Các bạn hãy cùng tôi làm một thử nghiệm nhỏ sau: Không tra cứu tài liệu, không dùng Google tìm kiếm, chỉ bằng trí nhớ và kiến thức của mình trả lời 4 câu hỏi sau:
1) Bạn có nhớ trên thế giới có bao nhiêu khu vực tranh chấp đảo, quần đảo giữa các quốc gia? Hãy liệt kê danh sách các đảo, quần đảo có tranh chấp, bao gồm tên đảo, quần đảo và các nước tham gia tranh chấp.
2) Khi nhìn một bản đồ khu vực Nam Mỹ, bạn có biết bản đồ này có lợi cho Anh hay có lợi cho Argentina về chủ quyền đảo, quần đảo không?
3) Khi nhìn một bản đồ khu vực Đông Bắc Á, bạn có biết bản đồ này có lợi cho Trung Quốc, Nga, Nhật Bản hay Hàn Quốc về chủ quyền đảo, quần đảo không?
4) Khi nhìn một bản đồ thế giới, bạn có biết bản đồ này có lợi cho Hy Lạp hay Thổ Nhĩ Kỳ hay rộng hơn là có lợi những nước nào và bất lợi cho những nước nào về chủ quyền đảo, quần đảo không?
Tôi cho rằng số người Việt Nam trả lời đúng, đầy đủ 4 câu hỏi trên là rất hiếm hoi, ngoại trừ những nhà nghiên cứu về tranh chấp biển đảo giữa các quốc gia.
Tình huống tương tự của chính tôi: Đã nhiều lần tôi dùng bản đồ thế giới để thuyết trình cho khách hàng về các chi nhánh, văn phòng đại diện của FPT ở các châu lục, các quốc gia trên thế giới. Khi chuẩn bị tài liệu, tôi thường search trên mạng tìm và chọn một cái bản đồ mà tôi thấy đẹp nhất và rõ nhất, mà không thể biết và cũng không quan tâm cái bản đồ này có lợi cho những quốc gia nào và bất lợi cho những quốc gia nào (tất nhiên trừ biển Đông).
Vậy thì cộng đồng mạng chúng ta phải làm gì để đấu tranh về chủ quyền biển đảo trên trường quốc tế? Tôi cho rằng biện pháp tốt nhất là tập trung nỗ lực để làm sao có thật nhiều người trên thế giới khi dùng bản đồ thì dùng bản đồ không có đường lưỡi bò hơn là tập trung lên đồng tập thể chửi bất cứ ai, khi họ dùng bản đồ có đường lưỡi bò, dù họ vô tình. Mà làm theo cách lên đồng chửi tập thể như hiện nay thì mệt lắm, lại chẳng có tác dụng gì.
Điều ấy có nghĩa rằng chúng ta phải thay đổi tư duy, theo hướng là phải làm cách nào đó tạo ra thật nhiều bản đồ thế giới thật đẹp, thật đầy đủ, rõ nét (không có đường lưỡi bò), để sẵn trên mạng, sao cho bất cứ ai khi cần bản đồ, họ tìm trên mạng thì xác suất họ chọn bản đồ của mình cao nhất.
Vậy nếu vẫn có người dùng bản đồ có hình lưỡi bò nữa thì sao? Tất nhiên người Trung Quốc, người Việt Nam mà dùng thì đồng loạt phản đối mạnh mẽ và quyết liệt; người Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Đông Nam Á thì đồng loạt phản đối và yêu cầu cải chính; còn những nước còn lại thì chỉ cần hội Lịch sử ra thông báo là ông này (bà này) đã sai và làm ngay một trang web về những người đã dùng bản đồ lưỡi bò, ghi rõ tên tuổi, ngày giờ, địa điểm, hoàn cảnh mà họ đã dùng bản đồ có đường lưỡi bò.
Hãy đấu tranh chủ quyền biển đảo trên trường quốc tế một cách sáng suốt, thông minh hơn, văn minh và hiệu quả hơn.