Góp ý Dự án Luật sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ, nhiều ý kiến cho rằng, nội dung chính sách phải kịp thời thể chế hóa các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 57-NQ/TW.
Theo đó, nhằm xây dựng hành lang pháp lý thuận lợi, tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng Dự án Luật sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ.
Và tại Quyết định số 1372/QĐ-TTg ngày 13/11/2024, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua việc chuyển tên Dự án Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) thành Dự án Luật Khoa học và Đổi mới sáng tạo. Dự thảo Luật gồm 14 Chương và 83 Điều; trong đó nhiều nội dung chính, quan trọng được kế thừa từ Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013.
Luật được xây dựng nhằm tạo tác động một cách tích cực, hiệu lực và hiệu quả tới các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ theo cách tiếp cận toàn diện của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, thúc đẩy cả ba chức năng tạo ra tri thức, ứng dụng tri thức và truyền bá tri thức mạnh mẽ hơn trong đời sống xã hội và đóng góp cho nhân loại.
Từ đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an ninh, an toàn cho quốc gia, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực để hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đạt mục tiêu kép của quốc gia vào năm 2030 và 2045 như Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Góp ý xây dựng, hoàn thiện Dự án Luật này, nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh mới, việc sửa đổi Luật lần này không chỉ thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng ban hành mà còn phải kịp thời thể chế hóa các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 57-NQ/TW.
Theo đó, trọng tâm đầu tiên của Luật cần khẩn trương sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện đồng bộ các quy định pháp luật về khoa học, công nghệ, đầu tư, đầu tư công, mua sắm công, ngân sách Nhà nước, tài sản công, sở hữu trí tuệ, thuế... có cách tiếp cận mở, vận dụng sáng tạo, cho phép thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra. Chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Ngoài ra, nên có cơ chế thí điểm để doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới có sự giám sát của Nhà nước; có chính sách miễn trừ trách nhiệm đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong trường hợp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mà có thiệt hại về kinh tế do nguyên nhân khách quan. Hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo, ươm tạo công nghệ và chuyển đổi số.
Đồng thời, phải nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phát triển các viện nghiên cứu, trường đại học trở thành các chủ thể nghiên cứu mạnh, kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo. Luật phải phát huy tính gắn kết 3 “nhà” (Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp) để phát huy được sức mạnh chung, nâng cao hiệu lực, hiệu quả các tổ chức nghiên cứu khoa học công nghệ.
Bên cạnh đó, Luật sửa đổi lần này cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ, phát triển các tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ công lập hoạt động hiệu quả; thu hút, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia; có cơ chế khuyến khích mua sắm công đối với các sản phẩm, hàng hoá là kết quả nghiên cứu khoa học do doanh nghiệp trong nước tạo ra;...
Theo đại diện Trung tâm con người và Thiên nhiên, việc phân định rõ loại hình tổ chức khoa học và công nghệ phi lợi nhuận sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, đồng thời tăng khả năng hợp tác quốc tế và thu hút tài trợ.
Vị đại diện này đề nghị, bổ sung các nội dung liên quan đến công nghệ xanh, phát triển bền vững và chuyển đổi số nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Còn theo TS Phạm Văn Tân - Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, không cần thiết phải thêm thuật ngữ “Đổi mới sáng tạo” vào tên Luật vì nội hàm này đã nằm trong tên gọi “khoa học và công nghệ”. Thay vào đó, sự đột phá nên nằm ở nội dung của văn bản.
Ông Phạm Văn Tân đề nghị, bổ sung các điều khoản liên quan đến chuyển đổi số để phù hợp với Nghị quyết 57-NQ/TW; quy định rõ tỷ lệ ngân sách Nhà nước dành cho khoa học công nghệ, đảm bảo ít nhất 3% tổng chi ngân sách Nhà nước, phù hợp với Nghị quyết; đồng thời nhấn mạnh việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.
Được biết, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2025, Dự án Luật này sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).