Lạch xạch, lạch xạch! Từ tinh mơ 3h sáng, tiếng động cơ máy đã vang động cả khúc sông.
Để rồi, khi mặt trời vừa hửng trên dòng Hậu Giang, cả dòng sông đầy chật những thuyền ghe lớn nhỏ, xuôi ngược, tiếng nói cười huyên náo.
Dòng sông Hậu Giang chảy trên tỉnh Sóc Trăng khi đến khúc sông này, rẽ nhánh thành ngả đi Cà Mau, Vĩnh Quới (Sóc Trăng), Long Mỹ (Hậu Giang), Thạnh Trị (Sóc Trăng) và Phụng Hiệp (Hậu Giang). Chợ Ngã Năm được hình thành từ những năm 1970, khi nơi này chưa phát triển giao thông đường bộ. Cuộc sống của người dân phụ thuộc rất nhiều vào con nước, dòng sông. Tập quán sinh hoạt trên bến dưới thuyền đã tạo nên rất nhiều chợ nổi nơi vùng sông nước này như chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Ngã Bảy.
So với hai chợ nổi kia đã du lịch hóa, chợ nổi Ngã Năm do nằm cách thành phố khá xa, khoảng 60km nên du lịch chưa phát triển. Cũng nhờ vậy, chợ vẫn giữ được những nét duyên dáng và riêng tư, vẫn giữ được cái hồn đặc trưng của chợ nổi miền Tây.
Tôi theo một ghe bán dưa hấu của cô Tư, đến với chợ nổi trong một buổi sáng ngày 27 tết. Dưa hấu được dán những tờ giấy đỏ tốt lành và loại trái cây được trưng trên bàn thờ Tết của người miền Tây Nam Bộ. Thuyền ghe tấp nập, các chủng loại hàng hóa thì vô cùng phong phú và đa đạng. Chợ chẳng khác gì cái chợ trên đất liền nhưng ồn ã và vui náo nhiệt hơn nhiều vì tiếng thuyền ghe lạch xạch, tiếng gọi nhau í ới từ thuyền này sang thuyền khác, rồi tiếng mua mua bán bán, tiếng chào nhau ríu rít. Mặt nước sóng sánh, ánh nắng lấp lánh phản chiếu mọi thứ trên mặt sông, khiến cái chợ nhìn càng đông hơn.
Khu chợ nổi tập trung người dân lao động từ khắp nơi trong vùng về kiếm sống, không phân biệt họ đến từ đâu hay bán thứ gì. Từ các loại gạo ngon nổi tiếng của các vựa lúa lớn trong khu vực cho đến các loại rau, củ quả miệt vườn; từ các mặt hàng nông sản, hải sản cho đến các vật dụng sinh hoạt, gia dụng hàng ngày, cái gì cũng có bán. Người lái khéo léo lách ghe đi giữa những thuyền ghe xuôi ngược, đông đúc là vậy mà chẳng ai đụng ai. Những ghe chèo tay có thể cập mạn vào nhau để trao đổi, mua bán hàng hóa ngay trên mặt nước.
Cô Tư gọi cho tôi một tô bún nước lèo và một ly bạc xỉu từ một con thuyền rất xa. Chỉ một loáng, hai chiếc ghe gặp nhau. Trên thuyền bán bún, cô bán hàng nhanh tay nhặt bún, nhặt hành, nhanh tay chan nước. Tô bún nước lèo bốc hơi nghi ngút, hương thơm phảng phất. Tôi cầm tô bún, húp lấy thứ nước dùng thanh ngọt vị xương. Thuyền chòng chành, tô bát sóng sánh, người cũng bồng bềnh theo. Ngồi trên con thuyền nhỏ, giữa khúc sông huyên náo tiếng nói cười, giữa một khu chợ đậm nét văn hóa miền sông nước, tôi thoáng nghĩ đến bé An của câu chuyện Đất rừng Phương Nam, đến cuộc sống nơi con nước một thời của những người vùng đồng bằng sông Cửu Long một thời. Sóng vỗ con thuyền nhỏ ì oạp. Tôi húp sạch bát bún nước lèo một cách ngon lành.
