Luật sư Kiều Anh Vũ, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Nghị quyết 112/NQ-CP quy định bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân cư là bước ngoặt mới trong quá trình quản lý cư dân của nhà nước.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết 112/NQ-CP của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an. Xung quanh vấn đề này, Diễn đàn Doanh nghiệp có cuộc trò chuyện với Luật sư Kiều Anh Vũ, Đoàn Luật sư TP HCM.
Có thể bạn quan tâm
07:36, 06/11/2017
00:55, 06/11/2017
18:59, 04/11/2017
05:15, 30/10/2017
07:50, 28/10/2017
- Ông "nghĩ" gì về sổ hộ khẩu?
Sổ hộ khẩu là loại giấy tờ được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký thường trú và có giá trị xác định nơi thường trú của công dân.
Sổ hộ khẩu là một công cụ quản lý nhà nước đối với việc di chuyển, sinh sống của công dân. Việc quản lý dân cư bằng hộ khẩu cũng đã có lịch sử khá lâu đời, từ thập niên 50-60 của thế kỷ trước. Có thể kể đến là Nghị định 104/CP ngày 27/6/1964 của Hội đồng chính phủ, ban hành Điều lệ đăng ký và quản lý hộ khẩu.
Trước đây, Nhà nước quản lý dân cư theo sổ hộ khẩu để có cơ sở xác định nhân khẩu để áp dụng các chế độ liên quan, chẳng hạn như cấp phát lương thực, phân chia ruộng đất… Tuy nhiên, sổ hộ khẩu cũng đã gây ra nhiều phiền hà cho người dân, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong nhiều trường hợp. Bởi lẽ rất nhiều các thủ tục, hồ sơ, giấy tờ yêu cầu phải có sổ hộ khẩu, từ việc cho con cái đi học trường công đến việc mua nhà, đăng ký xe, xin việc...
Thậm chí có trường hợp “tréo ngoe” là muốn có hộ khẩu thì phải có nhà, muốn mua nhà thì phải có hộ khẩu! Có thể nói, sổ hộ khẩu từ chỗ là một loại giấy tờ để quản lý cư trú thì ngày càng bị lạm dụng và hành chính hóa, trở thành một trong những điều kiện bắt buộc trong việc giải quyết các thủ tục hành chính. Trong nhiều trường hợp, sổ hộ khẩu cũng là căn nguyên của phiền hà và tiêu cực. Trong thực tế, có rất nhiều chuyện phải “chạy” thì có cả “chạy sổ hộ khẩu”.
Với sự phát triển hiện nay của công nghệ thông tin; với những bất cập, phiền hà mà sổ hộ khẩu gây ra cho người dân, vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 112/NQ-CP, bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng sổ hộ khẩu. Như vậy, sổ họ khẩu cũng đã đến hồi “khai tử” và thể hiện được quyết tâm xây dựng Chính phủ “kiến tạo và phục vụ”, thể hiện quyết liệt tinh thần cải cách hành chính. Đồng thời, đây cũng chính là bước ngoặt trong quản lý cư dân, thể hiện quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo của Chính phủ.
- Khi bỏ sổ hộ khẩu thì nhà nước sẽ quản lí dân cư theo cách nào thưa ông?
Bỏ sổ hộ khẩu không có nghĩa là Nhà nước sẽ buông lỏng công tác dân cư vì đảm bảo an ninh, trật tự chung của địa phương. Như Nghị quyết 112/NQ-CP ngày 30/10/2017 của Chính phủ cũng đã đề cập, sau khi bỏ sổ hộ khẩu thì nhà nước sẽ quản lý dân cư bằng mã số định danh cá nhân, cũng chính là mã số Căn cước công dân theo quy định Luật Căn cước công dân 2014. Mỗi cá nhân sẽ có một mã số định danh, được cấp khi sinh ra, ghi nhận thông tin như Họ tên, năm sinh, giới tính, nơi đăng ký khai sinh, quê quán, dân tộc, quốc tịch, tình trạng hôn nhân, nơi đăng ký thường trú, chỗ ở hiện tại, mã số thuế cá nhân, số định danh cá nhân...
Được biết, Bộ Công an đang xây dựng hệ thống dữ liệu chuẩn hóa, số hóa và lưu trữ quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin dùng chung cho các bộ, ngành, địa phương để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Khi có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, công dân khi đến các cơ quan nhà nước để giải quyết thủ tục hành chính chỉ cần đưa ra 3 thông tin cơ bản, gồm: họ tên, mã số định danh và chỗ ở. Trong đó, mã số định danh được coi là chìa khóa để các cơ quan nhà nước tra cứu trong cơ sở dữ liệu quốc gia nhằm lấy ra các thông tin về công dân phục vụ mục đích giải quyết thủ tục hành chính. Theo lộ trình, đầu năm 2020, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ hoàn thiện, đưa vào vận hành khai thác.
