Kinh tế

Đầu năm bàn chuyện… tiêu tiền

Hằng Thy 16/02/2025 12:15

Nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên trong năm 2025, Chính phủ xác định đẩy mạnh đầu tư công là một trong những giải pháp trọng tâm.

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội Khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.

dautucong.jpg
Năm 2025, áp lực giải ngân càng lớn khi tổng vốn đầu tư công lên tới 875.000 tỷ đồng, tăng 200.000 tỷ đồng so với năm trước.

Mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng

Theo đó, Chính phủ đề xuất điều chỉnh một số chỉ tiêu quan trọng như: Tốc độ tăng trưởng GDP đạt từ 8% trở lên. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5 - 5%. Quy mô GDP năm 2025 dự kiến đạt trên 500 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành năm 2025 tăng khoảng 12% trở lên. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2025 tăng 12% trở lên; thặng dư thương mại đạt khoảng 30 tỷ USD.

Các động lực tăng trưởng được bóc tách chi tiết, trong đó tổng vốn đầu tư toàn xã hội dự kiến đạt khoảng 174 tỷ USD, xấp xỉ 33,5% GDP, bao gồm: Đầu tư công: khoảng 36 tỷ USD (tương đương 875.000 tỷ đồng), cao hơn khoảng 84.300 tỷ đồng so với kế hoạch đã giao năm 2025 (790.700 tỷ đồng). Đầu tư tư nhân khoảng 96 tỷ USD. Đầu tư FDI khoảng 28 tỷ USD. Đầu tư khác khoảng 14 tỷ USD.

Các chỉ tiêu tăng trưởng đặt ra trong Đề án phản ánh quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong việc củng cố nền tảng kinh tế, tạo tiền đề vững chắc hướng tới mục tiêu tăng trưởng hai con số trong giai đoạn dài, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển thịnh vượng.

Nhìn lại năm 2024, kinh tế - xã hội Việt Nam tiếp tục phục hồi và phát triển tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Đáng chú ý, toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch, trong đó GDP ước tăng 7,09%- một tín hiệu tích cực củng cố niềm tin vào triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.

Thách thức và điểm nghẽn

Kế hoạch đặt ra là vậy, tuy nhiên việc hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 theo kế hoạch Chính phủ đề ra không hề đơn giản khi bối cảnh trong nước và quốc tế vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức.

Trước hết, thiên tai, bão lũ tiếp tục tác động tiêu cực đến đời sống người dân và hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Trong khi đó, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, sức chống chịu chưa cao, năng lực cạnh tranh vẫn hạn chế. Đặc biệt, sự phụ thuộc vào xuất khẩu và khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khiến nền kinh tế dễ bị tổn thương trước những biến động của thị trường toàn cầu.

Bên cạnh đó, các động lực tăng trưởng kinh tế truyền thống chưa có sự cải thiện mạnh mẽ, trong khi các động lực mới vẫn chưa thực sự rõ ràng. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, gây ảnh hưởng đến hiệu quả huy động và sử dụng nguồn lực phát triển. Khu vực doanh nghiệp tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn, thể hiện rõ qua tình hình sản xuất, kinh doanh đầu năm 2025 chưa có dấu hiệu khởi sắc. Chỉ trong tháng 1, có tới 58,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong khi chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) chỉ tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước.

Những dữ liệu này cho thấy, để bảo đảm tính khả thi của Đề án phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, ngoài quyết tâm chính trị, điều quan trọng là cần có sự phân tích, đánh giá kỹ lưỡng các điều kiện thực hiện. Như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã chỉ rõ, việc triển khai các mục tiêu tăng trưởng cần gắn với thực tế, đảm bảo sự đồng bộ giữa chính sách và nguồn lực, đồng thời có giải pháp kịp thời để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất và tạo động lực phát triển mới.

Đầu tư công có phải là “cứu cánh”?

Nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên trong năm 2025, một trong những giải pháp trọng tâm được Chính phủ xác định là đẩy mạnh đầu tư công. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, chỉ cần tăng đầu tư công thêm khoảng 84.300 tỷ đồng, GDP có thể tăng thêm khoảng 0,64 điểm phần trăm.

“Tiền có rồi, địa chỉ có rồi, hơn 84.000 tỷ đồng này là nguồn vốn mới so với Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch năm 2025”, ông Phương nhấn mạnh. Đây là minh chứng rõ ràng cho vai trò quan trọng của đầu tư công trong việc tạo động lực phát triển kinh tế, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang đặt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên vào năm 2025.

Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, mỗi 1 đồng vốn đầu tư công có thể kéo theo 1,61 đồng vốn đầu tư ngoài nhà nước. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, không chỉ để thúc đẩy các dự án hạ tầng thiết yếu mà còn tạo lực hút đối với dòng vốn tư nhân. Đáng chú ý, nếu giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1%, GDP có thể tăng thêm 0,06 điểm phần trăm – một con số không nhỏ trong mục tiêu tăng trưởng đầy thách thức của năm 2025.