Cô Tư dựng cây bẹo treo quả dưa hấu lủng liểng trước mũi thuyền. Ở chợ nổi Ngã Năm, người ta cũng dùng cây bẹo, treo sản vật mình bán trên đó cho mọi người nhìn thấy từ xa. Nhưng khác với chợ nổi Cái Răng thường treo cây bẹo theo phương thẳng đứng, cây bẹo ở đây được đặt nằm ngang. Trên cây bẹo là đủ loại cây trái được treo trên đó. Người đi chợ chỉ cần nhìn vào cây bẹo sẽ biết đâu là ghe bán mặt hàng họ cần. Thuận mua vừa bán, ai cần thì ghé ghe.
Một phản thịt lợn đi qua trước mũi ghe, cô Tư ới mua miếng thịt. Thấy tôi mắt tròn mắt dẹt nhìn đầy ngạc nhiên, cô Tư cười lớn, bảo, cái gì cũng có hết con ơi! Trên bờ có gì, dưới sông có hết. Đồ ăn thức uống cũng thế. Ngày xưa, khi chưa có đường lộ sát sông, cái chợ này đông lắm, nguyên cả cái ngã năm này. Giờ có đường rồi, đã bớt tập nập đi nhiều rồi.
Tôi vừa nghe cô nói, vừa ngó nghiêng xung quanh. Đã có nhiều thuyền lớn trưng chậu cúc vàng đón Tết. Có tiếng gọi mua dưa hấu. Cô Tư quẹo thuyền, rẽ nước qua bên tiếng gọi. Tôi mua tặng cô hai chậu cúc vàng, để nhà đón Tết năm mới.
Chợ ngã Năm mỗi lúc một đông thuyền ghe với đủ mặt hàng dành cho Tết. Bình thường, chợ chỉ đến khoảng 9h là vãn nhưng những ngày sát Tết, số lượng người đến mua bán đông nên thường kéo dài đến khoảng 3, 4h chiều mới vãn. Cái gì cũng có. Những thuyền hoa chở mùa xuân cùng đủ loại mặt hàng cho Tết nhộn nhịp khúc sông. Dù đường bộ đã vô cùng thuật tiện, việc buôn bán trên chợ nổi vẫn được duy trì bởi điều kiện địa lý nhiều kênh, rạch của vùng đồng bằng sông Cửu Long thuận lợi cho các hoạt động giao thương bằng ghe, xuồng.
Càng về trưa, chợ càng đông, huyên náo cả khúc sông. Ai cũng mua cho mình được những món đồ ưng ý. Đến chiều, ghe dưa hấu của cô Tư cũng bán gần hết, thuyền ghe cũng vãn dần. Rồi hoàng hôn buông, thuyền rời đi, trả lại Ngã Năm tĩnh mịch trong đêm.
Chợ nổi Ngã Năm nằm cách thành phố Sóc Trăng khoảng 60km, không chỉ là nơi thông thương, buôn bán của bà con trong vùng mà còn là nơi trung chuyển lúa gạo đi khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long. Với khách du lịch, lênh đênh trên chợ nổi là một trải nghiệm cực kỳ thú vị và đáng nhớ khi đến nơi này.
Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp mở diễn đàn “CẢM XÚC XUÂN” nhằm ôn cố tri tân về mùa xuân; về thiên nhiên, con người, xã hội, và các vấn đề nóng bỏng của đất nước, địa phương bằng tinh thần hân hoan để tiễn biệt năm cũ, chào đón năm mới 2021. Bài vở xin gửi về email: camxucxuan@dddn.com.vn. Tác giả để lại địa chỉ và số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ. Trân trọng cảm ơn. |
Có thể bạn quan tâm
06:00, 04/02/2021
16:24, 03/02/2021
13:01, 03/02/2021
06:30, 03/02/2021
05:00, 02/02/2021
05:00, 01/02/2021
05:14, 31/01/2021
06:00, 30/01/2021
05:00, 29/01/2021
05:00, 28/01/2021
05:00, 27/01/2021
05:00, 26/01/2021
02:00, 18/01/2021