Theo VCCI, các quy định về hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu cần được điều chỉnh theo hướng cụ thể hơn, tránh định tính dẫn đến việc mỗi bên có thể diễn giải theo một kiểu…
Theo đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn gửi Ủy ban Tài chính, Ngân sách liên quan tới việc lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi).
>>Còn chồng chéo giữa Luật Đấu thầu và Luật Xây dựng
Theo VCCI, Điểm c khoản 2 Điều 16 Dự thảo quy định cấm chủ đầu tư, bên mời thầu “Nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trong hồ sơ mời thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp hoặc gói thầu hỗn hợp khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 và 4 Điều 41 của Luật này”.
Khoản 4 Điều 41 Dự thảo quy định “trường hợp cần thiết” để đảm bảo mua được hàng hóa có chất lượng tốt đáp ứng yêu cầu sử dụng thì trong hồ sơ mời thầu có thể quy định về xuất xứ của hàng hóa từ một số quốc gia, vùng lãnh thổ”. VCCI cho rằng quy định này chưa đủ rõ ràng và trao nhiều quyền cho bên mời thầu quyết định việc xác định xuất xứ của hàng hóa.
Kết hợp điều này với điểm c khoản 2 Điều 16 Dự thảo, rất khó để xác định khi nào thì yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ thuộc trường hợp cấm lúc nào thì thuộc trường hợp được phép. Vì “trường hợp cần thiết” là một khái niệm rất chung, mang tính định tính và các bên có thể diễn giải áp dụng theo các cách khác nhau.
Liên quan tới các trường hợp hủy thầu đối với lựa chọn nhà đầu tư (Điều 17), Khoản 2 Điều 17 Dự thảo liệt kê các trường hợp hủy thầu đối với lựa chọn nhà đầu tư, trong đó có trường hợp quy định tại điểm b là “thay đổi mục tiêu, quy mô, địa điểm, vốn đầu tư của dự án trong quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư (đối với dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư) hoặc quyết định phê duyệt danh mục dự án đầu tư kinh doanh (đối với dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư) ảnh hưởng tới hồ sơ mời thầu”.
>>Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi): Góp phần nâng tầm hàng Việt
Theo quy định tại khoản 4 Điều 17 Dự thảo thì trường hợp hủy thầu theo quy định tại điểm b khoản 2 thì các bên liên quan sẽ không được đền bù chi phí. Theo VCCI, điều này dường như chưa thật phù hợp và đảm bảo công bằng cho các nhà đầu tư khi tham dự thầu. Các nhà đầu tư đã phải bỏ ra chi phí để tham gia đấu thầu. Việc thay đổi mục tiêu, quy mô, địa điểm, vốn đầu tư của dự án xuất phát từ cơ quan nhà nước, không phải là lỗi của các nhà đầu tư. Do đó, VCCI đề xuất trong trường hợp này, nhà đầu tư cần phải được đền bù về chi phí tương tự như cơ chế bồi hoàn chi phí liên quan đến việc tham dự thầu của nhà thầu quy định tại Điều 39 Dự thảo.
Bên cạnh đó, VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc điều chỉnh quy định tại Dự thảo theo hướng bỏ mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế từ nguồn thu từ dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và nguồn thu hợp pháp khác của cơ sở y tế công lập là đối tượng phải thực hiện đấu thầu.
Đối với các quy định liên quan đến đấu thầu quốc tế (Điều 11); lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt (Mục 2 Chương II); hợp đồng với nhà đầu tư (Mục 2 Chương VII)…VCCI đề xuất điều chỉnh theo hướng có thể định lượng hơn để tránh bị lạm dụng.
Có thể bạn quan tâm