Bà Nhữ Thị Ngần, CEO Hanoi Tourism cho rằng, “du lịch xanh” không còn là khẩu hiệu, mà là yêu cầu bắt buộc khi tiếp cận thị trường khó tính như châu Âu và Bắc Mỹ.
Theo CEO Hanoi Tourism, chiến lược “phủ xanh” sản phẩm du lịch là cần thiết nhằm thúc đẩy khai thác hiệu quả thị trường khách châu Âu – một thị trường khách có yêu cầu cao và đang được hỗ trợ mạnh mẽ nhờ chính sách thị thực.
- Nhu cầu về du lịch của du khách nói chung và khách Châu Âu nói riêng đang thay đổi ra sao, thưa bà?
Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển kinh tế, thúc đẩy du lịch mà đặc biệt là thu hút du khách từ thị trường châu Âu không chỉ là một giải pháp khả thi, mà còn là hướng đi mang tính trọng tâm để gia tăng nguồn thu ngân sách, quảng bá hình ảnh đất nước và tạo việc làm bền vững.
Nhu cầu về du lịch của du khách nói chung và khách Châu Âu nói riêng ngày một thay đổi, đặc biệt là xu hướng tiêu dùng xanh với những yêu cầu về dịch vụ và trải nghiệm du lịch gắn với trách nhiệm bảo vệ môi trường văn hóa và môi trường tự nhiên.
Khách du lịch đến từ các thị trường Âu, Mỹ và Úc – những khách hàng ưu tiên các sản phẩm du lịch có trách nhiệm, như giảm phát thải, hỗ trợ cộng đồng và bảo tồn văn hóa địa phương. Thị trường khách này yêu thích các chương trình du lịch như: tour du lịch gắn với hoạt động thiện nguyện trồng cây phủ xanh các đồi trống cùng người dân bản địa, trải nghiệm làm nông nghiệp và tìm hiểu về các sản phẩm OCOP, trải nghiệm văn hóa truyền thống của cộng đồng địa phương.
- Việt Nam hiện chưa có bộ tiêu chí “du lịch xanh” thống nhất, trong khi thị trường châu Âu ngày càng nghiêm ngặt với các quy định liên quan. Doanh nghiệp kỳ vọng ra sao về sự hỗ trợ của các cơ quan bộ, ngành trong hành trình xanh, thưa bà?
Chúng tôi đã bắt đầu chú trọng đến sản phẩm du lịch có trách nhiệm và du lịch bền vững từ nhiều năm trước, bằng cách tham khảo một số tiêu chí nhất định của Du lịch xanh thế giới. Cho đến năm 2025, khi Liên chi hội Du lịch Xanh Việt Nam được thành lập, chúng tôi vinh dự là thành viên Ban chấp hành Liên chi hội du lịch xanh, trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng các tiêu chí xanh cùng với lãnh đạo Hiệp hội du lịch Việt Nam.
Hiện nay chúng tôi đã và đang tích cực truyền thông lan tỏa thông điệp du lịch xanh đến khách hàng và đối tác của mình. Tuy nhiên, doanh nghiệp luôn nhấn mạnh, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước và người dân để tạo tiền đề cơ bản phát triển du lịch xanh, bền vững.
Cụ thể, Nhà nước cần có những ưu đãi phù hợp để họ kiên trì theo đuổi hướng đi này như các gói hỗ trợ lãi suất hay cơ chế ưu đãi cho các dự án phát triển du lịch xanh. Cùng với đó, sớm ban hành bộ tiêu chí du lịch xanh áp dụng cho cả nước không chỉ để làm căn cứ triển khai mà còn là cơ sở để quảng bá du lịch xanh Việt Nam một cách minh bạch và đáng tin cậy trên thị trường toàn cầu.
- Thị trường châu Âu tuy khó tính, khó tiếp cận nhưng nếu được khai thác tốt sẽ trở thành nguồn thu ổn định, giúp du lịch Việt Nam phát triển bền vững và thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong giai đoạn tới, thưa bà?
Nhóm du khách châu Âu thường có mức chi tiêu cao, lưu trú lâu được xác định là động lực chính để gia tăng nguồn thu và nâng cao chất lượng du lịch Việt Nam. Bên cạnh đó, du lịch còn đóng vai trò lan tỏa phát triển kinh tế tại các vùng nông thôn, miền núi là nơi có nhiều tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa. Việc tập trung phát triển thị trường châu Âu là chiến lược thông minh. Khách châu Âu không ồn ào nhưng họ mang lại doanh thu lớn, giá trị thương hiệu mạnh và là cầu nối cho phát triển bền vững. Do đó, để tận dụng cơ hội, ngành du lịch Việt Nam cần tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ và bảo vệ môi trường.
Bên cạnh hoạt động kinh doanh lữ hành có trách nhiệm, chúng tôi còn có vai trò là đơn vị tư vấn – xây dựng và khác biệt hóa sản phẩm du lịch bền vững cho các địa phương trên cả nước. Việc chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù của từng điểm đến, trong đó chú trọng đặc biệt đến phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù theo chuyên đề xanh gắn liền với các hoạt động đóng góp vào việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa cũng như bảo vệ môi trường tại điểm đến cần được ưu tiên.
Doanh nghiệp chú trọng lựa chọn các đối tác cung ứng dịch vụ có ý thức trong việc sử dụng thực phẩm sạch gắn với sản phẩm đặc trưng của địa phương, thể hiện qua các thực đơn thiết kế riêng theo đặc sản và tôn vinh giá trị bảo tồn văn hóa mang ý nghĩa riêng biệt. Cơ sở lưu trú được lựa chọn trong sản phẩm xanh đều phải đáp ứng được các tiêu chí hạn chế tối đa rác thải nhựa và có các thông điệp bảo vệ môi trường rõ ràng. Các nhân sự phục vụ, cán bộ tư vấn và đội ngũ hướng dẫn viên đều được đào tạo định kì về hành vi “sống xanh” để lan tỏa tới du khách. Đây cũng là chiến lược xuyên suốt để mỗi doanh nghiệp định vị và gắn nhãn xanh trong hành trình phát triển du lịch bền vững.
- Trân trọng cảm ơn bà!