Nhiều chuỗi F&B nổi tiếng một thời tại Việt Nam như Món Huế, The KAfe… phải dừng hoạt động vì kinh doanh không hiệu quả.
CEO Koh Yam cho rằng, trong kinh doanh chuỗi nhà hàng, duy trì chất lượng ổn định và sự khác biệt của sản phẩm là yếu tố tiên quyết.Khi gọi vốn, quyết định mở rộng chuỗi cửa hàng có thể không còn nằm trong tay của người sáng lập.
Hàng loạt chuỗi F&B đình đám đóng cửa
Những ngày qua, dư luận xôn xao về thông tin chuỗi cửa hàng Món Huế ngừng hoạt động. Thương hiệu này cũng bị hàng loạt nhà cung cấp thực phẩm và cho thuê mặt bằng tố chậm thanh toán với tổng số nợ ước tính hàng chục tỷ đồng.
Món Huế là thương hiệu thuộc sở hữu của Công ty TNHH Chế biến Thực phẩm Huy Việt Nam, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Chuỗi nhà hàng này thường nằm tại những vị trí đắc địa và có không gian rộng rãi.
Ngoài Món Huế, Huy Việt Nam cũng vận hành nhiều chuỗi nhà hàng khác như Cơm Thố Cháy, Phở Ông Hùng, Great Banhmi & Cafe, trà sữa TP Tea, 99 House of Phở, Mì Quảng Bếp Tâm, món Hàn Shilla, món Nhật Iki, Captain Lobster, Soi 615.
Công ty này từng là tên tuổi nổi tiếng trong cộng đồng startup khi huy động thành công hàng chục triệu USD từ nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có quỹ Templeton Strategic Emerging Markets Fund do huyền thoại đầu tư Mark Mobius quản lý.
Phó chủ tịch của Huy Việt Nam là Dennis Nguyễn – Chủ tịch công ty chuyên về đầu tư New Asia Partners có trụ sở tại Hong Kong. Dennis Nguyễn cũng từng giữ chức chủ tịch của chuỗi cửa hàng chuyên phục vụ đồ ăn Á-Âu The KAfe.
Câu chuyện của Huy Việt Nam cũng khiến nhiều người liên tưởng đến sự sụp đổ của The KAfe. Sau khi huy động thành công 5,5 triệu USD ngay trong vòng gọi vốn đầu tiên từ các quỹ đầu tư tại London và Hong Kong vào năm 2015, The KAfe trở thành tên tuổi đáng chú ý trên thị trường F&B (thực phẩm và đồ uống) Việt Nam và liên tục mở rộng.
Tuy nhiên không lâu sau, The KAfe bị đối tác tố chây ì công nợ và chiếm dụng vốn kinh doanh đến hàng tỷ đồng. Tháng 10/2016, nhà sáng lập Đào Chi Anh tiết lộ trên trang cá nhân cô không còn đảm nhiệm chức vụ CEO của công ty này. Một thời gian sau, các cửa hàng của The KAfe cũng đóng cửa.
Ngoài Món Huế và The KAfe, nhiều chuỗi F&B tại Việt Nam cũng phải dừng bước trước sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường. Năm 2017, lần lượt Gloria Jean's Coffees – thương hiệu cà phê Australia và sau đó là Saigon Café phải đóng hàng loạt cửa hàng.
Giữa tháng 8 năm nay, chuỗi 23 cửa hàng trà sữa Ten Ren do The Coffee House mua nhượng quyền chính thức nói lời chia tay sau gần 2 năm hoạt động vì kết quả kinh doanh không được như kỳ vọng.
Theo chuyên gia tư vấn chiến lược, marketing và thương hiệu Đoàn Đình Hoàng, trước đây việc ăn uống của người dân thường diễn ra tại nhà, nhưng hiện nay nhu cầu ăn uống ở các nhà hàng bên ngoài tăng mạnh, tạo điều kiện cho ngành F&B phát triển.
Tuy nhiên, ông Hoàng cho rằng ngành ẩm thực của Việt Nam rất đa dạng, ngay cả khi các chuỗi chưa xuất hiện đã có nhiều nhà hàng nhỏ, lẻ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. “Vì vậy, khi mở chuỗi, các công ty cần chỉ ra cho khách hàng mình có điều gì đặc biệt hơn”, ông Hoàng nhấn mạnh.
Nói về trường hợp của Món Huế và The KAfe, chuyên gia này cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến thất bại chính là vấn đề dòng tiền.
