ sở những ý kiến đóng góp của VCCI và cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ đã có những hành động kịp thời để giúp doanh nghiệp, cụ thể là việc ban hành Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 04/03/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

Trên cơ sở của Chỉ thị 11, các bộ ngành đã triển khai xây dựng các văn bản để cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng.

Bộ Lao động - Thương binh và xã hội đã có công văn gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam để hướng dẫn tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19. Bộ Tài chính đang xây dựng Dự thảo Nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất...

Trên tinh thần của Chỉ thị 11, VCCI đã có công văn gửi các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề để cùng phối hợp với các bộ ngành, địa phương cụ thể hóa các chủ trương, chính sách hỗ trợ bằng những hoạt động cụ thể để triển khai có hiệu quả Chỉ thị 11. VCCI cũng khuyến khích các hiệp hội doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn dân tham gia ủng hộ phòng chống dịch Covid-19” của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày 17/3/2020.

Đồng hành cùng doanh nghiệp lớn

Trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì việc hỗ trợ giúp cho doanh nghiệp lớn và các dự án trọng điểm là một giải pháp quan trọng đối với doanh nghiệp để duy trì sự ổn định và tăng trưởng và bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động.

Chính vì thế, bên cạnh việc thúc đẩy đầu tư công, thì Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp này, cụ thể là việc sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Trong lần sửa đổi này ngoài thay đổi nâng trần chi phí lãi vay từ 20% lên 30% đó thì cần áp dụng hồi tố luôn từ khi Nghị định 20 có hiệu lực, tức là trong hai năm 2017 – 2018.

Việc bồi hoàn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng là cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đã và đang gây thêm tầng nấc khó khăn cho doanh nghiệp.

Mặc dù trong điều kiện ngân sách khó khăn, Nhà nước vẫn nên dành một phần ngân sách để hỗ trợ các doanh nghiệp, vì đây chính lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp thuộc loại hình này.

Chủ tịch VCCI - Vũ Tiến Lộc

VCCI cũng đã phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp để tìm cách thúc đẩy phát triển thị trường trong nước, tăng cường kết nối phát triển thị trường nội bộ giữa các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm, tìm nguồn cung ứng vật tư, nguyên liệu, chia sẻ công nghệ và kinh nghiệm quản lý.

Bên cạnh đó, để thúc đẩy phát triển thị trường công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam, một mặt giúp giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung ứng nước ngoài, mặt khác giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, VCCI cũng tiếp tục kiến nghị sớm ban hành Luật Công nghiệp hỗ trợ.

Qua phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp có thể thấy tác động của Covid-19 còn chưa thể đong đếm được. Kiểm soát dịch bệnh đã khó, nhưng giúp doanh nghiệp trụ vững, phục hồi và lấy lại được đà sản xuất kinh doanh cũng khó khăn không kém. Ban bí thư, Chính phủ, các bộ ban ngành, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp đã đồng loạt vào cuộc và các giải pháp bảo vệ sức khỏe của nền kinh tế phát huy tác dụng bước đầu.

Rõ ràng, trong thời dịch, dù đi nhanh hay đi xa, các doanh nghiệp vẫn cần đồng lòng, đồng tâm, đồng sức để vượt qua khó khăn. Chính phủ vẫn luôn bảo vệ doanh nghiệp bởi doanh nghiệp chính là ĐỒNG ĐỘI – những người lính trên mặt trận kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bảo vệ doanh nghiệp như bảo vệ đồng đội trong cuộc chiến chống COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO