Đơn chồng đơn, thủ tục chồng thủ tục, giấy chồng giấy nhưng con người thì chỉ có một thông tin duy nhất về tên họ, ngày tháng, năm sinh từ khi sinh ra cho đến khi chết đi.
Tháng trước chính quyền nơi tôi sinh sống tổ chức rà soát lại thông tin trong sổ hộ khẩu. Công việc này được thông báo trên loa phát thanh nhiều ngày liền. Nhiều nhân viên hành chính lật dở từng trang, huy động lực lượng lục tìm hồ sơ từng hộ gia đình để đối chiếu.
Chỉ cần sai một chút xíu thông tin như ngày, tháng, năm sinh, cá nhân phải viết lại tờ khai điều chỉnh, sau đó photo tất cả giấy tờ kèm theo kẹp thành hồ sơ nộp cho chính quyền.
Công việc này kéo dài cả tuần liền, khổ nhất là các cụ già mắt mờ chân chậm loay hoay mãi vẫn không thể chỉnh xong mẫu thông tin nhỏ xíu bị sai lệch, nhiều trường hợp giấy chứng minh không có “ngày sinh” buộc phải làm tiếp một lá đơn xin điều chỉnh!
Đơn chồng đơn, thủ tục chồng thủ tục, giấy chồng giấy nhưng con người thì chỉ có một thông tin duy nhất về tên họ, ngày tháng, năm sinh từ khi sinh ra cho đến khi chết đi. Nhiều người bỏ công việc, đi làm xa phải trở về điều chỉnh vì sợ “thiệt thòi về quyền lợi”- câu nói luôn được thòng ra sau cùng trong mỗi lần thông báo.
Ngoài tốn kém thời gian, tiền bạc cho người dân, nhà nước cũng mất thời lượng và chi phí cho việc này. Vậy tại sao không bỏ sổ hộ khẩu? Thay vì lục tìm thủ công hàng đống hồ sơ, chỉ cần một nhân viên tác nghiệp trên phần mềm “edit” tất cả những thông tinh sai lệch và “save” là xong!
Có thể bạn quan tâm
04:00, 22/10/2018
05:42, 14/04/2018
07:36, 06/11/2017
00:55, 06/11/2017
Thử mường tượng ra viễn cảnh, một ngày nào đó bạn đến cơ quan hành chính giải quyết thủ tục mà không cần mang theo bất cứ thứ gì để chứng minh nhân thân. Đó không phải là một phân cảnh trong phim khoa học giả tưởng.
Mà hoàn toàn có thể nếu mỗi công dân được cấp mã định danh bằng một dãy số, trong đó tích hợp tất cả những gì liên quan đến cá nhân, được quản lý bởi phần mềm dựa trên nền tảng công nghệ thông tin phổ biến như hiện nay.
Có thể tiết kiệm được gì? Rất nhiều thứ, đầu tiên là không phải lỉnh kỉnh cất giữ và mang theo rất nhiều loại giấy tờ tùy thân. Điều gì xảy ra nếu không may chúng ta đánh mất nó?
Thứ nhất, hầu như bị mất quyền công dân, được xem là “người lậu”, hầu hết miễn nhiễm với các quyền phúc lợi khi không có tấm giấy chứng minh nhân dân hay một cái tên trong sổ hộ khẩu.
Thứ hai, nhọc nhằn “gõ cửa” các cơ quan hành chính… xin cấp lại, mặc dù hồ sơ gốc chất đầy trong ngăn tủ nhưng khổ chủ vẫn phải làm đơn “xin”. Tóm lại xin cấp lại giấy tờ tùy thân là một quá trình “gian khổ” không ai muốn vướng vào.
Thật ra, có quá khó để chứng minh nhân thân nếu không may mất giấy tờ, là người dân thường thông tin cơ bản là giấy khai sinh được lưu ở UBND xã, hơn một chút là cán bộ công chức, đảng viên có hồ sơ lý lịch lưu nhiều nơi.
Người ta tính toán, riêng bỏ sổ hộ khẩu sẽ tiết kiệm 1.600 tỷ mỗi năm, tương đương cái nhà hát TP HCM sắp xây. Nhưng đó chỉ là con số lượng hóa trực tiếp từ chi phí cho dịch vụ hành chính như đơn, tờ khai…
Các loại chi phí khác liên quan đến sổ hộ khẩu như thời gian, cơ hội và cả niềm tin hao hụt khi bị “hành” là “chính”, là bao nhiêu?
Để quản lý hàng chục triệu sổ hộ khẩu người dân tốn không ít tiền thuế để nuôi đội ngũ công chức đông đảo đến hàng trăm ngàn người. Tính riêng mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất 2 công chức trực tiếp quản lý hộ khẩu, hộ tịch. Cả nước hiện có 11.162 đơn vị cấp xã.
Tức là có 22.324 công chức hưởng lương để quản lý tư pháp, hộ khẩu, hộ tịch, bình quân lương 5 triệu đồng/người/tháng. Con số phải chi là hơn 111 tỷ đồng mỗi tháng. Nếu cắt giảm còn 1 người, hoặc kiêm nhiệm sẽ tiết kiện được gần gần 60 tỷ mỗi tháng!
Đó là chưa kể đội ngũ quản lý, giải quyết thủ tục liên quan đến hộ khẩu hộ tịch ở cấp huyện, tỉnh và Trung ương, chắc chắn chi phí còn lớn hơn nhiều vì không chỉ là tiền lương!
Bỏ sổ hộ khẩu chuyển sang hình thức quản lý bằng mã số định danh là cấp thiết, có thể cắt giảm biên chế, vừa hiện đại hóa quản lý hành chính.