Hiện, chi nhánh Công ty CP BKT tại KCN Nam Cầu Kiền đã dừng hoạt động để xử lý tiếng ồn và bụi từ hoạt động xử lý phế liệu.
Như DĐDN đã thông tin trước đó, 40 hộ dân thôn 5 xã Hoàng Động (Thủy Nguyên, Hải Phòng) đã phản ánh hoạt động từ nhà máy xử lý phế liệu Công ty BKT gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hoạt động chặt sắt, thép khiến kim loại va vào nhau tạo ra những âm thanh “chói tai”. Bụi của nhà máy xả trực tiếp ra môi trường như lớp sương mù phủ quanh thôn.
Trao đổi với PV Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Tất Thắng – PGĐ chi nhánh Công ty CP BKT cho biết, doanh nghiệp hoàn thiện xây dựng nhà máy vào cuối năm 2018 và bắt đầu chạy thử nghiệm từ tháng 1/2019 để dần hoàn thiện tiến tới hoạt động 3 ca/ngày chứ không chỉ hoạt động ban ngày. Trong khi công ty đang chạy thử nghiệm thì người dân thôn 5 xã Hoàng Động có phản ánh về hoạt động của công ty gây ồn và bụi. Sau đó, doanh nghiệp cùng lãnh đạo KCN Nam Cầu Kiền đã tổ chức đối thoại trực tiếp với người dân, ghi nhận ý kiến và có hướng xử lý.
Theo ông Thắng, kiến nghị của người dân thôn 5 xã Hoàng Động là có cơ sở bởi bụi và tiếng ồn từ hoạt động xử lý phế liệu là không tránh khỏi. Tiếng ồn là do quá trình cắt nhỏ phế liệu, kim loại va chạm vào nhau tạo thành. Vì đa phần phế liệu đã hoen gỉ, trong quá trình đổ phế liệu, chặt phế liệu lớp hoen gỉ đó sẽ rơi ra, tạo thành bụi.
Hiện nhà máy đã dừng hoạt động để tiến hành lắp đặt bảo ôn chống ồn và đưa ống hút bụi xuống đất hạn chế bụi. Dự kiến, đến giữa tháng 6 công ty sẽ hoàn thiện lắp đặt hệ thống bảo ôn, hệ thống xử lý bụi và đưa nhà máy vào hoạt động trở lại. Khi các hệ thống này được hoàn thiện thì 100% hoạt động của nhà máy sẽ không gây bụi, gây ồn nữa – ông Thắng khẳng định.
Không phải do người dân phản ánh doanh nghiệp mới lắp đặt hệ thống chống ồn, chống bụi, mà khi tiến hành xây dựng nhà máy doanh nghiệp đã có thiết kế từ trước. Chỉ là doanh nghiệp đang chú trọng việc gì trước, việc gì sau, làm từng thứ không dàn trải nhiều thứ một lúc. Giả sử doanh nghiệp làm bảo ôn chống ồn trước nhưng sau đó dây chuyền vận hành không đúng yêu cầu lại phải gỡ ra làm lại thì chi phí đó doanh nghiệp không chịu nổi. Vì vậy, chúng tôi phải làm hết các quy trình chính trước, sau đó mới lắp đặt bảo ôn chống ồn, chống bụi – ông Thắng cho biết thêm.
Hiện doanh nghiệp đã hoàn thiện dây chuyền chính và đang tiến hành hoàn thiện xây dựng lại nhà điện, nhà điều hành, lắp đặt bảo ôn tiêu âm, chống ồn,... Hệ thống hút bụi, doanh nghiệp sẽ gia cố lại để có hệ thống nước ngưng tụ không cho bụi ra ngoài môi trường mà sẽ thành bùn ở dưới. Lớp bùn đó sẽ được lọc một lần nữa, tách nước và nước thải lúc này mới được thải ra môi trường, ông Thắng cho biết.
Về hồ sơ doanh nghiệp, ông Thắng cho biết, doanh nghiệp có đầy đủ hồ sơ, giấy tờ liên quan về môi trường cũng như đủ cơ sở pháp lý để xây dựng nhà máy: ĐTM, giấy phép PCCC, Quyết định xây dựng…
Theo ghi nhận của PV, buổi chiều ngày 3/6 công ty đã dừng hoạt động. Trong nhà máy không có phế liệu, bụi gỉ sắt được gom vào một đống và công nhân đang tiến hành lắp đặt hệ thống bảo ôn chống ồn. Ngoài sân, chỉ còn một lượng ít phế liệu đã qua xử lý.
Có thể bạn quan tâm
00:17, 03/06/2019
16:13, 30/05/2019
15:30, 30/05/2019
Liên quan đến phản ánh của người dân về diện tích đất nhà máy xử lý phế thải của Công ty BKT vốn là nơi trồng cây xanh trong KCN, để góp phần giảm bớt ảnh hưởng về môi trường từ các nhà máy trong KCN đến thôn. Tuy nhiên, khi Công ty BKT đầu tư vào KCN, diện tích cây xanh cũng bị phá bỏ. Ông Phạm Hồng Điệp – Tổng Giám đốc KCN Nam Cầu Kiền cho biết, theo quy hoạch diện tích đó là diện tích đất công nghiệp không phải diện tích đất trồng cây xanh. Trước kia, do chưa có doanh nghiệp thuê diện tích đó chúng tôi có trồng cây xanh nhưng sau đó có doanh nghiệp thuê chúng tôi phải chặt cây đi. Hiện, chúng tôi đã trồng cây mới giáp với bờ bao, bên cạnh khu dân cư.
Nói về vấn đề xử lý môi trường của BKT, ông Điệp cho biết thêm, KCN Nam Cầu Kiền sẽ giám sát việc lắp đặt của doanh nghiệp. Nếu không hoàn thiện hệ thống bảo ôn và hệ thống xử lý bụi doanh nghiệp sẽ rất khó hoạt động.