Đề xuất giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp: Phải sàng lọc đối tượng hỗ trợ

THY HẰNG 11/06/2020 15:40

Nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng tiêu chí doanh thu dưới 50 tỷ đồng và lao động dưới 100 người để áp dụng giảm 30% thuế TNDN năm 2020 là chưa đầy đủ, cần sàng lọc kỹ tránh cào bằng và trục lợi.

Ngày 11/6, Quốc hội nghe trình bày và thảo luận tại Tổ về dự thảo Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác.

Chính phủ đề xuất

Chính phủ đề xuất giảm 30% thuế TNDN với doanh nghiệp có doanh thu dưới 50 tỷ đồng và lao động dưới 100 người. Ảnh: TTXVN

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu đồng tình trong việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 với doanh nghiệp nhỏ và vừa, tuy nhiên cần sàng lọc đối tượng thụ hưởng.

Theo đó, Đại biểu Trương Thị Bích Hạnh (Đoàn Bình Dương) đồng tình cho rằng cần thiết phải ban hành Nghị quyết giảm thuế thu nhập đối với doanh nghiệp, hợp tác xã và các đối tượng bị ảnh hưởng theo đúng mục tiêu là hướng tới nhóm đối tượng thực sự khó khăn, cần hỗ trợ trong giai đoạn dịch COVID-19.

Tuy nhiên, Đại biểu đoàn Bình Dương băn khoăn bởi có hai tiêu chí là doanh thu dưới 50 tỷ đồng và lao động dưới 100 người nhưng lại không xác định mục tiêu chính thực sự khó khăn trong giai đoạn cần hỗ trợ. 

“Nếu quy định như thế này thì cào bằng và không cần tiêu chí thực sự khó khăn vì chỉ cần đảm bảo hai điều kiện doanh thu và lao động là được hưởng”, Đại biểu Trương Thị Bích Hạnh nói.

Theo đó, Đại biểu lấy ví dụ về những chính sách hỗ trợ thuế thời gian vừa qua khi triển khai vào thực tế đã có bất cập, đối tượng không cần hỗ trợ lại được nhận hỗ trợ, còn đối tượng cần sự hỗ trợ nhất lại gặp khó khăn vì có quan hệ lao động tại các doanh nghiệp.

Chẳng hạn tại Bình Dương, đối tượng chịu tác động của dịch COVID-19 đã lên tới trên 50.000 người và hiện chưa có công nhận lao động được nhận hỗ trợ. Sở dĩ vậy là do quy định người lao động thực sự bị ảnh hưởng đã ngưng việc, thậm chí bị chấm dứt hợp đồng nhưng điều kiện được hưởng lại phụ thuộc phía doanh nghiệp phải làm thủ tục. Trong khi đó, điều kiện về doanh nghiệp phải không có doanh thu và không có nguồn tài chính sau khi đã sử dụng hết các quỹ dự phòng.

Do đó, Đại biểu cho rằng, điều kiện này không thể thực hiện được bởi doanh nghiệp đang hoạt động thì khó có chuyện không có doanh thu và không có nguồn tài chính. Ngoài ra, mục tiêu của chính sách hỗ trợ giúp doanh nghiệp và người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn, tiếp tục phát triển chứ không phải áp dụng cho doanh nghiệp giải thể phá sản.

“Tại Bình Dương, nhiều doanh nghiệp mới làm được vài thủ tục ban đầu nhưng khi đến chứng minh doanh thu thì các doanh nghiệp này không làm được. Đó là chưa kể những yếu tố khác như uy tín công ty…vì muốn xác định điều này đòi hỏi phải có báo cáo tài chính với cơ quan thuế. Hơn nữa, chính sách cho doanh nghiệp vay lãi suất 0% để trả lương cho người lao động hiện nay cũng gần như không có doanh nghiệp nào làm được”, Đại biểu chia sẻ.

Vì vậy, về mặt chủ trương cần thiết giúp doanh nghiệp giảm doanh thu, giảm lợi nhuận do dịch bệnh thì giảm thuế là cần thiết, tuy nhiên Đại biểu Trương Bích Hạnh nhấn mạnh phải giảm đúng đối tượng chứ không thể cào bằng.

“Tôi nghĩ rằng Nghị quyết giảm thuế thu nhập đối với doanh nghiệp, hợp tác xã và các đối tượng bị ảnh hưởng cần tính toán để có quy định cho đúng đối tượng, đúng tiêu chí thực sự khó khăn, phải giảm doanh thu hoặc giảm lợi nhuận so với năm 2019 thì mới thực hiện chứ như hiện nay thực sự hoàn toàn không ổn”, Đại biểu đoàn Bình Dương nói.

Đồng quan điểm, Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, Nghị quyết cũng xác định rất rõ tiêu chí nhưng không nêu rõ đối tượng thụ hưởng. Vì thế, cần đưa ra tiêu chí rõ ràng để định lượng và xác định được đối tượng cụ thể.

“Do vậy, tôi băn khoăn cần có tiêu chí để cho chính xác. Bởi việc đưa ra trong tiêu chí là doanh nghiệp có mức thu dưới 50 tỷ đồng nhưng không có nghĩa là doanh nghiệp doanh thu dưới 50 tỷ đồng là khó khăn”, Đại biểu Hoàng Văn Cường nói.

Đại biểu đoàn Hà Nội nhấn mạnh, mục tiêu của chính sách này là ủng hộ cho doanh nghiệp khó khăn, song có doanh nghiệp lại thuận lợi hơn nhờ COVID-19. Do vậy, điều kiện tiên quyết ở đây là phải xác định rõ đối tượng nào thực sự gặp khó khăn để được thụ hưởng chính sách này.

Bởi khi đưa ra con số dưới 50 tỷ đồng doanh thu và dưới 100 lao động đóng bảo hiểm xã hội đặt ra nguy cơ trục lợi chính sách rất cao. Lẽ ra doanh nghiệp có khả năng doanh thu cao nhưng họ sẽ dừng lại ở mức này hoặc kê khai gian dối. Cùng với đó, lẽ ra doanh nghiệp phải đóng đủ bảo hiểm cho 100 người nhưng lại chỉ đóng dưới số đó để được hưởng ưu đãi. Ngoài ra, hiện nay Luật Doanh nghiệp cũng đang hướng tới việc đưa các hộ kinh doanh phát triển chính thống như doanh nghiệp.“Nếu hộ nào đăng ký có được con số chính xác về lao động, doanh thu…sẽ chính thức trở thành đối tượng được hỗ trợ chính sách ưu đãi. Tôi cho rằng đây sẽ là tác động lan toả tích cực và tôi đồng tình với chính sách này”, Đại biểu đoàn Hà Nội nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Quốc hội xem xét giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020

    11:00, 11/06/2020

  • Quốc hội thông qua Nghị quyết về miễn 7.500 tỷ đồng/năm thuế sử dụng đất nông nghiệp

    16:00, 10/06/2020

  • Đề xuất giảm 30% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay

    00:53, 09/06/2020

  • EVFTA: Cơ hội giảm thuế, tái cấu trúc chuỗi cung ứng

    05:30, 08/06/2020

  • Kiềm chế áp dụng phi thuế quan không cần thiết

    19:03, 04/06/2020

  • Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất

    11:00, 04/06/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đề xuất giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp: Phải sàng lọc đối tượng hỗ trợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO