Nghiên cứu - Trao đổi

Cần có chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao để phát triển khoa học, công nghệ

Yến Nhung 18/02/2025 04:00

Nhiều ý kiến cho rằng, chính sách thu hút, phát triển nguồn nhân sự chất lượng cao cho việc phát triển khoa học và công nghệ là vấn đề rất cấp bách.

Thực tế cho thấy, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có sự tác động mạnh mẽ, sâu rộng và đa chiều trên phạm vi toàn cầu. Công nghệ số trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, làm thay đổi phương thức quản lý Nhà nước, mô hình sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và đời sống văn hóa, xã hội. Để đón đầu các xu hướng công nghệ hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, chính sách thu hút, phát triển nguồn nhân sự chất lượng cao cho việc phát triển khoa học và công nghệ là vấn đề rất cấp bách.

dao-tao-nghe.jpg
Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có sự tác động mạnh mẽ, sâu rộng và đa chiều trên phạm vi toàn cầu - Ảnh: ITN

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành khoa học, công nghệ trong năm 2025 và những năm tới là phát triển mạnh nhân lực khoa học, công nghệ, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực ngành bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây. Hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, tạo điều kiện cho các nhóm nghiên cứu trẻ, đồng thời có cơ chế, chính sách ưu tiên, đột phá, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để thu hút nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài tham gia phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Về mối liên kết giữa Nhà nước- nhà trường- doanh nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, Nghị quyết số 03/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW xác định 41 chỉ tiêu chính và 140 nhiệm vụ cụ thể, trong đó Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao chủ trì 10 nhiệm vụ riêng và 21 nhiệm vụ chung. Bộ Giáo dục và Đào tạo tuy không được giao trực tiếp chủ trì, theo dõi chỉ tiêu cụ thể nào, nhưng phần lớn các chỉ tiêu chính đều có sự tham gia, đóng góp quan trọng của ngành giáo dục đào tạo. Việc tăng số lượng và chất lượng nguồn nhân lực trình độ cao có tác động mạnh tới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bởi 3 yếu tố là tăng năng suất lao động trực tiếp và gián tiếp; tăng thu hút đầu tư và phát triển các lĩnh vực thâm dụng tri thức và công nghệ; và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực có giá trị gia tăng lớn.

Bộ trưởng khẳng định, thu hút và phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ chất lượng cao, nhất là đội ngũ nhân tài công nghệ ngày nay đã trở thành yếu tố cạnh tranh cốt lõi giữa các quốc gia, trong đó hệ thống giáo dục đại học giữ vai trò nòng cốt. Các cơ sở giáo dục đại học vừa là cái nôi đào tạo nhân lực chất lượng cao, nuôi dưỡng và phát triển nhân tài khoa học, công nghệ; nhiều đại học đồng thời là những trung tâm nghiên cứu lớn, đi đầu trong chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo.

“Các cơ sở giáo dục đại học đóng góp chủ lực cho lực lượng cán bộ nghiên cứu hiện nay, cả về số lượng và trình độ. Hiện nay, có khoảng 90.000 giảng viên với 1/3 có trình độ tiến sĩ, cùng với khoảng trên 120.000 học viên sau đại học, cùng với khoảng 85% số công bố quốc tế cũng như các phát minh sáng chế giải pháp khoa học công nghệ. Do vậy, để tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phải chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, bắt đầu từ đột phá trong phát triển giáo dục đại học”, Bộ trưởng chia sẻ.

Chính sách thu hút, phát triển nguồn nhân sự chất lượng cao cho việc phát triển khoa học và công nghệ là vấn đề rất cấp bách - Ảnh: ITN
Chính sách thu hút, phát triển nguồn nhân sự chất lượng cao cho việc phát triển khoa học và công nghệ là vấn đề rất cấp bách - Ảnh: ITN

Xoay quanh vấn đề này, nhấn mạnh cần có chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao để phát triển khoa học, công nghệ trong Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đại biểu Hoàng Minh Hiếu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An chia sẻ, chỉ riêng nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành công nghệ thông tin, theo nghiên cứu của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam, năm 2025, Việt Nam thiếu 150.000-200.000 nhân lực, đặc biệt ở các lĩnh vực như AI, Big Data, lập trình viên và bảo mật an ninh mạng. Để có đủ số lượng này, Việt Nam vừa cần có các chuyên gia quốc tế có kinh nghiệm để đào tạo nhân lực trong nước, vừa cần có những nhân sự người nước ngoài đến làm việc ở Việt Nam.

“Do vậy, cần có chính sách để các doanh nghiệp, trung tâm nghiên cứu có thể tuyển dụng đội ngũ chuyên gia người Việt ở nước ngoài cũng như chuyên gia quốc tế tham gia đào tạo, nuôi dưỡng nhân tài ở Việt Nam thông qua các chính sách như hỗ trợ về thị thực, miễn giảm thuế và các chính sách khác để họ có thể tham gia làm việc và đào tạo nhân tài một cách ổn định, lâu dài tại Việt Nam. Chúng ta cần phải có chính sách này một cách kịp thời và cạnh tranh vì hiện nay các nước trong khu vực cũng đã có những chính sách thị thực rất cởi mở để thu hút nhân sự chất lượng cao”, đại biểu Hoàng Minh Hiếu đề xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cần có chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao để phát triển khoa học, công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO