Các tổ chức tài chính hiến kế gì để nâng hạng thị trường chứng khoán?

LÊ MỸ 29/02/2024 03:20

Thủ tướng Chính phủ khẳng định năm 2024 phải là năm tăng tốc và năm 2025 phải là năm bứt phá của thị trường chứng khoán Việt Nam.

>>> Phát triển TTCK bền vững: 2024 là năm tạo dựng cơ sở cho trung, dài hạn

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2024 do Thủ tướng Chính phủ chủ trì ngày 28/2, Thủ tướng đã giao Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến của các đại biểu; sớm hoàn thiện để trình ban hành văn bản phù hợp sau Hội nghị. 

6 định hướng phát triển TTCK

Về phương hướng phát triển TTCK, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030 và Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 có nhiều nội dung,Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh 6 điểm:

Thủ tướng chỉ đạo, giao nhiệm vụ giải quyết các điểm còn vướng mắc để nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Thủ tướng chỉ đạo, giao nhiệm vụ giải quyết các điểm còn vướng mắc để nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Thứ nhất, Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Thứ hai, chính sách phải nhất quán, phản ứng chính sách phải kịp thời, chính sách phải phù hợp và theo kịp thực tiễn.

Thứ ba, quản lý nhà nước phải công khai, minh bạch, đúng quy luật thị trường.

Thứ tư, Chính phủ, các cơ quan chức năng luôn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các chủ thể liên quan; luôn chia sẻ khó khăn và đặt mình vào vị trí nhà đầu tư, nhà phát hành để thiết kế chính sách, xây dựng một Chính phủ thực sự kiến tạo phát triển.

Thứ năm, Chính phủ quyết tâm nâng hạng TTCK, tập trung phát triển theo xu hướng kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, phát triển nhanh và bền vững.

Thứ sáu, liên hệ chặt chẽ giữa Nhà nước, nhà đầu tư và xã hội để thực hiện các chức năng cung cấp vốn; phát triển mạnh hạ tầng và hệ sinh thái TTCK.

>>>Điều kiện để nâng hạng thị trường chứng khoán mới nổi trước 2025

"Phát triển TTCK công khai, minh bạch, an toàn, toàn diện, bao trùm, lành mạnh, hội nhập, bền vững, hiệu quả; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các chủ thể liên quan. Từ thị trường sơ khai, TTCK Việt Nam đang ở mức thị trường cận biên và tới năm 2025 đặt mục tiêu trở thành thị trường mới nổi, góp phần thực hiện mục tiêu thu hút khoảng 25 tỷ USD đầu tư gián tiếp nước ngoài mỗi năm, tương đương đầu tư trực tiếp" -  Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại Hội nghị.  

Về định hướng phát triển TTCK bền vững, trong đó có quyết tâm nâng hạng TTCK từ cận biên lên mới nổi, tại Hội nghị, lãnh đạo của các định chế tài chính lớn trên thị trường cũng đã có nhiều chia sẻ, kiến nghị đáng chú ý.

NHNN: 3 kiến nghị đến UBCKNN và Bộ Tài Chính

Theo ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện nay, TTCK Việt Nam đang được 2 tổ chức xếp hạng thị trường là MSCI và FTSE Russell xếp vào Nhóm 3 - thị trường cận biên. Trong đó, FTSE Russell hiện đang đưa Việt Nam vào danh sách nhóm chờ nâng hạng lên Nhóm 2 - thị trường mới nổi. Sự phát triển của TTCK có vai trò, ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế và của các doanh nghiệp. Đối với hệ thống TCTD, TTCK phát triển hỗ trợ các TCTD phát hành cổ phiếu, trái phiếu để tăng vốn nhằm tạo thêm nguồn vốn dài hạn đáp ứng nhu cầu vay vốn của các khách hàng cá nhân và tổ chức, bảo đảm các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định của NHNN.

"NHNN luôn quan tâm, tích cực phối hợp với Bộ Tài chính trong việc tìm giải pháp phục vụ công tác nâng hạng TTCK. NHNN đã phối hợp làm việc với 2 tổ chức xếp hạng trên để giải đáp các câu hỏi, vướng mắc của nhà đầu tư liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, từng bước phát triển thị trường ngoại tệ, hỗ trợ thanh khoản ngoại tệ khi cần thiết để phục vụ nhu cầu ngày càng lớn của nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài", ông Hà cho biết.

Bên cạnh các định hướng chính sách tiền tệ thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ,  đại diện NHNN cũng cho rằng trong bối cảnh nhu cầu vốn trung, dài hạn của nền kinh tế lớn và chủ yếu dựa vào hệ thống ngân hàng, tín dụng trung dài hạn chiếm tỷ trọng khá lớn đã và đang tạo sức ép và rủi ro cho hệ thống TCTD khi nguồn vốn chủ yếu là ngắn hạn.

