Một số quy định của Luật Đấu thầu đang chồng chéo với Luật Xây dựng. Đây là nguyên nhân xảy ra tình trạng tiêu cực, thất thoát, cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh...
>>Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi): Góp phần nâng tầm hàng Việt
Đó là ý kiến của các chuyên gia pháp lý trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp xung quanh những bất cập của Luật Đấu thầu hiện nay, điển hình theo các chuyên gia là nhiều quy định của Luật này hiện nay đang chồng chéo, mâu thuẫn với Luật Xây dựng.
Theo luật sư Nguyễn Trọng Hiệp - Giám đốc Công ty Luật HPVN cho rằng, hiện nay đang có sự chồng chéo và quy định không thống nhất về hợp đồng giữa Luật Đấu thầu và Luật Xây dựng. Cụ thể, khoản 7 Điều 67 Luật Đấu thầu quy định: trường hợp điều chỉnh tiến độ thực hiện hợp đồng làm kéo dài tiến độ hoàn thành dự án thì phải báo cáo người có thẩm quyền xem xét, quyết định; trong khi đó điểm c khoản 3 Điều 143 Luật Xây dựng quy định: khi điều chỉnh hợp đồng làm thay đổi mục tiêu đầu tư, thời gian thực hiện hợp đồng, làm vượt dự toán gói thầu xây dựng được duyệt thì phải được người quyết định đầu tư cho phép.
“Quy định không thống nhất giữa hai luật đang gây nhiều vướng mắc khi thực hiện”, luật sư Hiệp nhận định.
Theo pháp luật xây dựng (điểm b, khoản 7, điều 10 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP và Điều 10 Thông tư 18/2016/TT-BXD) thì chủ đầu tư lựa chọn trực tiếp cá nhân, tổ chức tư vấn có đủ điều kiện năng lực để ký hợp đồng thẩm tra thiết kế, dự toán. Trong khi đó Luật Đấu thầu không quy định hình thức trực tiếp lựa chọn nhà thầu.
“Vì vậy, khi chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu bằng hình thức lựa chọn trực tiếp theo Nghị định số 59/2015/NĐ-CP sẽ trái với Luật Đấu thầu. Như vậy, nếu doanh nghiệp thực hiện theo các quy định của pháp luật xây dựng, thì có thể sẽ trái hay vi phạm quy định của pháp luật đấu thầu”, luật sư Hiệp phân tích.
Ngoài ra, cũng theo luật sư Hiệp, luật Đấu thầu quy định hợp đồng trọn gói bắt buộc áp dụng đối với gói thầu xây lắp có giá không quá 20 tỷ và gói thầu hàng hóa có giá không quá 10 tỷ là chưa phù hợp thực tiễn quản lý hợp đồng do một số gói thầu xây lắp, hàng hóa quy mô nhỏ nhưng không thể lường trước hết được thay đổi, bổ sung khối lượng trong quá trình thực hiện hợp đồng; việc phát sinh, bổ sung khối lượng công việc là khó tránh khỏi, cần được áp dụng loại hợp đồng khác phù hợp hơn, thuận lợi để quản lý hợp đồng (như hợp đồng theo đơn giá cố định).
Bên cạnh đó, cũng theo luật sư Nguyễn Trọng Hiệp, việc xác định các yếu tố rủi ro và dự phòng trượt giá ngay từ bước lập giá gói thầu để tính toán chi phí dự phòng cũng rất khó chính xác; đồng thời chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn khi sử dụng yếu tố dự phòng rủi ro, trượt giá trong giá gói thầu. Đặc biệt một số loại gói thầu mua sắm hàng hóa khó có thể xác định được chính xác khối lượng thực tế cần sử dụng do phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng do đó nếu áp dụng hợp đồng trọn gói sẽ không phù hợp và hiệu quả.
>>Nhiều quy định của Luật Đấu thầu chồng chéo, mâu thuẫn với các Luật
Bổ sung quan điểm, luật gia Trần Hồng Tình – Hội Luật gia Thành phố Hà Nội cho rằng, các xung đột, chồng chéo trên đã hạn chế các tác động tích cực trong thực thi các đạo luật, tạo ra cản trở trong quá trình thực thi trên thực tế, phát sinh chi phí lớn và rủi ro cao đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư.
“Thực tế xung đột này đã tạo ra thực thi rất khác nhau giữa các địa phương. Và vô tình tạo cơ hội phát sinh nhũng nhiễu tiêu cực trong thực hiện dự án”, luật gia Trần Hồng Tình thẳng thắn nhận định.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật gia Trần Hồng Tình cũng nhận định, Luật Đấu thầu đang tồn tại không ít bất cập. Đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “thông thầu” diễn biến phức tạp, tinh vi ở không ít dự án, gói thầu.
Điển hình theo vị luật gia này là việc Luật Đấu thầu chưa quy định đầy đủ về quy trình kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, đặc biệt là công tác kiểm tra kết quả thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra, giám sát; chưa có quy định cụ thể về chế tài xử lý vi phạm đối với bên mời thầu, chủ đầu tư, người có thẩm quyền (là các bên quan trọng trong việc quyết định đến tính hiệu quả, minh bạch trong đấu thầu).
“Luật cũng chưa có quy định về chế tài xử lý đối với trường hợp các cơ quan có thẩm quyền buông lỏng việc kiểm tra, giám sát, giải quyết kiến nghị trong đấu thầu dẫn đến hiệu quả của việc thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, giải quyết kiến nghị về đấu thầu trong thời gian qua chưa cao, chưa gắn được trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong hoạt động đấu thầu”, luật gia Trần Hồng Tình nói.
Có thể bạn quan tâm