Dự thảo Nghị quyết về phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn 2026-2030 thể hiện tư duy chiến lược rõ ràng, phù hợp với định hướng phát triển dài hạn.
Chiều 7/2, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét và thông qua dự thảo Nghị quyết về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công từ ngân sách nhà nước giai đoạn 2026-2030.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh rằng dự thảo Nghị quyết này được xây dựng trên cơ sở quy định tại Điều 51 Luật Đầu tư công số 58/2024/QH15, Điều 20 Luật Ngân sách Nhà nước, cùng với Nghị quyết số 974/2020/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, Chính phủ có trách nhiệm xây dựng Nghị quyết và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Thực hiện quy định của Luật Đầu tư công và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 973/2020/UBTVQH14, đồng thời xây dựng dự thảo Nghị quyết mới cho giai đoạn 2026-2030. Quá trình soạn thảo được thực hiện chặt chẽ, bao gồm việc lấy ý kiến từ các bộ, ngành và địa phương theo đúng quy định.
Trên cơ sở ý kiến đóng góp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư – với vai trò cơ quan chủ trì soạn thảo – đã tổng hợp, tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự thảo Nghị quyết. Sau khi được Bộ Tư pháp thẩm định, dự thảo tiếp tục được chỉnh sửa, trình Chính phủ phê duyệt và gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Tờ trình số 03/TTr-CP ngày 04/01/2025.
Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS đồng tình với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành quy định liên quan đến nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công từ ngân sách nhà nước (NSNN) giai đoạn 2026-2030.
Về các ngành, lĩnh vực sử dụng vốn đầu tư công (Điều 3):Dự thảo Nghị quyết đã phân loại 13 ngành, lĩnh vực theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Đầu tư công. Tuy nhiên, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS cho rằng khoản 2 Điều 7 Luật Đầu tư công năm 2024 đã quy định rõ về ngành, lĩnh vực sử dụng vốn đầu tư công, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết. Do đó, để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, Ủy ban TCNS đề nghị rà soát và loại bỏ Điều 3 trong dự thảo Nghị quyết, tránh trùng lặp với quy định của Luật Đầu tư công.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng đối với một số dự án liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, cần bổ sung nguyên tắc xác định ngành, lĩnh vực chủ đạo của dự án. Hiện nay, Luật Đầu tư công đã có quy định phân loại dự án đầu tư công dựa trên tỷ trọng vốn đầu tư trong tổng mức đầu tư. Do đó, Ủy ban TCNS đề nghị dự thảo Nghị quyết cần thể hiện rõ hơn nguyên tắc này khi xác định ngành, lĩnh vực ghi vốn.
Về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công từ ngân sách trung ương (NSTW) trong nước (Điều 5) và vốn nước ngoài (Điều 6): So với Nghị quyết số 973, dự thảo Nghị quyết lần này quy định riêng về vốn NSTW trong nước và vốn NSTW từ nguồn nước ngoài. Theo đó, vốn NSTW trong nước: Cơ bản kế thừa quy định tại Nghị quyết số 973, tiếp tục giữ nguyên nguyên tắc dành tối đa không quá 30% để bổ sung có mục tiêu cho địa phương, đồng thời phân bổ vốn theo ngành, lĩnh vực. Vốn nước ngoài: Dự thảo bổ sung các quy định nhằm đảm bảo sự phù hợp với kế hoạch tài chính quốc gia và kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm. Đồng thời, quy định rõ ưu tiên bố trí vốn cho các dự án chuyển tiếp và các dự án đủ điều kiện.
Ủy ban TCNS cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo nhưng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan liên quan rà soát kỹ tiêu chí phân bổ vốn đối với các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài, nhằm đảm bảo tính thống nhất với quy định mới của Luật Đầu tư công. Ngoài ra, cần khắc phục những hạn chế trong thực hiện Nghị quyết số 973, đồng thời ưu tiên phân bổ vốn ODA, vốn vay nước ngoài cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, cũng như các dự án gắn với chuyển giao công nghệ trong những lĩnh vực Việt Nam chưa làm hoặc chưa làm chủ được công nghệ.
Có ý kiến đề xuất nghiên cứu bổ sung nguồn vốn đầu tư nhằm thúc đẩy tự động hóa, ứng dụng công nghệ 4.0, đồng thời xem xét bố trí nguồn lực cho quỹ hỗ trợ đầu tư.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) giai đoạn 2026-2030. Tuy nhiên, ông yêu cầu các cơ quan liên quan cần khắc phục tình trạng phân bổ vốn dàn trải, thiếu hiệu quả, đồng thời đảm bảo sự phân bổ hợp lý giữa các ngành, lĩnh vực.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần giải quyết các hạn chế trong thực hiện Nghị quyết số 973, đặc biệt là: Chưa có cơ chế quản lý chặt chẽ trong việc lập kế hoạch, phân bổ vốn đầu tư công từ ngân sách địa phương. Chưa có cơ chế ràng buộc trách nhiệm của địa phương trong việc dành ngân sách cho đầu tư cơ sở hạ tầng. Tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài vẫn ở mức thấp.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị tiếp tục rà soát, cập nhật Luật Đầu tư công năm 2024 để đảm bảo tính đồng bộ, nhất là các quy định về thời gian bố trí vốn cho các dự án nhóm A, B, C cũng như tiêu chí phân bổ vốn cho các dự án sử dụng vốn ODA và nguồn vay ưu đãi nước ngoài.
Về tiêu chí phân bổ vốn đầu tư công, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu rà soát để đảm bảo ưu tiên các dự án cần thiết, có tính cấp bách và hiệu quả cao, đồng thời các tiêu chí này phải được công khai, minh bạch và công bằng. Ngoài ra, ông cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư ưu tiên bố trí vốn cho các lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ủy ban Tài chính - Ngân sách chủ trì, phối hợp với Ủy ban Pháp luật và Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết và xin ý kiến trước khi trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành. Đồng thời, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ tổng hợp các ý kiến và thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đến các cơ quan liên quan để tổ chức thực hiện.
Trong khuôn khổ Phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết nhất trí với các nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết với 100% các thành viên tham gia tán thành.