Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, Dự án điện gió Kê Gà ở Bình Thuận có tổng công suất đạt 3.400MW là một dự án có quy mô vốn đầu tư gần 12 tỷ USD tầm cỡ khu vực và thế giới.
Theo đề xuất, dự án được lên kế hoạch thực hiện trên diện tích gần 2.000 km, cách đất liền tổi thiểu 20 km ngoài khơi tỉnh Bình Thuận, tính từ mũi Kê Gà, được xem là đột phá mới cho năng lượng tái tạo ở Việt Nam.
Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, chuyên đề về dự án điện gió Kê Gà nhằm mục đích làm sáng tỏ những yêu cầu, thách thức và những hỗ trợ của các cơ quan hữu trách để dự án sớm hoàn thành thủ tục đầu tư, sớm triển khai xây dựng, nhằm tăng thêm nguồn điện lớn cho hệ thống điện của Việt Nam. Nhất là khi đây là nguồn năng lượng sạch, không gây ô nhiễm môi trường và hiệu ứng nhà kính.
Nhà đầu tư Enterprize Enegry đến từ Anh cũng cho biết, các đối tác Việt Nam trong Dự án này là Công ty liên doanh dầu khí Việt - Nga (Vietsovpetro), Công ty cổ phần Kết cấu kim loại và Lắp máy dầu khí (PVC - MS) và Công ty cổ phần Tư vấn Điện 3 (EVN PCCE3); nhà cung cấp thiết bị tuabin là Mitsubishi Vestas Offshore Wind (MVOW - một liên doanh giữa Vestas và Mitsubishi); nhà cung cấp tài chính là Ngân hàng Societe Genarale.
Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cũng cho hay, trong mục tiêu của Tổng sơ đồ điện 7 hiệu chỉnh thì tầm nhìn tới năm 2030, Việt Nam cần tới 20% sản lượng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo. Đến nay, việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo gồm điện gió, điện mặt trời đạt tỷ lệ rất thấp, chưa đầy 1% so với yêu cầu. Dự án điện gió Kê Gà được hoàn thành sẽ đóng góp vào nguồn năng lượng tái tạo của Việt Nam một giá trị to lớn.
Ông Ian Hatton - Chủ tịch Enterprize Enegry cho hay, dự án sẽ được phân kỳ đầu tư với công suất mỗi giai đoạn khoảng 600 MW. Tổng vốn đầu tư được thu xếp cho dự án 3.400 MW vào khoảng 9 tỷ USD, chưa kể phần đầu tư kết nối vào lưới điện quốc gia. Nhà đầu tư cũng đã làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận và được ủng hộ đặc biệt.
Hiện giá mua điện gió ngoài khơi đang được quy định là 9,8 cent/kWh được áp dụng cho một phần, hoặc toàn bộ nhà máy điện gió nối lưới có ngày vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021 và được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.
Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nội dung chính của Chiến lược là khuyến khích huy động mọi nguồn lực để đẩy mạnh phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội bền vững và phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo góp phần thực hiện các mục tiêu môi trường bền vững và phát triển nền kinh tế xanh. |