Đấu thầu trực tuyến bất cập, vì sao?

NGUYỄN GIANG 12/03/2023 04:50

Đấu thầu trực tuyến được coi là phương tiện minh bạch, giúp tiết kiệm chi phí và thời gian, tuy nhiên thực tế cho thấy, còn không ít gói thầu chỉ có 1 nhà thầu tham dự, tỉ lệ tiết kiệm rất thấp…

>>Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi: Cần cụ thể các hành vi bị cấm

hihihihi

Thực tế cho thấy có không ít gói thầu chỉ có 1 nhà thầu tham dự, tỉ lệ tiết kiệm rất thấp. Ảnh minh họa

Tính cạnh tranh chưa cao

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính chung cả năm 2021, đấu thầu qua mạng giúp tiết kiệm khoảng 1.974 tỉ đồng. Trong đó, với bên mời thầu, thời gian lựa chọn nhà thầu qua mạng so với đấu thầu truyền thống trung bình tiết kiệm được 8 ngày, quy đổi theo chi phí tiền lương/ngày công là trên 532 tỉ đồng.

Đối với nhà thầu, các doanh nghiệp khi tham gia đấu thầu qua mạng tiết kiệm được 5 triệu đồng chi phí mua hồ sơ mời thầu, chi phí đi lại, in ấn… so với đấu thầu truyền thống. Theo số liệu thống kê, trong năm 2021, có 115.371 gói thầu đấu thầu qua mạng, số nhà thầu trung bình tham dự là 2,5 nhà thầu/gói thầu. Như vậy, số chi phí hành chính mà nhà thầu tiết kiệm được lên tới 1.442 tỉ đồng.

Song, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2021 (chưa có số liệu năm 2022) số lượng nhà thầu tham gia đấu thầu qua mạng chỉ khoảng 30%, còn kém xa so với mục tiêu 70% vào năm 2025. Có gần 130 ngàn nhà thầu đăng ký trên Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia nhưng chỉ có 42 ngàn nhà thầu tham gia đấu thầu qua mạng. Vẫn còn không ít gói thầu chỉ có 1 nhà thầu dự thầu và tỉ lệ tiết kiệm thấp.

Việc đăng tải thông tin của chủ đầu tư, bên mời thầu cũng còn tồn tại, bất cập. Vẫn còn nhiều đơn vị chậm đăng tải hoặc đăng tải sai các thông tin về đấu thầu theo quy định như: đăng tải báo cáo đánh giá, kết quả lựa chọn nhà thầu của gói thầu khác, đăng tải chắp vá, sai lệch báo cáo đánh giá.

Một số bên mời thầu cố tình đăng tải chưa đúng loại gói thầu theo danh mục phân loại, đăng tải không đầy đủ, thiếu thông tin trong hồ sơ mời thầu, gây khó khăn cho nhà thầu. Một số chủ đầu tư, bên mời thầu không đăng tải hoặc đăng tải không đầy đủ nội dung thông báo mời thầu bằng tiếng Anh đối với gói thầu tổ chức đấu thầu quốc tế.

Tình trạng đấu thầu trực tuyến năm 2022 của một số địa phương như: Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình… cũng cho thấy, số lượng nhà thầu tham gia đấu thầu chưa nhiều, chậm công khai thông tin…

Điển hình như  năm 2022, tỉnh Hòa Bình tổ chức lựa chọn nhà thầu cho 2.884 gói thầu sử dụng vốn ngân sách nhà nước với tổng giá trị 8.136 tỉ đồng, tổng giá trúng thầu gần 8.086 tỉ đồng, giá trị tiết kiệm hơn 50 tỉ đồng; 307 gói thầu sử dụng nguồn vốn mua sắm thường xuyên, mua sắm tập trung với tổng giá trị hơn 113 tỉ đồng, tổng giá trúng thầu hơn 111 tỉ đồng, giá trị tiết kiệm hơn 2 tỉ đồng.

Theo UBND tỉnh Hòa Bình đánh giá, số lượng nhà thầu tham gia các gói thầu trên địa bàn tỉnh này chưa nhiều, giá trúng thầu giảm ít so với giá gói thầu, chưa nâng cao được tính cạnh tranh, tỷ lệ tiết kiệm sau đấu thầu còn thấp. Việc áp dụng đấu thầu qua mạng đã được cải thiện và đạt hiệu quả. Tuy nhiên vẫn còn tình trạng một số gói thầu chỉ có 1 nhà thầu tham dự, khiến cho tính cạnh tranh trong đấu thầu chưa cao.