Theo đó, để phát triển đồng bộ, minh bạch và bền vững thị trường tài chính, phát triển TTCK ổn định, hoạt động an toàn, hiệu quả, có cơ cấu hợp lý, cân đối, bổ trợ tích cực giữa thị trường tiền tệ với thị trường vốn, NHNN kiến nghị Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước: 1) Tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện khung pháp lý về TTCK nói chung, thị trường trái phiếu nói riêng, tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD phát hành cổ phiếu, trái phiếu trên thị trường; đồng thời phối hợp với các bộ ngành có liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp cho TTCK phát triển. 2) Tiếp tục đa dạng hoá các nhà đầu tư tham gia thị trường, khuyến khích các quỹ, công ty bảo hiểm, nhà đầu tư nước ngoài... tham gia sâu và rộng hơn vào thị trường. 3) Bộ Tài chính tiếp tục thông tin chặt chẽ với NHNN để tăng cường phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.

BIDV: Khuyến khích phát triển thị trường trái phiếu xanh

Chia sẻ kinh nghiệm về phát hành trái phiếu xanh trên thị trường vốn, ông Lê Ngọc Lâm - TGĐ Ngân hàng TMCP Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) kiến nghị một số nội dung nhằm khuyến khích phát triển thị trường này, thông qua đó thu hút nguồn vốn đầu tư cho Việt Nam.

Theo lãnh đạo BIDV, trong quá trình triển khai, chúng tôi cũng nhận thấy hiện chưa có các cơ chế, chính sách tạo động lực rõ nét cho doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư trái phiếu xanh.

Theo lãnh đạo BIDV, trong quá trình triển khai, chúng tôi cũng nhận thấy hiện chưa có các cơ chế, chính sách tạo động lực rõ nét cho doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư trái phiếu xanh. (Ảnh minh họa)

Thứ nhất, hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý liên quan đến trái phiếu xanh bao gồm: (i) Quy định phân loại và xác nhận dự án xanh quốc gia để áp dụng các chính sách khuyến khích cần xem xét sự tương đồng giữa các tiêu chí xanh của Việt Nam và các tiêu chuẩn quốc tế. Điều này giúp thuận tiện cho doanh nghiệp trong việc triển khai dự án, thu hút đầu tư trong và ngoài nước theo cùng hệ quy chuẩn.

Năm 2023, BIDV đã phát hành 2.500 tỷ đồng trái phiếu theo chuẩn trái phiếu xanh của Hiệp hội Thị trường vốn Quốc tế (ICMA), là ngân hàng đầu tiên phát hành trái phiếu xanh theo tiêu chuẩn quốc tế tại thị trường trong nước.

Ngoài ra, xem xét quy định các tiêu chí xanh bao gồm các cấp độ tương ứng với các mức độ ưu đãi về chính sách khác nhau. Khi đó, doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh có thể tiếp cận dần với các chính sách ưu đãi cũng như tạo lập được các mục tiêu/động lực để đạt tới sự tăng trưởng bền vững; đồng thời (ii) Ban hành các hướng dẫn cho hoạt động phát hành và báo cáo sau phát hành trái phiếu xanh, trong đó xem xét đến các quy định đặc thù giữa hoạt động của TCTD và tổ chức kinh tế.

Thứ hai, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi xanh và phát hành trái phiếu xanh thông qua việc (i) tiếp tục nghiên cứu, mở rộng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh như hỗ trợ chi phí phát hành, ưu đãi thuế…; (ii) đẩy mạnh việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực về môi trường; Thúc đẩy công tác tuyên truyền, khuyến khích doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh.

Thứ ba, khuyến khích nhà đầu tư tham gia đầu tư trái phiếu xanh: (i) xem xét ban hành các chính sách ưu đãi đủ lớn để khuyến khích nhà đầu tư mua trái phiếu (ví dụ ưu đãi về hạn mức tín dụng, thuế đánh trên lợi suất đầu tư…); (ii) nâng cao nhận thức về trách nhiệm của nhà đầu tư đối với phát triển bền vững, cộng đồng và xã hội.

MB: Nâng chất hàng hóa và tăng cường số hóa

Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Quân đội (MB) nhận định TTCK hiện có 4 vấn đề lớn, trên cơ sở đó, MB cũng nêu khuyến nghị:

Thứ nhất, tăng khả năng tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp tốt trên thị trường bằng cách phân loại và xếp hạng độc lập các doanh nghiệp niêm yết theo các tiêu chí ngành, hiệu quả hoạt động, để tăng sức mạnh thương hiệu, thị phần trong ngành, minh bạch thông tin, thúc đẩy các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp tiềm năng tham gia TTCK. Áp dụng các chuẩn mực quốc tế và thông lệ quốc tế như các nguyên tắc quản trị công ty tốt nhất của OECD cho các doanh nghiệp niêm yết để giúp các doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn thông qua thị trường tốt hơn. Như báo cáo của UBCK Nhà nước, năm qua số lượng giá trị tăng mới của giá trị niêm yết khoảng 56 nghìn tỷ. Số lượng này còn khá khiêm tốn so với tiềm năng, nhu cầu của doanh nghiệp.

