Trong môi trường thương mại quốc tế ngày càng gay gắt, việc thúc đẩy KHCN trong cộng đồng doanh nghiệp trở thành yêu cầu tất yếu để phát triển đối với mỗi nền kinh tế.
Thúc đẩy phát triển
Theo ông Phạm Văn Thể - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh: Để hội nhập kinh tế quốc tế hiệu quả dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đòi hỏi các doanh nghiệp của Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp Quảng Ninh không những cần có khả năng khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, mà còn phải nhanh nhạy trong việc phát triển, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, gắn chặt chiến lược sản xuất, kinh doanh với hoạt động nghiên cứu khoa học và đội ngũ các nhà khoa học.
Thời gian qua, bằng những bước tiến mạnh mẽ, Quảng Ninh đang cho thấy rõ quyết tâm trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phấn đấu đi đầu về ứng dụng và chuyển giao khoa học, công nghệ (KHCN). Trong bức tranh tăng trưởng KT-XH bền vững của Quảng Ninh, phải nói tới điểm sáng về thúc đẩy đổi mới, phát triển KHCN trong cộng đồng doanh nghiệp.
Đại diện Công ty TNHH Ngọc Khánh VT cho biết: Thời gian qua bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất, áp dụng công nghệ vào nuôi trồng, sản xuất thủy sản, Công ty đặc biệt quan tâm tham gia nghiên cứu khoa học, thực hiện các đề tài, nhiệm vụ KHCN từ cấp cơ sở đến cấp bộ.
Từ năm 2014-2017, Công ty đã lần lượt chủ trì thực hiện nhiệm vụ KHCN “Ứng dụng KHCN trong sản xuất giống và nuôi thương phẩm ghẹ xanh tại Móng Cái” và “Ứng dụng KHCN trong sản xuất ghẹ lột Móng Cái”. Hiện nay, Công ty đã có các sản phẩm chinh phục thị trường quốc tế, tạo doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Đặc biêt, Công ty ngày càng nâng cao năng lực sản xuất, chế biến, mở rộng thị trường tiêu thụ nhờ định hướng phát triển KHCN trong nhiều năm qua.
Đại diện Công ty CP Giống cây trồng Quảng Ninh chia sẻ: Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh giống cây trồng và chuyển giao dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp. Công ty đã được Bộ NN&PTNT công nhận 16 giống lúa quốc gia. Thành công đến từ việc chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ kỹ thuật, đủ năng lực để thực hiện các đề tài khoa học nghiên cứu.
Thời gian qua, doanh nghiệp đã cơ giới hóa 90% các khâu sản xuất, gồm: Dàn máy sấy thóc công suất 30 tấn/ngày; trạm giám sát sâu rầy thông minh tại TP Đông Triều; thiết bị bay không người lái để phun thuốc trừ sâu... Bình quân mỗi năm, Công ty cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh 1.200 tấn giống lúa các loại, giá 22.000 đồng/kg, thấp hơn từ 16.000-18.000 đồng/kg so với các giống lúa tỉnh ngoài.
Ông Đỗ Quang Sáng – Chủ tịch HĐQT Công ty XNK Thủy sản Quảng Ninh cho biết: Phát triển khoa học và công nghệ phải gắn chặt với đổi mới sáng tạo. Theo đó, cần phát triển hệ thống sáng tạo quốc gia, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm ứng dụng công nghệ và phát triển sản phẩm.
Trong đó, các trường đại học và viện nghiên cứu là chủ thể nghiên cứu và phát triển. Tạo cơ chế liên kết chặt chẽ, hữu cơ giữa các cơ sở nghiên cứu với các doanh nghiệp trên cơ sở chia sẻ về trách nhiệm và lợi ích tương hỗ.
Cần nhân rộng
Được biết, hết năm 2024, toàn tỉnh có 27 doanh nghiệp KHCN được công nhận, nằm trong nhóm các địa phương có số lượng doanh nghiệp KHCN nhiều nhất cả nước. Các sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao chiếm 45,24% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Ninh: Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Quảng Ninh đã chủ động liên kết với các tổ chức KHCN, nhà khoa học, đầu tư công nghệ, thiết bị tiên tiến... để tăng năng suất lao động, tạo ra các sản phẩm mới chất lượng cao, tiêu tốn ít năng lượng, thân thiện với môi trường.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông sản sạch gắn với việc xây dựng thương hiệu và truy xuất nguồn gốc, giúp tăng giá trị sản phẩm lên từ 15-20%. Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh đã được bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế...
Với vai trò cơ quan chuyên môn, tham mưu cho tỉnh Quảng Ninh về công tác hỗ trợ doanh nghiệp KHCN, Sở KH&CN đã xây dựng dự thảo các chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KHCN, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025. Chương trình phát triển thị trường KHCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.
Tiêu biểu như Sở duy trì, tổ chức các chương trình “Cà phê công nghệ”, hội thảo, diễn đàn để tuyên truyền, phổ biến những cơ chế, chính sách của tỉnh liên quan đến lĩnh vực KHCN. Lắng nghe, trao đổi, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đồng hành cùng doanh nghiệp trong ứng dụng, chuyển giao các công nghệ mới vào phát triển sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Từ tháng 8/2024, Quảng Ninh khai trương Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và hỗ trợ chuyển đổi số cấp tỉnh. Trung tâm đi vào hoạt động với chức năng tiếp nhận và phát triển các sáng kiến và các thử nghiệm thực tế, tổ chức các cuộc thi ý tưởng, sáng kiến phục vụ cộng đồng; nâng cao năng lực KHCN cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Cũng trong năm qua, Sở KH&CN đã phối hợp khởi động trang Zalo OA “Hỗ trợ doanh nghiệp KHCN và đổi mới sáng tạo”. Đây là kênh thông tin kết nối, giúp cung cấp những thông tin liên quan đến cơ chế, chính sách về phát triển doanh nghiệp KH&CN và khởi nghiệp; đồng thời tiếp nhận kịp thời ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp liên quan đến hoạt động này.
Giai đoạn 2012-2024, Quảng Ninh chi hơn 2.500 tỷ đồng cho hoạt động KHCN, bình quân hằng năm đạt 2,73% tổng chi thường xuyên ngân sách tỉnh. Nhiều nhiệm vụ, đề tài, dự án, đề án KHCN được ứng dụng vào thực tiễn, mang lại hiệu quả thiết thực, đóng góp tích cực hơn trong nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân... Xu hướng phát triển mới đang đặt ra yêu cầu các doanh nghiêp cần quan tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của KHCN và đầu tư cho nguồn nhân lực chất lượng cao.