Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có thêm ít nhất 18.000 doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương.
Theo thông tin từ UBND TP Đà Nẵng, ông Trần Chí Cường – Phó Chủ tịch UBND TP vừa ký ban hành kế hoạch triển khai chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Cụ thể, tại kế hoạch này Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có thêm ít nhất 18.000 doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện.
Để hiện thực hóa mục tiêu, TP Đà Nẵng xác định sẽ ưu tiên bố trí nguồn lực hỗ trợ phát triển DNNVV, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển các mô hình kinh doanh mới. Trong đó trọng tâm là tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng cho DNNVV phát triển, tập trung vào việc hoàn thiện chính sách, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính.
Đặc biệt, UBND TP Đà Nẵng cũng nhấn mạnh việc cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh. Mục tiêu đặt ra là giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, 30% chi phí tuân thủ và bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết trong năm 2025.
“Chuyển mạnh quản lý từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” gắn với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Tập trung cải cách hành chính, giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, dự án”, kế hoạch do ông Cường ký ban hành.
Tại kế hoạch này, chính quyền Đà Nẵng cũng yêu cầu các đơn vị nêu cao tinh thần trách nhiệm, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, phát huy vai trò của các tổ chức hiệp hội đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, làm cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý Nhà nước, DNNVV. Từ đó tiếp tục phát huy truyền thống tự hào dân tộc, linh hoạt, đổi mới, có khát vọng phát triển để làm giàu cho bản thân và xã hội.
Để hỗ trợ DNNVV tiếp cận nguồn vốn, Đà Nẵng sẽ chú trọng các giải pháp giữ ổn định lãi suất, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và tạo niềm tin cho doanh nghiệp. Trong đó, địa phương này xác định sẽ tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã ký kết, mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và nguồn cung ứng thay thế. Đà Nẵng cũng khuyến khích ứng dụng các giải pháp thương mại điện tử, tận dụng các nền tảng thương mại điện tử để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, phát triển dịch vụ logistics.
Đặc biệt, Đà Nẵng cũng đề cập đến việc phát huy hơn nữa vai trò của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - chi nhánh Miền Trung - Tây Nguyên. Cụ thể là phát huy tính đại diện cho doanh nghiệp hội viên trong việc tham gia góp ý, xây dựng, phản biện chính sách; theo dõi, giám sát, đánh giá độc lập quá trình xây dựng và thực thi pháp luật và các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển của Nhà nước liên quan đến doanh nghiệp nhỏ và vừa; đại diện bảo vệ quyền lợi hội viên trong các tranh chấp.
Song song với đó, phát huy vai trò là cầu nối vững chắc giữa Đảng, Nhà nước với doanh nhân, doanh nghiệp. Đẩy mạnh hoạt động và nâng cao chất lượng hỗ trợ phát triển DNNVV; phát triển đội ngũ doanh nhân; tiên phong thúc đẩy xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam; tăng cường kết nối và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế; tăng cường hoạt động kết nối, hỗ trợ phát triển hiệp hội và hội viên, xây dựng cộng đồng doanh nghiệp đoàn kết, hùng mạnh.
Theo số liệu công bố, hiện nay trên địa bàn TP Đà Nẵng đang có 42.322 doanh nghiệp và chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký đạt 257.601,9 tỷ đồng. Trong 3 tháng đầu năm 2025, Đà Nẵng đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 1.004 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 3.019,9 tỷ đồng.
Thông tin trong kỳ họp báo mới đây, ông Nguyễn Ngọc Ánh – Phó Giám đốc Sở Tài chính TP Đà Nẵng cho biết trong thời gian tới thành phố sẽ tập trung hỗ trợ, duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, Đà Nẵng sẽ triển khai các hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư; thẩm định hồ sơ đối với các dự án đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư.
Song song với đó là tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các dự án và các doanh nghiệp theo Kết luận số 77-KL/TW ngày 02/5/2024 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 170/2024/QH15 ngày 30/11/2024 của Quốc hội, tạo điều kiện cho các dự án sớm được triển khai trong năm, tăng lượng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn.
“Cải thiện các chỉ số thành phần thuộc Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nhằm nâng cao tính minh bạch, tạo môi trường thông thoáng, hấp dẫn để thu hút đầu tư. Tập trung tháo gỡ khó khăn, khơi thông các nguồn lực đầu tư, nhất là các dự án quy mô lớn còn vướng mắc, chậm triển khai trong nhiều năm... Nỗ lực đẩy nhanh các thủ tục hành chính về cấp phép xây dựng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân triển khai các dự án xây dựng nhà ở tư nhân trên địa bàn thành phố để tăng lượng vốn đầu tư của khu vực dân cư”, ông Ánh trao đổi về các giải pháp.
Đà Nẵng xếp thứ 15 chỉ số PCI 2024
Tại Lễ Công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức vào ngày 6/5, thành phố Đà Nẵng xếp thứ 15 PCI cả nước với 69,24/100 điểm, thuộc nhóm “Tốt”. So với PCI 2023, thành phố Đà Nẵng tăng 1 hạng.
Năm nay, Đà Nẵng là địa phương đứng thứ 2 khu vực duyên hải miền Trung. Đứng đầu khu vực là thành phố Huế với 71,13/100 điểm.