“Họ có ý tưởng kinh doanh, mở nhà hàng, sau đó được bơm vốn và nhanh chóng mở rộng. Nhưng cứ mỗi cửa hàng mở thêm lại cần một nguồn tiền để tồn tại. Mở càng nhiều thì lượng tiền cần lại càng lớn trong khi khả năng chuyển hóa thành dòng tiền dương không tốt. Khi không gọi được vốn nữa thì các chuỗi này không có tiền để tiếp tục duy trì”, ông Hoàng nêu quan điểm.
Chuyên gia này đánh giá, dù cùng sở hữu chuỗi nhà hàng với nhiều thương hiệu nhưng Golden Gate và Redsun có chiến lược tốt hơn so với Huy Việt Nam.
“Hai chuỗi này nắm bắt xu hướng của người Việt Nam khá tốt, với dịch vu đa dạng từ món Thái đến món Lào, món Hàn Quốc… Họ thường thu về một khu vực để làm truyền thông, kiểm soát, marketing tốt hơn”, ông nói.
Cũng theo chuyên gia Đoàn Đình Hoàng, việc kinh doanh theo chuỗi các món ăn nổi tiếng của Việt Nam là một bài toán không đơn giản vì khó tạo được sự khác biệt.
“Người dùng chấp nhận những sản phẩm du nhập như KFC, Lotteria... Tuy nhiên nếu muốn ăn cơm tấm, khách hàng có nhiều lựa chọn hơn là đến một chuỗi F&B nào đó”, ông nói.
Không phải vị trí đắc địa, không gian đẹp là sẽ thành công
Theo Nguyễn Hà Linh - đồng sáng lập chuỗi nhà hàng tráng miệng Thái Koh Samui; đồng sáng lập và CEO chuỗi nhà hàng Thái Koh Yam - trong kinh doanh chuỗi F&B, duy trì chất lượng ổn định và sự khác biệt của sản phẩm là yếu tố tiên quyết.
“Nhiều người nghĩ chỉ cần nhà hàng đẹp, không gian lạ để mọi người đến “check-in” là sẽ thành công, nhưng sản phẩm cốt lõi vẫn là đồ ăn và uống, nếu không có sản phẩm và menu (thực đơn) tốt, các chuỗi rất khó để cạnh tranh”, Hà Linh chia sẻ với Người Đồng Hành.
Là một người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực F&B, CEO Koh Yam cho rằng trước khi xác định kinh doanh theo chuỗi, doanh nghiệp cần có một nhà hàng hoạt động tốt và duy trì điều này trong một khoảng thời gian.
“Khoảng thời gian này có thể là 2 năm, một năm hoặc ngắn hơn tùy thuộc vào năng lực của nhà đầu tư trong việc hoàn thiện sản phẩm, hoàn thiện quy trình của nhà hàng”, cô nói.
Hà Linh chia sẻ, khi mở chuỗi nhà hàng Thái Koh Yam, cô cũng cần 2 năm “test” menu để thực đơn có thể nhân rộng nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Theo nữ doanh nhân này, khi mở rộng kinh doanh, ngoài chất lượng sản phẩm phải ổn định, bài toán vận hành và đào tạo nhân sự cũng là những vấn đề rất quan trọng.
“Có nhiều bên phát triển nhanh và nóng bởi câu chuyện gọi quỹ đầu tư. Người trực tiếp vận hành là người hiểu rõ nhân viên và sự phát triển của cửa hàng. Tuy nhiên, khi gọi vốn vì áp lực của quỹ, áp lực của việc giải ngân và nâng điểm, quyền kiểm soát trong việc công ty đã sẵn sàng mở rộng hay chưa lại có thể không còn nằm trong tay họ”, Hà Linh nói.
Theo CEO Koh Yam, để phục vụ cho mục đích của nhà đầu tư, sẽ xảy ra câu chuyện “con gà quả trứng”, về lâu dài sẽ chỉ đạt được số lượng, còn chất lượng chưa đảm bảo.
Nói về sự khắc nghiệt trên thị trường F&B, Hà Linh cho rằng khi đã kinh doanh thì bất kỳ ngành nào, phân khúc nào cũng có tồn tại sự cạnh tranh. Tuy nhiên điều quan trọng là lựa chọn đúng khách hàng mục tiêu, tạo ra được sản phẩm chất lượng và có chiến lược kinh doanh phù hợp.