Với nguồn vốn đầu tư công năm 2025 lên tới 875.000 tỷ đồng – mức cao kỷ lục so với các năm trước, việc triển khai hiệu quả là yếu tố quyết định đến mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên.

Tuy nhiên, điểm nghẽn kéo dài nhiều năm qua vẫn là tốc độ giải ngân chậm. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, để đảm bảo giải ngân đúng kế hoạch, Chính phủ cần có giải pháp cụ thể, đồng thời gắn trách nhiệm thực hiện đến từng bộ, ngành, địa phương. Bối cảnh năm 2025 cũng đặt ra thách thức đặc biệt khi nhiều dự án trọng điểm đang trong giai đoạn hoàn thành hoặc chuẩn bị triển khai.

Việc cải thiện hiệu quả quản lý đầu tư công không chỉ giúp tận dụng tối đa nguồn vốn, mà còn tạo động lực lan tỏa cho nền kinh tế. Do đó, cùng với việc nâng cao năng lực thực thi, cần có cơ chế giám sát chặt chẽ, tháo gỡ nhanh chóng các vướng mắc về thủ tục để đảm bảo dòng vốn chảy mạnh mẽ vào các dự án trọng điểm, tạo cú hích cho tăng trưởng trong năm 2025.

Nhìn lại năm 2024, có thể thấy, mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng đến hết ngày 31/1/2025, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 93,06% kế hoạch Thủ tướng giao, chưa đạt mục tiêu 95%. Đáng chú ý, trong khi vốn đầu tư công trong nước giải ngân đạt 94,38%, thì vốn nước ngoài chỉ đạt 49,55% – một khoảng cách lớn cần được thu hẹp.

Năm 2025, áp lực giải ngân càng lớn khi tổng vốn đầu tư công lên tới 875.000 tỷ đồng, tăng 200.000 tỷ đồng so với năm trước. Ngay từ đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã giao gần 830.000 tỷ đồng kế hoạch vốn ngân sách nhà nước, tuy nhiên, vẫn còn hơn 84.840 tỷ đồng chưa được phân bổ chi tiết.

Cũng ngay trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp đi thị sát nhiều dự án trọng điểm, thể hiện quyết tâm đẩy nhanh tiến độ triển khai. Thủ tướng đã kiểm tra hiện trường hai dự án cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị (Lạng Sơn) và Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng), đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ nhanh chóng những khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy triển khai. Trước đó, Thủ tướng cũng đã đến công trường nhiều dự án trọng điểm như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Đường vành đai 3 TP.HCM, Nhà ga T3 (Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất), với yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, tránh tình trạng chậm trễ kéo dài.

Người đứng đầu Chính phủ đã đưa ra thông điệp hành động mạnh mẽ: “3 ca, 4 kíp”, “vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi” – tất cả vì sự phát triển đất nước. Với tinh thần quyết liệt này, việc giải ngân đầu tư công được kỳ vọng sẽ có bước chuyển biến rõ rệt, tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế năm 2025.

Nhiều địa phương quyết liệt đẩy nhanh giải ngân đầu tư công

Ngay từ đầu năm, các bộ, ngành và địa phương đã ban hành chỉ thị nhằm hiện thực hóa mục tiêu giải ngân 95 - 100% kế hoạch vốn được giao.

Tại Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Bộ trưởng Trần Hồng Minh cho biết tổng kế hoạch vốn được Thủ tướng giao là hơn 81.000 tỷ đồng. Với mục tiêu giải ngân trên 95%, bộ đã nhanh chóng phân bổ chi tiết kế hoạch cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án. Các đơn vị liên quan được yêu cầu coi kết quả giải ngân là tiêu chí đánh giá quan trọng trong hoàn thành nhiệm vụ công tác năm.

Tại TP Hồ Chí Minh, năm 2025, thành phố đặt mục tiêu giải ngân ít nhất 95% trong tổng vốn hơn 84.100 tỷ đồng. Đây là nỗ lực lớn trong bối cảnh nhiều năm liền tỷ lệ giải ngân chưa đạt kỳ vọng. Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi yêu cầu các sở, ngành áp dụng công thức "1 - 3 - 7" để xử lý công việc nhanh chóng: trong một ngày phải giao nhiệm vụ, sau ba ngày báo cáo lại, và với công việc phức tạp hơn, thời hạn tối đa là bảy ngày.

Tại Hà Nội, kế hoạch đầu tư công năm 2025 là hơn 87.000 tỷ đồng, tăng 13% so với năm trước. Thành phố chỉ đạo tập trung giải ngân ngay từ đầu năm, ưu tiên các dự án chuyển tiếp, đã hoàn thành hoặc có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đầu năm bàn chuyện… tiêu tiền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO