Một số chính sách, cơ chế đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã được bàn thảo
Sau khi đặt ra một số vấn đề lý luận về “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, Đảng, Chính phủ và Quốc hội nhanh chóng bắt tay hiện thực hóa trong thực tiễn. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW “về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”.
Ngay sau đó Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số gồm 19 thành viên - được thành lập, do đích thân Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng ban.
Tại kỳ họp Quốc hội lần này, Nghị quyết về thí điểm một số chính sách, cơ chế đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã được bàn thảo kỹ càng. Mở đường cho bộ “Luật Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo”, “Luật Công nghiệp công nghệ số”.
Thể chế mới bao gồm những quyết sách đột phá chưa từng có: cho phép cơ sở nghiên cứu được sở hữu và có quyền tự quyết đối với kết quả nghiên cứu; chủ động thương mại hóa ngay sau khi kết thúc nghiên cứu. Người làm nghiên cứu cũng được hưởng tối thiểu 30% kết quả thương mại hóa; được phép tham gia lập và điều hành doanh nghiệp,…
“Kỷ nguyên mới” - có thể cắt nghĩa là giai đoạn làm cho đất nước trở nên vĩ đại, trên cơ sở nền kinh tế hùng cường, trụ đỡ chính là khoa học và công nghệ. Được đại diện bởi các ngành, như: năng lượng xanh, chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI).
Phát biểu tại Quốc hội, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh “đi sau thì phải đi tắt, đón đầu về khoa học công nghệ”. Vì vậy, cho dù khoa học, công nghệ là con đường đầy chông gai, nhưng phải tìm ra “lối tắt”, nhịp độ phát triển thần tốc. Đặc biệt, then chốt của then chốt là nguồn lực, gồm có con người và vốn.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, bên cạnh chính sách vĩ mô của Nhà nước, khoa học công nghệ thường phát sinh từ nhu cầu trực tiếp của doanh nghiệp, được nâng đỡ bởi nguồn đầu tư xã hội hóa “không tiếc tay”, đặc biệt là sự tham gia của doanh nghiệp khu vực tư nhân.
Ở Việt Nam đã manh nha hình thành mối quan hệ khoa học, công nghệ giữa doanh nghiệp và trường đại học, viện nghiên cứu. Nhưng vẫn còn vướng mắc về thủ tục hành chính.
Với quy định hiện hành, chưa cho phép nhà khoa học ở trường đại học công làm việc về nghiên cứu và phát triển cho doanh nghiệp tư nhân. Chưa có tiền lệ trường đại học tự định giá tài sản trí tuệ thuộc sở hữu của đơn vị và sử dụng kết quả định giá đó cho việc góp vốn hình thành doanh nghiệp khoa học, công nghệ.
Ở một khía cạnh khác, “Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013” đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ cho “doanh nghiệp được thành lập Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ”. Kết quả hiện nay: Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup, giải thưởng quốc tế VinFuture; Tập đoàn Sao Mai; Dược Hậu Giang, Vinamilk,…đã có quỹ hàng trăm tỷ đồng cho khoa học, công nghệ.
Ở Mỹ và Trung Quốc phần lớn những công nghệ mới nhất hiện nay là kết quả hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học, viện nghiên cứu. Sản phẩm cuối cùng là những startup “Kỳ lân”.
Ví dụ, DeepSeek do Quỹ đầu tư tư nhân tại Chiết Giang (Trung Quốc) phát triển, đội ngũ kỹ sư tạo ra DeepSeek đều được đào tạo từ các trường đại học danh tiếng trong nước - Thanh Hoa và Bắc Kinh. Nền tảng này nhanh chóng được hỗ trợ để thương mại hóa trong vòng vài tháng kể từ khi ra đời.
Giáo sư Yanbo Wang (Đại học Hồng Kông) cho rằng: “Sức mạnh AI lâu dài của Trung Quốc không chỉ phụ thuộc vào hệ thống giáo dục mà còn vào cách Chính phủ đối xử với các nhà đầu tư và doanh nghiệp”.