Thứ hai, kiến nghị tiến tới nâng hạng thị trường. Một số vấn đề chính như sau: Nội lực của chúng ta quan trọng, do đó chất lượng hàng hóa trong thị trường là quan trọng. Khi chất lượng thị trường tốt, giá trị cao thì nhà đầu tư nước ngoài đến đây để tìm kiếm lợi nhuận, tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Việt Nam. Do đó, chất lượng thị trường và quan trọng hơn là kiện toàn Trung tâm thanh toán bù trừ (CCP) - điểm mấu chốt khi cả FTSE và MSCI đều coi đây là nút thắt trong việc nâng hạng thị trường. Hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan đến sở hữu nước ngoài.

Thứ ba là tăng cường ứng dụng về công nghệ và chuyển đổi số trong quản lý và giám sát. Nghiên cứu các hệ thống triển khai giám sát tự động, kết nối với hệ thống dữ liệu và các cơ quan như thuế, cơ quan giám sát của ngân hàng và giám sát tài chính quốc gia, tăng khả năng giám sát và chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp trên thị trường.

Thứ tư, cung cấp hệ thống công nghệ và dữ liệu để tăng khả năng số hóa, tiếp cận để nhà đầu tư và công chúng xử lý thời gian phát hành, thời gian đầu tư được tiết kiệm thời gian hơn.

HSC: Gắn với định hướng lập Trung tâm Tài chính quốc tế

Đại diện cho tiếng nói từ khối Công ty chứng khoán, ông Johan Nyvene - Chủ tịch HĐQT CTCK TP. Hồ Chí Minh (HSC) nhận định, TTCK Việt Nam đã đạt được phần lớn các tiêu chí của MSCI và FTSE đề ra cho việc nâng hạng thị trường.  Tuy nhiên, trong số các tiêu chí đó, có ba điều kiện quan trọng mà thị trường chứng khoán Việt Nam còn cần đạt được, đó là: 1) Mở rộng, không hạn chế tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài vào các công ty Việt Nam; 2) Điều chỉnh hoặc gỡ bỏ yêu cầu ký quỹ trước giao dịch, nhất là đối với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài và 3) Cải thiện và tăng cường việc công bố thông tin bằng tiếng Anh, từ các cơ quan chức năng và các công ty niêm yết cũng như các thành viên thị trường.

Theo các định chế tài chính, nâng hạng TTCK gắn với định hướng thành lập Trung tâm tài chính quốc tế là cơ hội vàng cho Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Theo các tổ chức tài chính, nâng hạng TTCK gắn với định hướng thành lập Trung tâm tài chính quốc tế là cơ hội vàng cho Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Đối với tiêu chí thứ nhất, Lãnh đạo HSC cho rằng sự chủ động mở rộng tỷ lệ sở hữu nước ngoài đã nằm trong tay phần lớn các doanh nghiệp niêm yết. Việc các doanh nghiệp niêm yết có thể thực hiện thêm là chủ động rà soát ngành nghề và điều chỉnh lại đăng ký kinh doanh để đề xuất nới giới hạn sở hữu nước ngoài.  Việc thị trường chứng khoán Việt Nam chưa được nâng cấp lên thị trường mới nổi không phải do các yếu tố về quy mô và thanh khoản, mà chủ yếu do các yếu tố liên quan đến khả năng tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài. 

Với tiêu chí 2, theo ông Johan Nyvene, trong thời gian gần đây các công ty chứng khoán hàng đầu trong đó có HSC, cùng với các ngân hăng lưu ký nước ngoài, đã khẩn trương hợp tác tìm hiểu và kiến nghị các cơ quan chức năng để đưa ra các phương pháp cụ thể nhằm hạn chế tối đa các yếu tố rủi ro trong việc gỡ bỏ yêu cầu ký quỹ trước giao dịch, nhằm tạo điều kiện đầu tư và thanh toán thuận tiện tối đa cho các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.  "Việc phối hợp chặt chẽ và thống nhất giữa các định chế tài chính trung gian trong việc quản lý, hỗ trợ, và điều tiết các tài khoản lưu ký, tài khoản đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài, cùng với việc UBCKNN cùng với các cơ quan chức năng khác quy định hóa, pháp lý hóa các phương án quản lý rủi ro đi kèm với sự giám sát chặt chẽ, chúng tôi tại Công ty Chứng khoán HSC tin tưởng là thị trường chúng ta sẽ sớm vượt qua được và tháo gỡ rào cản này đối với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài", ông khẳng định.

