Cuộc đua mở chuỗi bán lẻ dược phẩm tại Việt Nam đang nóng lên từng ngày khi có sự tham gia của các đại gia “có máu mặt”, từ FPT Retail cho đến Pharmacity.
>>>SK Group “lấn sân” dược phẩm Việt Nam
Theo báo cáo của Vietnam Briefing, thị trường dược phẩm Việt Nam là một trong những thị trường tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á nhờ mức tăng trưởng kinh tế, thu nhập bình quân đầu người tăng và dân số già (tuổi thọ trung bình xấp xỉ 76 tuổi). Tổng cục Thống kê (GSO) cũng cho biết, số người Việt Nam từ 65 tuổi trở lên đạt 7,6 triệu người vào năm 2020, chiếm gần 7,9% tổng dân số cả nước. Dự báo con số này sẽ đạt 18,1% vào năm 2040, đây là một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng nhu cầu về chăm sóc sức khỏe người già.
Bên cạnh đó, mức thu nhập cao hơn dự kiến sẽ thúc đẩy nhận thức của người tiêu dùng Việt Nam đối với nhu cầu chăm sóc sức khỏe chất lượng cao và chăm sóc sức khỏe dự phòng, bao gồm cả việc chi tiêu cho các thực phẩm bổ sung như vitamin, protein, calories,...
Còn theo hãng nghiên cứu thị trường IBM, quy mô của ngành dược Việt Nam có thể đạt 16,1 tỷ USD vào năm 2026, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 16% (giai đoạn 2012 - 2021). Điều này cho thấy thị trường dược phẩm Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ và trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết. Trong đó, mô hình chuỗi bán lẻ dược phẩm hiện đại, đạt chuẩn ngày càng phát triển mạnh mẽ và được người dùng ở các đô thị lớn ưa chuộng.
Thực tế cho thấy, có nhiều doanh nghiệp lớn tham vọng chiếm lĩnh thị trường bán lẻ dược phẩm bằng cách mở rộng các hệ thống cửa hàng, cải tiến chất lượng dịch vụ và tạo dựng hình ảnh thương hiệu khác biệt. Trong đó, các tập đoàn lớn như Thế giới di động và FPT Retail đã mạo hiểm vượt ra ngoài lĩnh vực kinh doanh truyền thống để gia nhập thị trường bán lẻ dược phẩm, cạnh tranh cùng các cửa hàng truyền thống.
Không những vậy, nhiều chuyên gia còn cho rằng, trong tương lai những chuỗi bán lẻ dược phẩm hàng đầu trên thế giới như Mercury (Philippines) hay Walgreens Boots Alliance (Mỹ), Lloyds Pharmacy (Anh)… sẽ gia nhập cuộc đua giành thị phần tại Việt Nam.
>>>Pharmascience “thôn tính” dược phẩm Việt Nam
>>>Phân phối thuốc điều trị COVID, chuỗi nhà thuốc Long Châu giúp FPT Retail "hốt bạc"
Các “ông lớn” tăng tốc mở chuỗi
Hồi giữa tháng 4, Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) đã tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2022. Theo đó, đại hội đã thống nhất thông qua kế hoạch triển khai việc tiếp tục mở rộng các chuỗi FPT Shop, F.Studio by FPT và chuỗi nhà thuốc Long Châu.
Trong đó, với chuỗi nhà thuốc Long Châu, công ty sẽ đẩy mạnh tiến độ mở rộng vùng bao phủ ra 63 tỉnh, thành nhằm nâng cao vị thế trên thị trường dược phẩm Việt Nam. Theo dự kiến, công ty sẽ mở thêm ít nhất 300 cửa hàng, nâng tổng số cửa hàng lên khoảng 700 - 800 vào cuối năm 2022.
Trên thực tế, trong năm qua FPT Retail đã mở thêm tới 200 nhà thuốc Long Châu với quyết tâm thống trị thị trường dược phẩm. Mặc dù với doanh thu khá tốt, khi năm 2021 chuỗi Long Châu đã đem về 3.977 tỷ đồng doanh thu cho FPT Retail. Nhưng, do tốc độ mở rộng lớn, đầu tư nhiều khiến lợi nhuận của chuỗi chỉ đạt mức 4,9 tỷ đồng, khá mỏng so với nguồn vố đầu tư.
