Cổ phiếu TNG của Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG đã giảm hơn 2% sau khi công bố báo cáo tài chính quý 1/2020.
Trong tuần giao dịch vừa qua, cổ phiếu TNG đã có 4 phiên tăng trần liên tiếp, thị giá theo đó tăng từ mức 8.900 đồng/cp lên 13.000 đồng/cp với khối lượng giao dịch tăng mạnh, trong đó cổ đông lớn có 2 đợt giao dịch và Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Thời cũng mua vào 1 triệu cổ phiếu TNG.
Tuy nhiên ngày 17/4, TNG đã công bố BCTC hợp nhất quý 1/2020 với doanh thu và lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ, khiến cổ phiếu này đỏ lửa. Cụ thể doanh thu thuần trong kỳ của TNG đạt hơn 773 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ, giá vốn hàng bán cũng giảm ở mức tương đương nên lãi gộp giảm 3% xuống chỉ còn hơn 145 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính tăng gấp đôi lên mức hơn 5 tỷ đồng, tuy nhiên chi phí tài chính lại ở mức khá cao với hơn 28,6 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là chi phí lãi vay. Chi phí bán hàng tăng 21% lên hơn 32 tỷ đồng, chi phí quản lý giảm 5% xuống gần 50 tỷ đồng. Kết quả, lãi sau thuế TNG đạt gần 34 tỷ đồng, giảm 10% cùng kỳ năm trước.
Ông Nguyễn Văn Thời - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNG, cho biết do tình hình dịch bệnh COVID-19 khiến nguyên phụ liệu nhập khẩu trong tháng 2 bị chậm, ảnh hưởng đến thời gian giao hàng, dẫn đến các chỉ tiêu mà công ty xây dựng cho quý 1 không đạt như kỳ vọng. Trong khi đó, các khoản chi phí đầu vào, chi phí lương công ty vẫn duy trì thanh toán đúng theo quy định và hợp đồng đã ký.
Trong bối cảnh đại dịch bùng phát, TNG đã sản xuất khẩu trang kháng khuẩn phục vụ chống dịch đã giúp doanh thu tiêu thụ nội địa trong quý vừa qua đạt 63,3 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Có thể bạn quan tâm
04:00, 03/12/2019
11:01, 09/06/2019
10:01, 13/03/2019
19:00, 30/05/2018
Tính đến hết quý 1/2020, công ty có tiền và tương đương tiền 217 tỷ đồng, giảm 26% đầu năm so với đầu năm nay. Hàng tồn kho tăng 39% từ 860 tỷ đồng lên 1.124 tỷ đồng, chủ yếu tăng nguyên liệu và thành phẩm. Công ty cũng tăng vay nợ thêm gần 380 tỷ đồng lên 1.800 tỷ đồng, tỷ lệ nợ vay ở mức 53%. Đây là lý do chính khiến tổng nguồn vốn của Công ty tăng từ 3.017 tỷ đồng lên 3.425 tỷ đồng.
Về điểm nhấn kỹ thuật, các chuyên gia nhận định rằng, cổ phiếu TNG vẫn đang trong giai đoạn kiểm tra lại vùng đáy 12.000-13.000đ/cp. Thanh khoản cổ phiếu cũng đã vượt ngưỡng trung bình 20 phiên, cho thấy động lực tích lũy đang hình thành. Đường giá cổ phiếu vẫn nằm dưới dải mây Ichimoku, cho thấy động lực tăng giá trung hạn chưa hình thành. TNG nhiều khả năng sẽ vận động tích lũy trong vùng giá 12.000-15.000đ/cp trong giai đoạn tới.