Đồng thời, ông cho biết các CTCK đều đáp ứng được các kịch bản kiểm thử của hệ thống KRX, kỳ vọng hệ thống sớm kích hoạt. 

Theo nghiên cứu và ước tính từ World Bank, việc nâng cấp thành thị trường mới nổi có thể mang đến thêm 10 tỷ USD đầu tư gián tiếp mới cho Việt Nam

Với tiêu chí 3, theo HSC, phải truyền thông tốt cho các doanh nghiệp niêm yết để họ hiểu lợi ích của việc công bố thông tin bằng tiếng Anh và chủ động cập nhật thông tin.  Và với quy định chặt chẽ hơn và sự giám sát từ UBCKN và các sở giao dịch, việc công bố thông tin bằng tiếng Anh đầy đủ hơn chắc chắn là một tiêu chí có tính khả thi cao.

Ngoài ra, Chủ tịch HSC cũng đề cập đến một số tiêu chí mà TTCK có định hướng khắc phục, cải thiện thêm để tiếp tục thăng tiến trở thành một thị trường cao cấp hơn trong mắt các nhà đầu tư, như tính thanh khoản, tính minh bạch và chuẩn mực quản trị doanh nghiệp, sự phát triển của hạ tầng và các dịch vụ tài chính đi kèm cùng tăng cường đào tạo và tăng cường ý thức đầu tư, nhất là đối với các nhà đầu tư cá nhân. 

"Với việc thị trường vốn được nâng hạng, các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận với dòng vốn đầu tư nước ngoài tiềm năng. TTCK Việt Nam sẽ tăng tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và đón nhận dòng vốn lớn từ các quỹ đầu tư trên thế giới.  Dòng vốn đầu tư nước ngoài thông qua các quỹ mở, các quỹ đầu tư chỉ số (ETF) tham chiếu theo các bộ chỉ số của MSCI và FTSE được kỳ vọng sẽ tìm đến TTCK Việt Nam với quy mô lớn.  Bên cạnh đó, việc nâng hạng thị trường chứng khoán còn gắn với câu chuyện Việt Nam đang định hướng thành lập một Trung tâm tài chính quốc tế.  Rõ ràng đây là một phần lớn trong chiến lược phát triển quốc gia của Việt Nam", Lãnh đạo tổ chức tham gia tạo lập TTCK kỳ vọng.

Quan điểm của ông Johan Nyvene cũng tương đồng với khẳng định của Dominic Scriven, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần quản lý Quỹ đầu tư Dragon Capital Việt Nam - đơn vị quản lý quỹ đầu tư gắn bó lâu năm với TTCK Việt Nam. 

Bên cạnh kiến nghị về việc không ngừng phát triển hạ tầng, nền tảng, hệ sinh thái của thị trường vốn, ông Dominic Scriven đề cập về "kiểm soát vấn đề biến động là không ngừng củng cố niềm tin trên TTCK, đặc biệt là niềm tin của các nhà đầu tư". Cùng với đó là yếu tố cụ thể hóa - nâng hạng TTCK, mà theo ông là "mong sớm ra đời đối sách bù trừ trung tâm của Việt Nam (CCP)".

Cuối cùng, lãnh đạo quỹ kiến nghị về "nghiên cứu, thúc đẩy phát triển Trung tâm tài chính của Việt Nam". "Đây là cơ hội bằng vàng đối với Việt Nam", Chủ tịch Dragon Capital nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • 4 nhiệm vụ phải làm năm 2024 để nâng hạng thị trường chứng khoán

    4 nhiệm vụ phải làm năm 2024 để nâng hạng thị trường chứng khoán

    04:18, 02/02/2024

  • Hệ thống KRX sẽ rút ngắn thời gian nâng hạng thị trường chứng khoán?

    Hệ thống KRX sẽ rút ngắn thời gian nâng hạng thị trường chứng khoán?

    15:07, 14/01/2024

  • Nâng hạng thị trường chứng khoán đến năm 2025: Mục tiêu và giải pháp

    Nâng hạng thị trường chứng khoán đến năm 2025: Mục tiêu và giải pháp

    12:00, 31/12/2023

  • UBCKNN: Tìm kiếm các giải pháp để sớm nâng hạng thị trường

    UBCKNN: Tìm kiếm các giải pháp để sớm nâng hạng thị trường

    15:42, 13/12/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Các tổ chức tài chính hiến kế gì để nâng hạng thị trường chứng khoán?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO