Có thể mở lại hoạt động kinh tế một cách có kiểm soát, để những người đã được tiêm đủ vaccine có thể tham gia vào các hoạt động kinh tế -xã hội, sản xuất, kinh doanh.
Các đợt dịch COVID-19 bùng phát khiến cho các doanh nghiệp vốn đã bị tổn thương lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Các nguồn lực dự trữ đang cạn dần trong khi thị trường trong nước và quốc tế chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm. Sức chống chịu của khu vực doanh nghiệp tiếp tục suy giảm.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng năm 2021, cả nước có khoảng 85.500 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tương đương 10.000 doanh nghiệp dừng hoạt động/tháng…
Vì vậy, cần có các chính sách, giải pháp nhanh, mạnh và kịp thời để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, tiếp sức cho doanh nghiệp ổn định, duy trì sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động.
Còn nhớ, hàng loạt Hiệp hội doanh nghiệp đã đề nghị thay đổi tư duy, cách thức chống dịch khi Chính phủ đối thoại với doanh nghiệp gần đây. Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN khẳng định, các nước trên thế giới đều xác định sống chung với dịch trong ít nhất vài năm tới, kể cả khi đã phủ vaccine cho toàn bộ dân số cần tiêm. Vì vậy không thể duy trì phong tỏa trong thời gian dài.
Nhìn sang Israel, nơi tiêm chủng nhiều nhất thế giới mà vẫn ghi nhận hàng chục ngàn ca dương tính mỗi ngày, họ đã chấp nhận sống chung với virus. Thủ tướng Naftali Bennett cam kết, chính phủ của ông sẽ không lạm dụng lockdown nữa, coi lockdown là biện pháp cuối cùng, chỉ dùng khi nào không còn cách nào khác. “Người dân Israel hiện nay không thể để lại gánh nặng nợ nần cho các thế hệ con cháu phải trả”. - Thủ tướng Naftali Bennett nói.
Chúng ta chống dịch để cứu sinh mạng là điều rất quan trọng nhưng cứu sinh kế của nhân dân, sản xuất và lưu thông của doanh nghiệp cũng quan trọng không kém. Nhận thức đó phải được thống nhất mới tránh được những đổ vỡ không đáng có và có chiến lược hiệu quả trong cuộc chiến trường kỳ chống virus.
Thủ tướng Phạm Minh Chính từng nói: “Chúng ta đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp; phòng là cơ bản, chiến lược lâu dài, chống là quan trọng, thường xuyên”.
Một tín hiệu đáng để vui mừng là mới đây, ngày 4 tháng 9, Việt Nam đã đón chuyến bay đầu tiên với khách có “hộ chiếu vaccine”. Theo đó, 297 hành khách Việt Nam có “hộ chiếu vaccine” khởi hành từ Nhật Bản đã hạ cánh an toàn xuống sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh).
Việc thí điểm đón và đưa những hành khách đã tiêm đủ vaccine không chỉ tạo đà “mở cửa bầu trời”, đẩy nhanh lộ trình nối lại đường bay quốc tế mà tới đây, còn phải tính đến việc “nới lỏng” các quy định đối với người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine.
Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho biết, hiện Bộ Y tế cũng đang trong quá trình hoàn thiện hướng dẫn cấp "hộ chiếu vaccine" phục vụ mục đích giao thương với quốc tế. Tới nay, công nghệ cấp “hộ chiếu vaccine” đã cơ bản được hoàn tất, chỉ còn chờ EU công nhận chữ ký số trong mã QR của Việt Nam. Tuy nhiên, với việc cấp chứng nhận thông hành trong nước đối với người dân đã tiêm đủ 2 mũi vaccine thì Bộ Y tế vẫn đang xem xét thời điểm phù hợp để áp dụng.
Vẫn biết, việc mở cửa nền kinh tế với “tấm khiên vaccine” vào thời điểm này là mạo hiểm. Thế nhưng, cân nhắc việc hồi phục kinh tế bằng nội lực vẫn phải là ưu tiên số một. Và việc cho phép, vận động, huy động những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine quay trở lại với công việc sản xuất hàng ngày là cần thiết.
Tính đến hết tháng 8 năm 2021, đã có hơn 2,7 triệu người dân đã tiêm đủ 2 liều vaccine. Tuy nhiên chưa có sự khác biệt nào giữa người đã tiêm 2 liều với những người chưa được tiêm hoặc mới được tiêm 1 liều.
Tức là, những người dân đã tiêm đủ 2 liều vaccine không thể mãi ngồi nhà, họ cần sớm được lao động, làm việc, tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Vì thực tế, những khó khăn đó không chỉ xảy ra đối người lao động mà còn với doanh nghiệp, với nền kinh tế.
Đã đến lúc chúng ta cần đặt bài toán kinh tế bên cạnh bài toán về y tế, phòng, chống dịch. Y tế làm tốt chống dịch, chăm sóc sức khoẻ nhân dân để phục vụ cho việc phát triển kinh tế. Và ngược lại có phát triển kinh tế thì mới có nguồn lực để y tế hoạt động.
Có thể bạn quan tâm
05:30, 06/09/2021
05:15, 06/09/2021
05:00, 06/09/2021
05:00, 06/09/2021
05:00, 06/09/2021
20:58, 05/09/2021
10:13, 05/09/2021
02:51, 05/09/2021
11:26, 04/09/2021
11:15, 04/09/2021
18:01, 03/09/2021