Để làm "công xưởng thế giới" điều kiện đầu tiên là phải xây dựng hệ thống công nghiệp phụ trợ hùng mạnh, đủ sức đáp ứng mọi đơn hàng.
Hiện nay không ít người vẫn muốn Việt Nam trở thành “công xưởng thế giới”, nói là một chuyện, được hay không lại là chuyện khác. Chúng ta lấy gì để đáp ứng yêu cầu của các công ty đa quốc gia?
Nếu hình dung cấu trúc toàn bộ qui trình sản xuất một sản phẩm như một hình tam giác cân thì các ngành công nghiệp sản xuát phụ tùng, linh kiện đóng vai trò cạnh đáy, còn “công nghiệp lắp ráp” giống như phần đỉnh.
Một phần ba dưới cùng của tam giác là những ngành sử dụng tất cả các kỹ thuật gia công cơ bản (đúc, dập, gò, hàn, cắt gọt, khoan đột, uốn kéo, cán ép, tạo hình, dệt lưới, in ấn bao bì...) gia công các loại vật liệu từ các loại kim loại, tới cao su, nhựa, gốm, gỗ và các loại vật liệu tổng hợp khác, nhằm chế tạo ra các linh kiện, phụ tùng phục vụ lắp ráp.
Có thể bạn quan tâm
06:00, 05/03/2020
06:00, 06/03/2020
Ví dụ như ngành công nghiệp oto Việt Nam. Trước khi có Vinfast, mỗi năm xuất xưởng khoảng 50.000 chiếc, con số quá khiêm tốn so với Thái Lan, Indonesia, Malaysia chứ chưa dám so với mấy cường quốc xe hơi.
Chính phủ có hàng loạt biện pháp, nhưng rất khó làm cho quy mô ngành này lớn lên được. Nguyên nhân sau đó được chỉ ra là thị trường nhỏ bé, linh kiện sản xuất tại Việt Nam đắt gấp 3 lần so với Thái Lan!
Với sản phẩm là nắp bình xăng, nhà sản xuất trong nước báo giá gần 4 USD, cao hơn gấp đôi so với của Thái Lan. Chênh lệch chi phí từ 200-300% cũng áp dụng với các linh kiện nhựa, thậm chí còn lớn hơn với các linh kiện cao cấp.
Đến điện thoại thông minh, mặc dù Samsung có mặt ở Việt Nam ngót ¼ thế kỷ, nhưng thứ mà doanh nghiệp Việt Nam tham gia được chỉ là bao bì, đóng gói, cáp sạc...
Một lát cắt nhỏ cho thấy, công nghiệp phụ trợ nước ta còn chưa đáp ứng được nhu cầu cho các doanh nghiệp đa quốc gia hiện có chứ chưa nói đến các đơn đặt hàng tới tấp từ Apple, Toyota, Sony...nếu họ đến.
Nếu muốn lấy một hình mẫu cụ thể cho “công xưởng thế giới” thì đó là Foxconn, công ty sản xuất linh kiện điện tử đa năng nhất thế giới. Không những thế họ còn bao thầu luôn khâu thiết kế, phân phối, hỗ trợ sản phẩm.
Nhìn mỏi mắt, ở Việt Nam chưa hề thấy bóng dáng doanh nghiệp nào có hơi hướng như Foxconn.
“Đồng chủng, đồng văn”, “Núi liền núi, sông liền sông” chừng đó đủ để mô tả đặc điểm văn hóa, dân cư, địa lý, tính chất phát triển của nền kinh tế Việt Nam rất giống với Trung Quốc.
Việt Nam có đầy đủ các yếu tố mà Trung Quốc sở hữu để có thể trở thành “công xưởng thế giới”. Nhưng hãy khoan vội mừng. Bởi vì không chỉ có nước ta mới hội đủ các điều kiện trên, ngay cạnh còn có Indonesia, xa hơn là Ấn Độ và một vài quốc gia Trung - Nam Mỹ.
Lý do bởi, cái gì Trung Quốc có, Việt Nam đều có, nhưng khác về cấp độ, quy mô. Khoáng sản - trước đây là “phong phú đa dạng” nhưng nay cụm từ này đã biến mất khỏi sách giáo khoa địa lý.
Lao động trẻ rơi vào vài mươi triệu người, nhưng đang già hóa với tốc độ nhanh chóng. Địa kinh tế, chính trị chiến lược nhưng diện tích lãnh thổ hạn chế, bờ biển dài tuy lợi thế nhưng rất dễ xảy ra thảm họa môi trường một khi mật độ công nghiệp phủ dày.
Tính tổng quan, quy mô nền kinh tế Việt Nam chỉ bằng một tỉnh trung bình ở Trung Quốc. Hậu quả môi trường, xã hội vô cùng thảm khốc nếu như dịch chuyển “công xưởng thế giới” về Việt Nam!
Nếu Việt Nam có là “công xưởng thế giới” thì điều đó nên xảy ra cách đây tầm 20 năm có lẽ hợp lý hơn. Lúc này cơ hội đã trôi qua, tiềm lực tự nhiên không còn phong phú dồi dào như trước.
Hãy trả lời câu hỏi: Việt Nam có cần đảm đương nhiệm vụ này ngay lúc này? Câu trả lời là không nên (không thể), chính Trung Quốc cũng “thấm đòn” công nghiệp “đặt hàng” nên đã chuyển sang nền kinh tế chế tạo “Made in China 2025”.
Mấy năm qua, chúng ta đã xây dựng nhiều kế hoạch để “Make in VietNam”, Bộ chính trị cũng ra Nghị quyết về “Kinh tế số”; các phương án đón đầu cuộc cách mạng 4.0 khá bài bản. Đây mới là hướng đi đúng đắn!