>>Bít “lỗ hổng” trong đấu thầu

Khắc phục những hạn chế

Theo các chuyên gia, để khắc phục những hạn chế, bất cập trong hoạt động đấu thầu qua mạng, từ năm 2022 tới nay, Chính phủ đã có nhiều động thái, nỗ lực khác nhau. Điển hình như để hạn chế tình trạng một số gói thầu bị nhà thầu phản ánh về việc hồ sơ mời thầu cài cắm các tiêu chí để hạn chế nhà thầu, hoặc các gói thầu đấu thầu qua mạng nhưng chỉ có 1 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu và trúng thầu đang rất phổ biến… Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, có hiệu lực từ ngày 16/9/2022.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Trần Hồng tình (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, tại Thông tư này, cơ quan chức năng đã chỉ rõ các trường hợp được xác định hạn chế nhà thầu gồm: quy định về số lượng nhân sự chủ chốt và thiết bị thi công, thiết bị chủ yếu quá mức cần thiết để thực hiện gói thầu; quy định năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu cao hơn mức yêu cầu của gói thầu; yêu cầu về thiết bị thi công chủ yếu, thiết bị cần thiết cho gói thầu phải thuộc sở hữu của nhà thầu mà không được đi thuê…

Cũng theo luật sư Tình, một quy định nữa cũng được coi là gây hạn chế nhà thầu là quy định các tiêu chí mà pháp luật chuyên ngành không yêu cầu như: giấy phép hành nghề, giấy xác nhận đối tác và các yêu cầu về chứng chỉ, chứng nhận mà pháp luật chuyên ngành không quy định.

“Chẳng hạn, gói thầu chỉnh lý tài liệu yêu cầu nhân sự phải là lưu trữ viên hoặc lưu trữ viên chính, nghĩa là nhân sự phải là viên chức. Quy định này trong hồ sơ mời thầu được coi là vi phạm khoản 2 Điều 12 Nghị định 63/2014/NĐ-CP”, luật sư Tình phân tích.

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN (một đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn đấu thầu) cho biết, ngoài các quy định nêu trên, đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, hồ sơ mời thầu được xác định là hạn chế nhà thầu khi đưa thêm các quy định về kỹ thuật mà chỉ có một sản phẩm cụ thể của một hãng sản xuất cụ thể đáp ứng trong khi trên thị trường có nhiều hãng sản xuất có thể cung cấp hàng hóa thuộc gói thầu…

Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT nêu rõ, hồ sơ mời thầu gói thầu xây lắp không được yêu cầu nhà thầu phải có xác nhận khảo sát hiện trường hoặc yêu cầu chứng minh việc đã khảo sát hiện trường; việc nêu tên nhà thầu phụ đặc biệt bắt buộc nhà thầu chính phải sử dụng cũng là trường hợp hạn chế nhà thầu tham gia…

“Những quy định cụ thể về các trường hợp hồ sơ mời thầu hạn chế nhà thầu được liệt kê tại thông tư trên là bảng tham chiếu để các chủ đầu tư, bên mời thầu, đơn vị tư vấn khi lập hồ sơ mời thầu lưu ý, tránh cài cắm và không đưa ra các yêu cầu thiếu minh bạch, kém cạnh tranh trong hồ sơ mời thầu. Còn nhà thầu có thể soi chiếu các quy định này với hồ sơ mời thầu để kịp thời có ý kiến với chủ đầu tư, có cơ sở để không chấp hành một số yêu cầu làm hạn chế nhà thầu”, luật sư Hiệp chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm

  • Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi: Cần cụ thể các hành vi bị cấm

    Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi: Cần cụ thể các hành vi bị cấm

    00:23, 14/01/2023

  • Đấu thầu vật tư y tế tại Nghệ An chưa thông do đâu?

    Đấu thầu vật tư y tế tại Nghệ An chưa thông do đâu?

    00:30, 04/01/2023

  • Bít “lỗ hổng” trong đấu thầu

    Bít “lỗ hổng” trong đấu thầu

    00:00, 26/12/2022

  • Tổ chức đấu thầu - nhìn từ quốc tế

    Tổ chức đấu thầu - nhìn từ quốc tế

    15:00, 25/12/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đấu thầu trực tuyến bất cập, vì sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO