Nghiên cứu - Trao đổi

Nghị quyết 57-NQ/TW: Cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ số

Bài: Gia Nguyễn - Ảnh: Quốc Tuấn 17/02/2025 04:00

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, theo chuyên gia, Nghị quyết 57-NQ/TW được ví như “một luồng gió mới” tạo cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ số.

Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được coi là Nghị quyết của hành động.

nghi-quyet-57-16.2.2.jpg
Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được coi là Nghị quyết của hành động - Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, Nghị quyết đã xác định nhà khoa học ở vị trí trung tâm, then chốt, đi cùng với đó là những cơ chế, chính sách đãi ngộ xứng đáng. Bởi, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không thể phát triển đột phá nếu thiếu đội ngũ nhà khoa học.

Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng cho phép trường hợp nghiên cứu không thành công, nhà khoa học có thể dừng lại mà không phải bồi thường kinh phí. Và họ cần công bố kết quả không thành công để cộng đồng khoa học tránh lặp lại sai lầm, coi đó như bài học kinh nghiệm. Với cơ chế này sẽ giải quyết vấn đề trong nghiên cứu hiện nay là nhà khoa học phải làm đủ mọi cách để đề tài được nghiệm thu theo đúng sản phẩm đăng ký ban đầu. Như vậy, về cơ chế tài chính, sẽ giúp “cởi trói” cho nhà khoa học.

Bởi thực tế hiện nay, các đề tài nghiên cứu dùng ngân sách phải qua quy trình đánh giá, nghiệm thu hàng năm theo từng chuyên đề rất phức tạp. Các thủ tục tài chính, kế toán cũng chiếm nhiều thời gian của nhà khoa học, dẫn đến rất nhiều công trình nghiên cứu sau khi nghiệm thu phải cất vào ngăn kéo, không được ứng dụng vào thực tế.

nghi-quyet-57-16.2.1.jpg
Theo chuyên gia, Nghị quyết 57-NQ/TW được ví như “một luồng gió mới” tạo cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ số - Ảnh minh họa

Các chuyên gia cũng cho rằng, trong các yếu tố làm nên năng lực khoa học công nghệ của một quốc gia, thì các tài năng khoa học và công nghệ là nguồn lực quan trọng và khan hiếm nhất. Chính vì thế, việc phát hiện, tập hợp, bồi dưỡng và phát huy các tài năng trong các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với việc xây dựng năng lực công nghệ cho đất nước trong giai đoạn mới.

Điều này không chỉ định vị đúng vai trò và vị trí của các nhà khoa học trong xã hội, mà còn khơi dậy khát vọng cống hiến và sự dấn thân của đội ngũ trí thức trong và ngoài nước, tạo động lực để họ nỗ lực thực hiện trách nhiệm và sứ mệnh trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất được kỳ vọng sẽ mở ra hướng đi mới trong rất nhiều lĩnh vực có thế mạnh về xuất khẩu của Việt Nam. Với vị thế ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế, Việt Nam tham gia rất nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, các cơ chế đa phương, trở thành đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược với nhiều quốc gia.

Đồng tình với các nhận định đã nêu, không ít ý kiến cũng cho rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, Nghị quyết số 57-NQ/TW được ví như “một luồng gió mới” tạo cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ số.

Theo ông Nguyễn Tuấn Huy - Trưởng ban Chuyển đổi số Tổng Công ty Viễn thông MobiFone, từ Nghị quyết 57-NQ/TW, cộng đồng công nghệ thông tin, viễn thông Việt Nam nhìn thấy nhiều cơ hội. Nghị quyết đặt ra việc Việt Nam dành 2% của GDP cho nghiên cứu phát triển, 3% của ngân sách quốc gia cho đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và chuyển đổi số.

Nghị quyết cũng đặt ra mục tiêu để phấn đấu là đến năm 2030, đưa Việt Nam nằm trong top 3 Đông Nam Á, top 50 của thế giới về năng lực cạnh tranh số. Việt Nam sẽ phủ sóng 5G toàn quốc năm 2030; hoàn thành triển khai thành phố thông minh của các thành phố Trung ương; thu hút được 3 tổ chức hàng đầu về công nghệ của thế giới đặt trụ sở và nghiên cứu phát triển sản xuất tại Việt Nam.

“Trong những mục tiêu này, cộng đồng công nghệ thông tin, viễn thông của Việt Nam nhìn thấy nhiều cơ hội để tham gia vào các công nghệ mới như: bán dẫn, nano, lượng tử, internet kết nối vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), các công nghệ về đám mây (cloud), dữ liệu lớn (big data)…”, ông Nguyễn Tuấn Huy chia sẻ.

Còn theo ông Ngô Diên Hy - Phó Chủ tịch Hiệp hội phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam VINASA, có thể thấy, từ chỗ phải sử dụng các giải pháp của nước ngoài, vẫn chưa có nhiều các sản phẩm, giải pháp công nghệ Make in Việt Nam, Nghị quyết số 57-NQ/TW sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số khi dành kinh phí 2% GDP (trong đó kinh phí từ xã hội chiếm hơn 60%).

“Nghị quyết cũng nêu rõ bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hàng năm cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và tăng dần theo yêu cầu phát triển. Như vậy, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội để phát triển các giải pháp thông minh hơn phục vụ cho tất cả các ngành, các lĩnh vực, ứng dụng vào quá trình sản xuất của các doanh nghiệp cũng như cuộc sống của người dân”, vị này bày tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nghị quyết 57-NQ/TW: Cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO