Dù là trụ cột của kinh tế tri thức, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam vẫn vướng nhiều rào cản thể chế, chính sách.
Sáng 15/2, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tổ về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Phát biểu tại tổ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tầm quan trọng của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong chiến lược phát triển nhanh, bền vững, đồng thời khẳng định, việc hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ cấp bách để thúc đẩy lĩnh vực này.
Thực tế cho thấy, trong nhiều năm qua, dù được xác định là trụ cột quan trọng của nền kinh tế tri thức, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam vẫn gặp không ít rào cản, đặc biệt là những vướng mắc về thể chế, chính sách. Những quy định cứng nhắc, cơ chế tài chính chưa linh hoạt cùng hàng loạt thủ tục hành chính phức tạp đã khiến nhiều sáng kiến không thể triển khai thực tế, nhiều doanh nghiệp công nghệ mất đi cơ hội phát triển, thậm chí một số nhân tài phải tìm kiếm môi trường thuận lợi hơn ở nước ngoài.
Vì thế, việc Quốc hội thảo luận và tiến tới ban hành một nghị quyết thí điểm chính là bước đi mang tính đột phá, tạo cơ hội để khoa học công nghệ thực sự cất cánh. Tuy nhiên, bài toán đặt ra không chỉ là ban hành chính sách, mà quan trọng hơn là phải bảo đảm nghị quyết đi vào thực tế, tránh tình trạng “chính sách hay trên giấy nhưng khó thực thi”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trước mắt phải tháo gỡ ngay những vướng mắc thể chế để Nghị quyết 57 có hiệu lực thực tế, đồng thời cần lộ trình sửa đổi hàng loạt luật liên quan đến ngân sách, thuế, doanh nghiệp và khoa học công nghệ trong thời gian tới.
Việc tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ đòi hỏi chính sách cụ thể, rõ ràng mà còn cần các cơ chế đặc biệt để bảo đảm tính thực thi hiệu quả. Nhất trí với ý kiến của các đại biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề xuất bổ sung 5 cơ chế đặc biệt, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu phải có công cụ kiểm soát chặt chẽ để ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực như tham ô, tham nhũng hay lợi ích nhóm.
Trong đó, đáng chú ý là cơ chế đặc biệt dành cho phát triển kết cấu hạ tầng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đây chính là nền tảng để Việt Nam bắt kịp xu hướng công nghệ toàn cầu, song thực tế cho thấy, hạ tầng trong lĩnh vực này vẫn còn yếu kém. Việc huy động nguồn lực từ hợp tác công tư (PPP), doanh nghiệp, xã hội và người dân sẽ là giải pháp quan trọng, giúp giảm áp lực lên ngân sách nhà nước và nâng cao hiệu quả đầu tư. Tuy nhiên, để cơ chế này vận hành trơn tru, điều kiện tiên quyết là phải có chính sách minh bạch, đồng thời bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đề xuất một cơ chế đặc biệt về quản lý, theo mô hình "đầu tư công, quản lý tư" hoặc "lãnh đạo công, quản trị tư". Cách tiếp cận này thể hiện sự linh hoạt trong điều hành, cho phép Nhà nước tập trung vào việc thiết kế chính sách, xây dựng khung pháp lý và giám sát, trong khi khu vực tư nhân với sự năng động và chuyên môn có thể đảm nhiệm vai trò quản trị, vận hành. Nếu thực hiện thành công, mô hình này sẽ không chỉ nâng cao hiệu quả đầu tư công mà còn kích thích doanh nghiệp mạnh dạn tham gia vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Một trong những điểm nhấn quan trọng là cơ chế đặc biệt dành cho nhà khoa học và công trình khoa học có khả năng thương mại hóa. Để khoa học thực sự phục vụ phát triển kinh tế, cần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ đến các bộ, ngành, địa phương và các chủ thể liên quan, thay vì duy trì cơ chế xin - cho rườm rà. Điều này không chỉ giúp giảm bớt thủ tục hành chính, mà còn mở rộng quyền tự chủ cho giới khoa học, khuyến khích họ sáng tạo và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tế. Nếu không có cơ chế linh hoạt, những thành tựu khoa học dù xuất sắc đến đâu cũng chỉ dừng lại trên giấy, không tạo ra giá trị kinh tế và xã hội.
