Mỗi dịp tết khi chạy xe dọc bờ sông Sài Gòn tôi thường đi chậm hoặc dừng lại nơi có xóm lao động nghèo gắn bó với mình thời còn đi học, ở nhà ngoại trước những năm 2000.
Kế xóm tôi ở có xóm Bến, xóm Cây Me, xóm Ao Rau Muống... Thời đó, nước sông Sài Gòn còn trong xanh, phía bên kia là Thủ Thiêm (Q.2) còn hoang sơ nghe nói rằng cũng có chủ trương giải tỏa để làm khu đô thị.
Bờ sông Sài Gòn thuở ấy là nơi tôi thường đi dạo những ngày tết để tận hưởng bầu không khí sông nước trong lành, ngắm nhìn bụi cây xanh dày đặc dọc đôi bờ, từng đàn chim bay lượn, nghe tiếng chích chòe, chim kêu ríu rít cả một khoảng trời.
Dọc đường Nguyễn Hữu Cảnh trước đây là các dãy đất trống được bao phủ hoa cỏ, mảng xanh, ít dân cư, không ùn tắc giao thông dù giờ cao điểm, không ngập nước. Hồi đó, cống rãnh chưa có mấy, nước mưa theo đất trống chảy xuống sông Sài Gòn.
Nhà ngoại tôi trong một xóm lao động nghèo, kế bên xóm Ao Rau Muống. Người dân xóm nhà ngoại tôi làm đủ thứ nghề nào công nhân, thợ máy, bốc xếp, sửa xe, lượm ve chai, bán hủ tiếu, bán vé số… Tôi chơi thân với mấy anh chị làm công nhân cầu đường thường tụ tập uống trà buổi tối, hỏi công việc, chuyện học hành.
Trong đó, có anh Tấn là lao động chính trong gia đình, làm công nhân lo cho bốn đứa con đang tuổi ăn học. Ba đứa con gái đầu học lớp 2, 4, 7. Con trai út mới 3 tuổi. Cuối năm, chỉ mới giữa tháng Chạp, anh Tấn tranh thủ về quê sum họp gia đình.
Điều bất ngờ ở xóm lao động nhà ngoại tôi có nhiều phụ nữ làm công nhân cầu đường, ngoài một người khá lớn tuổi, có 5 cô gái vừa bước sang tuổi đôi mươi lại làm các công việc lẽ ra dành cho nam giới như trộn bêtông, đẩy xe, khiêng gạch, cát, đá… Cô Thắm lúc đó đã 52 tuổi, cứ sáng trước khi đi làm, xoa kem chống nắng nhưng da vẫn đen vì cả ngày phụ hồ ở ngoài trời nơi công trường xây dựng.
Còn chị Hạnh là con cả trong gia đình, cha mất lúc chị 12 tuổi và đứa em trai chỉ mới đi chập chững, người mẹ tảo tần đi làm thuê nhưng cũng không đủ tiền lo cho 2 con ăn học, chị học đến lớp 10 thì nghỉ. Ngày tết tới nhà ngồi uống trà ăn kẹo dẻo, bánh thuẫn, mứt mè, nghe chị Hạnh nói về niềm mong ước đơn sơ với nghề công nhân chấp nhận vất vả kiếm sao cho đủ tiền nuôi em trai ăn học.
Tiệm sửa xe đạp, bơm vá của bác Năm nơi đầu hẻm là nơi xôm tụ nhất xóm, nhiều người đến chơi trò chuyện. Trong những ngày tết, bác Năm luôn dọn sẵn đĩa bánh đầy đặn để mời khách. Từ đó, những chuyện thời sự trong xóm được tiết lộ. Mới đầu năm nào là con gái cô Ba “bán vé số” bán hoa kiểng một tuần kiếm gần 10 triệu, hơn 5 tháng lương làm công nhân. Nào là dâu chú Bảy “bốc xếp” đẻ con trai tối qua, chị Chín “hủ tiếu gõ” mới bị tai nạn giao thông sáng nay, tuần tới bác Năm “ve chai” gả con lấy chồng ở Bến Tre… đã đủ thấy dù trong nghèo khó nhưng luôn có sự quan tâm tình nghĩa láng giềng với nhau. Nhà ai có hữu sự đều được thăm hỏi chia sẻ giữa những con người lao động nghèo nhưng tình cảm, thật thà, chất phác.
Đến một hôm cả xóm nhận được thông tin bị giải tỏa để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư làm dự án, công trình phục vụ cộng đồng. Thế là các căn nhà trong xóm tôi ở đều bị giải tỏa trắng, sau khi nhận được tiền đền bù, người thì về quê sinh sống, người thì đi thuê chung cư Thanh Đa, chuyển nhà lên Củ Chi, ra vùng ven Thủ Đức, Hóc Môn… Nhiều năm trôi qua vẫn có người trở lại thăm xóm cũ dịp tết.
Bây giờ mỗi ngày đi làm tôi đều lưu thông qua xóm cũ bị kẹt xe khủng khiếp, ngập nước trầm trọng, ngước mắt nhìn về xóm mình từng ở trước đây đã thay đổi hoàn toàn dày đặc cao ốc, những xóm lao động nghèo nhà tôn tạm bợ ngày xưa đã được thay thế bằng biệt thự và chung cư cao cấp. Các con đường cũng được thiết kế hiện đại, sạch đẹp, không còn đất đá lởm chởm nữa. Có công viên cây xanh, thảm cỏ, những đường dạo bộ. Tất nhiên những người đến ở phải trả nhiều tỉ đồng để sở hữu một ngôi biệt thự, căn hộ cao cấp. Được về làm thị dân dọc bờ sông Sài Gòn này là mơ ước với rất nhiều người, chỗ ở quá đắt đỏ so với những căn nhà trong xóm lao động nghèo ngày trước đã chuyển đi để bàn giao mặt bằng làm dự án.
Xóm lao động nghèo ngày xưa, giờ trở thành khu đô thị hiện đại. Ngoại tôi đã mất, không còn cơ hồi về thăm lại chốn xưa nhưng các cựu dân vẫn còn nhiều kỷ niệm không quên và nỗi niềm với sự phát triển đã thấy trên khoảnh đất nghèo năm xưa.
Năm mới tôi thường đến và dạo bộ trong công viên dọc bờ sông Sài Gòn nhớ lại ký ức ngày xưa vui buồn với xóm lao động nghèo và mơ đến lúc có những con đường để đi lại dễ dàng, thành phố không còn các khu nhà tạm bợ, người dân trong những xóm lao động nghèo, xóm Bến, xóm Cây Me, xóm Ao Rau Muống sẽ được đổi đời.
Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp mở diễn đàn “CẢM XÚC XUÂN” nhằm ôn cố tri tân về mùa xuân; về thiên nhiên, con người, xã hội, và các vấn đề nóng bỏng của đất nước, địa phương bằng tinh thần hân hoan để tiễn biệt năm cũ, chào đón năm mới 2021. Bài vở xin gửi về email: camxucxuan@dddn.com.vn. Tác giả để lại địa chỉ và số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ. Trân trọng cảm ơn. |
Có thể bạn quan tâm
11:19, 16/02/2021
10:16, 16/02/2021
06:20, 16/02/2021
05:07, 16/02/2021
05:00, 16/02/2021
12:00, 15/02/2021
10:57, 15/02/2021
11:00, 14/02/2021
05:06, 14/02/2021
11:00, 13/02/2021