- Nhưng nhiều luồng ý kiến tỏ ra lo ngại rằng, nếu bỏ sổ hộ khẩu thì sẽ rất khó cho công tác quản lý, dân cư sẽ tự do di chuyển về thành phố mà không thể kiểm soát được?
Tôi cho rằng việc bỏ sổ hộ khẩu sẽ không gây khó khăn cho công tác quản lý dân cư, mà ngược lại, còn có thể thuận tiện, dễ dàng hơn. Qua tìm hiểu, có thể thấy rất ít các quốc gia trên thế giới quản lý bằng sổ hộ khẩu nhưng đâu có nghĩa là họ quản lý dân cư không hiệu quả?! Thực chất, việc bỏ sổ hộ khẩu thì công tác quản lý dân cư vẫn diễn ra bình thường, nhưng thay vì quản lý qua sổ hộ khẩu thì sẽ quản ký bằng mã số định danh cá nhân và cơ sở dữ liệu. Việc quản lý banhgừ cơ sở dữ liệu như vậy sẽ rất thuận lợi trong việc truy cập, tra cứu, xử lý, giải quyết thủ tục hành chính; các cơ quan, cán bộ đều có thể kiểm tra được.
Khi công dân có nhu cầu di chuyển về nơi khác thì vẫn phải đăng ký tạm trú, tạm vắng cho cơ quan có thẩm quyền quản lý biết để kiểm soát nhưng hình thức đăng ký sẽ thông qua mã số định danh cá nhân, giảm tối đa việc sao chụp giấy tờ liên quan đến cá nhân, giảm thiểu thủ tục hành chính và kinh phí khi thực hiện nên sẽ nhanh chóng, thuận lợi và tiết kiệm hơn cho người dân. Công tác quản lý dân cư, kiểm soát an ninh, trận tự và an toàn xã hội vẫn được đảm bảo.
- Việc bỏ sổ hộ sẽ có tác động như thế nào thưa ông?
Việc bỏ sổ hộ khẩu có thể xem là “bước ngoặt” trong công cuộc cải cách hành chính, tinh giản thủ tục hành chính của Nhà nước, có lợi cho nhân dân và Nhà nước. Thậm chí đã có các ý kiến cho rằng Nghị quyết 112 của Chính phủ là một Nghị quyết có tính lịch sử khi xóa bỏ sổ hộ khẩu.
Ngay trong Nghị quyết 112 cũng đã thể hiện rõ sự tác động tích cực của việc bỏ sổ hộ khẩu đối với các thủ tục hành chính: nhiều thủ tục hành chính được cắt giảm, hàng loạt các thủ tục hành chính đã bị bãi bỏ, không cần xuất trình sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân trong nhiều trường hợp… Vì đã bỏ sổ hội khẩu nên đương nhiên không còn các thủ tục “xin cấp sổ hộ khẩu”, “chạy KT3”, “chạy sổ hộ khẩu”; bãi bỏ cac thủ tục tách sổ hộ khẩu, cấp đổi sổ hộ khẩu, cấp lại sổ hộ khẩu, điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu,….
Đối với cơ quan hành chính Nhà nước, bỏ sổ hộ khẩu giúp cho cơ quan có thẩm quyền có thể quản lý xuyên suốt cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh và trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam; bãi bỏ các thủ tục liên quan đến sổ hộ khẩu, rút gọn thời gian xử lý, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý dân cư. Ngoài ra, khi có thay đổi hay sai sót thông tin thì thủ tục chỉnh sửa, bổ sung cũng dễ dàng hơn, tránh tình trạng sách nhiễu công dân.
Về phía người dân, họ sẽ rút ngắn thời gian, kinh phí thực hiện thủ tục, không còn bị gây khó khăn, kéo dài thời gian thực hiện thủ tục hành chính. Bỏ sổ hộ khẩu, người dân chỉ cần cung cấp mã số định danh cá nhân, không còn tình trạng phải mang quá nhiều giấy tờ theo bên người hoặc gặp khó khăn, thất lạc giấy tờ trong việc thực hiện các thủ tục hành chính. Do đó, xóa bỏ việc xuất trình sổ hộ khẩu trong các giao dịch và thủ tục hành chính sẽ tạo điều kiện thuận lợi rất nhiều cho người dẫn trong các giao dịch, đồng thời cắt giảm được các thủ tục hành chính liên quan.
Tuy nhiên, việc loại bỏ sổ hộ khẩu và thay thế bằng mã số định danh cá nhân cần thực hiện theo lộ trình hợp lý chứ chưa thể thực hiện ngay được do cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa đạt mức hoàn thiện nhất định, không phải người dân nào cũng đã được cấp mã số định danh cá nhân. Do đó, vẫn phải thực hiện quản lý như cũ đồng thời với việc hoàn thiện dần dần phương hướng quản lý mới. Dù vậy, càng sớm bỏ sổ hộ khẩu, càng sớm hiện thực hóa Nghị quyết 112 của Chính phủ thì càng có lợi cho người dân và người dân sẽ rất ủng hộ việc này.
-Xin cảm ơn ông!