Một vấn đề khác được Thủ tướng chỉ ra là dự thảo hiện mới đề cập đến miễn trừ trách nhiệm cho người soạn thảo chính sách, trong khi khâu thực hiện mới thực sự khó khăn và dễ xảy ra sai sót. Nếu không có cơ chế bảo vệ người thực thi, sẽ dẫn đến tâm lý sợ trách nhiệm, đùn đẩy và trì trệ. Trên thực tế, không ít cán bộ, công chức e ngại triển khai những chính sách mới vì lo ngại sai sót có thể dẫn đến kỷ luật. Do đó, việc bổ sung quy định miễn trừ trách nhiệm cho người thực thi khi xảy ra rủi ro bất khả kháng là giải pháp cần thiết để khuyến khích sự chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ.
Nhìn rộng hơn, để thực sự đưa khoa học công nghệ trở thành trụ cột phát triển, Việt Nam cần một cơ chế đặc biệt trong thu hút nhân lực chất lượng cao. Việc phát triển các doanh nghiệp tư nhân về khoa học công nghệ hay mời gọi chuyên gia quốc tế đến Việt Nam không thể chỉ dừng ở khẩu hiệu mà phải đi kèm chính sách đãi ngộ thực chất. Các vấn đề như thuế, phí, nhà ở, đất đai, visa, hợp đồng lao động cần được giải quyết triệt để để tạo môi trường làm việc thuận lợi. Nếu không có cơ chế linh hoạt, một nhà khoa học dù muốn cống hiến cũng có thể phải chờ đợi thủ tục visa quá lâu, dẫn đến mất cơ hội hợp tác.
Trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng, nơi khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là chìa khóa của tăng trưởng kinh tế, việc xây dựng thể chế linh hoạt và tư duy chấp nhận rủi ro là điều kiện tiên quyết để tạo ra đột phá.
“Chúng tôi cần nghiên cứu bổ sung, mong Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ cho. Còn đương nhiên phải thiết kế công cụ đặc biệt để quản lý để không xảy ra vi phạm, tham nhũng, tiêu cực; nâng cao được hiệu quả”, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ.
Phát biểu của Thủ tướng đã nêu rõ quan điểm: muốn thúc đẩy khoa học công nghệ, không thể tránh né rủi ro mà phải chấp nhận thất bại như một phần tất yếu của quá trình phát triển.
Có thể khẳng định, một trong những thách thức lớn trong phát triển khoa học công nghệ tại Việt Nam là sự giằng co giữa kiểm soát chặt chẽ để phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng với nhu cầu nới lỏng để khuyến khích sáng tạo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh rằng bên cạnh việc đề xuất các cơ chế đặc biệt để tạo điều kiện thuận lợi, vẫn cần xây dựng những công cụ quản lý đặc biệt để tránh lạm dụng chính sách.
“Loại trừ động cơ cá nhân, còn rủi ro mất mát do khách quan, người thực hiện vô tư trong sáng vì sự phát triển khoa học công nghệ, vì sự phát triển của đất nước thì phải chấp nhận, coi đó như học phí để có thêm kinh nghiệm, bài học, bản lĩnh và trí tuệ để làm tốt hơn”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Thủ tướng là quan điểm coi thất bại như một khoản "học phí" cần thiết để tích lũy kinh nghiệm, nâng cao bản lĩnh và trí tuệ. Trong lĩnh vực khoa học công nghệ, không có con đường nào đảm bảo thành công tuyệt đối ngay từ đầu. Trên thế giới, nhiều quốc gia tiên tiến cũng từng phải trả giá bằng những dự án thất bại để có được thành tựu đột phá.
Theo Thủ tướng, điều quan trọng là phải phân định rủi ro khách quan với những sai phạm có chủ đích. Những mất mát do động cơ cá nhân, lợi ích nhóm phải bị loại trừ, nhưng nếu rủi ro xuất phát từ hoàn cảnh khách quan, từ những thử nghiệm cần thiết trong nghiên cứu và phát triển, thì đó không phải là thất bại, mà là bài học giúp đi xa hơn.