Một đối thủ nặng ký của FPT Retail là Thế giới Di Động cũng bày tỏ chiến lược tăng trưởng mạnh mẽ cho chuỗi nhà thuốc An Khang. Mới đây, tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên 2022, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động đã chia sẻ, định hướng chiến lược của tập đoàn vào năm 2022 sẽ là việc tập trung vào 2 chuỗi bán lẻ cốt lõi của tập đoàn: Điện Máy Xanh và chuỗi nhà thuốc An Khang.
Cụ thể hơn, ông Đoàn Văn Hiểu Em, Thành viên HĐQT cho biết tập đoàn sẽ tập trung nguồn lực cho chuỗi An Khang, đặt mục tiêu tăng tốc mạnh và vào top 3 trên thị trường phân phối được phẩm. Tính đến cuối năm 2021, chuỗi An Khang đang sở hữu 178 cửa hàng, kỳ vọng đến cuối tháng 6 năm nay sẽ tăng lên 400 cửa hàng.
So với hai “tay chơi” mới rẽ ngang sang thị trường dược phẩm như là FPT Retail và Thế giới Di Động, chuỗi nhà thuốc Pharmacity được coi là một cựu binh kỳ cựu với nhiều năm phát triển thị trường bán lẻ dược phẩm Việt Nam.
Được thành lập vào năm 2011, Pharmacity hiện tại đang là thương hiệu hàng đầu trong ngành bán lẻ dược phẩm tại Việt Nam. Hồi giữa tháng ba vừa qua, chuỗi nhà thuốc này đã khai trương nhà thuốc thứ 1.000 tại TP.HCM, đánh dấu một cột mốc quan trọng tiến đến mục tiêu có 5.000 nhà thuốc trên toàn quốc vào năm 2025, cho phép 50% người dân tiếp cận các nhà thuốc Pharmacity trong vòng 10 phút lái xe.
Có thể nói, trong thời gian qua, các “ông lớn” trong ngành bán lẻ dược phẩm trong nước đã không còn ở trạng thái “tìm hiểu” hay “thăm dò” thị trường nữa mà bắt đầu có sự tăng tốc, chạy đua để chiếm lĩnh thị phần của lĩnh vực đầy tiềm năng nhưng cũng không thiếu sự cạnh tranh quyết liệt. Mặc dù kèm theo đó là cả việc họ phải chấp nhận “đốt” hàng trăm tỷ đồng vào việc mở rộng, nhưng có vẻ những khoản lỗ này đều nằm trong kế hoạch của đơn vị. Theo toan tính của họ, với việc giữ được vị thế dẫn đầu, cùng nền tảng về tài chính vững vàng, các khoản lợi nhuận nghìn tỷ sẽ đến trong nay mai.
Chưa rõ cuộc đua mở rộng thị phần của các doanh nghiệp này sẽ đi về đâu. Nhưng, theo các chuyên gia phân tích, trên một đường đua khốc liệt như hiện nay, chỉ những doanh nghiệp nào có chiến lược kinh doanh hợp lý, ứng dụng công nghệ hiệu quả, tối ưu được chi phí cùng khả năng quản lý bài bản, và đặc biệt phải có nền tảng tài chính vững vàng mới có thể chiến thắng.
Có thể bạn quan tâm
Phân phối thuốc điều trị COVID, chuỗi nhà thuốc Long Châu giúp FPT Retail "hốt bạc"
03:40, 28/02/2022
Khó khăn kép với FPT Retail
16:05, 03/05/2021
MRB gọi vốn trái phiếu nghìn tỷ cho "máy ngốn tiền" Pharmacity?
05:00, 28/08/2021
“Vị đắng” ở Pharmacity
11:30, 12/10/2020
Tham vọng mở chuỗi đẩy Pharmacity vào “thế khó”
04:11, 02/10/2020